- Từ 1/1/2013, Nghị định 18 của Chính phủ về Quỹ bảo trì đường bộ sẽ có hiệu lực, người dân sẽ phải nộp tiền để duy tu, sửa chữa, nâng cao chất lượng đường xá. Nhưng nếu đường hỏng, sửa mãi vẫn không xong, liệu người dân có phải tiếp tục đóng phí?
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông: - Thứ nhất, nếu đường hỏng hóc do thi công yếu kém sẽ quy định trách nhiệm thuộc về nhà thầu là chủ đầu tư, thực hiện dự án đó.
Phí bảo trì đường bộ chỉ dùng để duy tu thường xuyên, giống như căn nhà thỉnh thoảng bong tường thì vá lại một chút, quét sơn lại trong vòng mấy năm. Còn người nào xây căn nhà mà hỏng móng thì phải bắt đền nhà thầu và giám sát công trình.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông |
- Trong trường hợp người dân đi đúng luật nhưng vì phải đường sụt lún, nhiều ổ gà, chất lượng kém, xảy ra tai nạn, người dân có được bồi thường không, thưa ông?
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông: - Điều này không chỉ riêng Quỹ bảo trì xử lý. Thường theo luật pháp Việt Nam, các cơ quan chức năng có thẩm quyền điều tra, xác minh nguyên nhân xảy ra tai nạn giao thông là cảnh sát giao thông.
Trong trường hợp họ xác định nguyên nhân do hạ tầng giao thông, do mặt đường, do yếu tố của đường hoặc do duy tu sửa chữa thì thường họ vẫn xử lý các đơn vị quản lý đường của các đơn vị đó. Thậm chí là khởi tố, ra tòa.
Còn việc bồi thường thì không bởi nó không ảnh hưởng đến Quỹ bảo trì đường bộ. Có Quỹ bảo trì đường bộ thì dần dần đường mới tốt lên được chứ không thể ngày mai có tiền đổ vào là tốt ngay được.
Chuyện nào ra chuyện đó. Những nguyên nhân tai nạn giao thông mà người dân đi đúng phần đường hay nguyên nhân khác là do công an xác định. Còn nếu đúng nguyên nhân do ổ gà, do đường thì họ sẽ truy tố và xử lý các đơn vị quản lý đường khu vực đó. Chỉ thiếu biển báo cũng đã xử lý rồi.
- Phó Chủ tịch UB ATGT Quốc gia vừa qua cũng cho biết, trên thực tế đường tốt, tai nạn giao thông tăng lên. Quỹ Bảo trì đường bộ thì nhằm mục tiêu làm cho đường tốt hơn. Thưa Thứ trưởng, mục tiêu đó có mâu thuẫn với phát biểu của Phó Chủ tịch UBATGT không?
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông: - Hành vi của người điều khiển phương tiện mà vi phạm tốc độ đó là chuyện ta phải kiểm soát. Còn việc sửa chữa đường để đảm bảo đường tốt, an toàn là một mục tiêu ta phải làm đồng bộ.
Hạ tầng phải tốt nhưng phải tuyên truyền cho người lái xe đi đường đúng tốc độ với quy định. Cảnh sát giao thông cũng phải cưỡng chế trong trường hợp như vậy. Chúng ta phải làm hai mặt chứ không thể nói để đường xấu tai nạn đỡ hơn.
Đúng là tốc độ chậm, một số chỗ đường hỏng người ta đi chậm lại cẩn thận hơn nhưng điều đó nói hành vi của người điều khiển phương tiện, thái độ người đi trên đường.
Đường tốt lên không phải chỉ vấn đề tai nạn nhiều lên mà đi lại nó êm thuận, giảm chi phí đi lại, giảm cước phí vận tải, cước phí hàng hóa sẽ rẻ hơn, đi nhanh hơn. Điều đó tạo cho hàng hóa rẻ hơn và mặt bằng chung của xã hội sẽ được hưởng nhiều hơn.
Tức là về khai thác đường không chỉ khía cạnh an toàn mà nó còn là chi phí vận tải, phát triển kinh tế xã hội nữa.
- Ông có tin tưởng rằng, sau khi đóng phí bảo trì đường bộ đường tốt lên và vấn đề an toàn lưu thông sẽ được đảm bảo?
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông: - Đấy là mục tiêu được đặt ra khi xây dựng. Còn nếu không có tiền, không có quỹ, ngân sách Nhà nước không thể bao đủ cho duy tu đường thì chắc chắn đường cung cấp rất nhanh và tăng phí vận tải, tăng gánh nặng cho xã hội...
- Vậy Bộ GTVT cũng như các ngành liên quan chức năng sẽ chịu trách nhiệm như thế nào nếu sắp tới người dân đóng phí nhưng đường vẫn tiếp tục kém chất lượng, an toàn trong lưu thông không đáp ứng được như mục tiêu đề ra?
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông: - Điều này phải đánh giá chuyện thực hiện của người ta. Sai đâu phải xử lý trách nhiệm đến đấy. Nếu làm không đúng chất lượng hoặc dùng không đúng mục đích thì có luật pháp xử lý.
- Xin chân thành cảm ơn Thứ trưởng!
Theo Phunotoday