Nhật tái chiếm đảo, Trung Quốc tăng cường lý luận biển

Thứ hai, 14/01/2013, 06:53
Ngày 13/1, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) đã tiến hành cuộc tập trận bảo vệ đảo tại thành phố Narashino thuộc tỉnh Chiba.

Tham gia cuộc tập trận có khoảng 20 máy bay và 33 xe thiết giáp. Cuộc tập trận được tổ chức theo kịch bản một đảo nhỏ của Nhật Bản bị kẻ thù chiếm đóng. Lực lượng đổ bộ đường không của Nhật Bản chiếm lại đảo này với sự hỗ trợ của lực lượng hải quân và không quân.

Phát biểu sau cuộc tập trận, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cho biết tình hình an ninh xung quanh Nhật Bản đang xấu đi khi các nước láng giềng đẩy nhanh hiện đại hóa quân đội, đặc biệt sau hai vụ phóng tên lửa mang vệ tinh của Triều Tiên hồi năm ngoái.

 khong quan
 Lực lượng đổ bộ đường không của Nhật Bản

Ông Onodera tuyên bố Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản kiên quyết bảo vệ lãnh thổ cũng như an toàn tính mạng cho người dân nước này.

Hãng tin Kyodo của Nhật Bản cho biết một trong những đơn vị tham gia cuộc tập trận này là Lữ đoàn Không quân số 1. Đây là đơn vị lính dù và nhiệm vụ chính trong cuộc tập trận là tập trung huấn luyện đường không.

Theo kịch bản, một số lính trinh sát đổ bộ lên bờ của một đảo nhỏ tưởng tượng trên thao trường Narashino. Theo sau là khoảng 40 lính dù với sự yểm trợ của lực lượng hải quân và không quân. Các binh sĩ tham gia tập trận được trang bị áo phao và súng trường.

Hồi tháng 8 và tháng 9/2012, Nhật Bản từng tiến hành 2 cuộc tập trận tái chiếm đảo cùng hải quân Mỹ tại thao trường Higashi-fuji và đảo Guam. Sau đó, một cuộc tập trận tái chiếm đảo giữa Nhật Bản và Mỹ tại Okinawa vào tháng 11/2012 đã bị hủy trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc gia tăng.

tap tran
 Binh sĩ Nhật Bản và Hàn Quốc trong một cuộc tập trận tái chiếm đảo hồi năm 2012

Trước đó, Trung Quốc đã chính thức cho thành lập Hội nghiên cứu phát triển hải dương có trụ sở đóng tại Bắc Kinh. Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc cho rằng việc nghiên cứu lý luận đóng vai trò quan trọng trong quá trình thực thi chiến lược trở thành một cường quốc biển của Trung Quốc. Tổ chức nghiên cứu này sẽ chịu trách nhiệm nghiên cứu chiến lược cường quốc biển, tham mưu, tư vấn và kiến nghị chính sách.

Ngay tại Đại hội lần thứ nhất, hội nghiên cứu này đã bầu ra một hội đồng lên tới 200 người với 70 ủy viên thường trực.

Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc chính là đơn vị sở hữu các máy bay Y-12 từng xâm phạm hoặc tiếp cận không phận quần đảo Senkaku hiện do phía Nhật Bản quản lý. Hồi cuối năm 2012, Nhật Bản từng phải điều 2 chiếc tiêm kích F-15 xuất khích để xua đuổi máy bay thuộc cơ quan này.

Theo Datviet

Các tin cũ hơn