"Đã dùng đến thuốc đặc trị rồi mà không chống được tham nhũng thì..."

Thứ năm, 07/02/2013, 11:18
“Với quyết tâm chính trị của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị và với đội ngũ cán bộ gồm nhiều Uỷ viên bộ chính trị, Uỷ viên trung ương Đảng với đủ cơ cấu thành phần như vậy, tôi tin chắc rằng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cùng với cơ quan thường trực là Ban Nội chính Trung ương dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư sẽ góp phần từng bước đẩy lùi được nạn tham nhũng”, TS. Đinh Xuân Thảo nói.

Để đẩy lùi tham nhũng cần thường xuyên, quyết liệt, công khai thông tin

Trao đổi với Giáo dục Việt Nam về công tác phòng, chống tham nhũng sau khi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chính thức đi vào hoạt động, TS. Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội nói: “Trong quá trình xử lý một vụ án tham nhũng thông thường thì vai trò của các cơ quan tư pháp cũng như thanh tra là không thể thay thế.

Chống tham nhũng
TS. Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội

Ở giai đoạn thanh tra có Thanh tra Chính phủ cũng như Thanh tra các Bộ, ban ngành thực hiện. Khi có dấu hiệu tham nhũng thì cơ quan điều tra sẽ vào cuộc, rồi tiếp đó là Viện Kiểm sát và Toà án Nhân dân tiến hành tuân theo các quy định về Luật Hình sự và Luật Phòng, chống tham nhũng.

Đối với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thì đúng là không làm thay, không sa đà vào một vụ án cụ thể nào đó. Ban Chỉ đạo đúng nghĩa với chức năng là chỉ đạo các cơ quan hữu quan, cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng, chống tham nhũng”.

Bày tỏ sự tin tưởng vào cơ quan phòng, chống tham nhũng cao nhất này, ông Thảo nói: “Nhìn vào thành phần ta thấy có đầy đủ đại diện cho bên Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Tư pháp… với mục đích tăng sức mạnh, tăng tầm bao quát và hiệu lực chỉ đạo.

Ban Chỉ đạo này tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Chấp hành trung ương ban hành chủ trương chính sách hợp lý và sau đó Quốc hội thể chế hoá thành Luật rồi các cơ quan hành pháp, tư pháp thực hiện, làm tốt việc phòng, chống tham nhũng.

Với những vụ án lớn, phức tạp thì Ban Chỉ đạo sẽ có những định hướng chỉ đạo thích hợp để các cơ quan chức năng thực hiện có hiệu quả. Còn những vụ tham nhũng nhỏ dưới địa phương và cơ sở thì sẽ do các cơ quan chức năng ở địa phương thực hiện. Dù ở địa phương không còn Ban Chỉ đạo trực thuộc UBND nữa, nhưng trách nhiệm được giao cho cấp uỷ Đảng theo dõi, phụ trách".

Như Tổng Bí thư đã yêu cầu: “Đối với những vụ án lớn, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng không sa vào xử lý từng vụ án cụ thể, không làm thay chức năng của cơ quan nhà nước; chỉ giám sát việc xử lý các vụ việc; phối hợp với các ngành, các cấp, đôn đốc làm đúng chức năng nhiệm vụ, theo quy định của pháp luật; cho định hướng chỉ đạo đối với một số vụ trọng điểm, phức tạp, để kéo dài, hoặc có ý kiến khác nhau...”.

Theo TS. Đinh Xuân Thảo, trước đây theo quy định của luật, đã có Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng của Chính phủ, tuy nhiên phải sau đó một thời gian thì mới có cơ quan phòng chống tham nhũng ở địa phương.

Như vậy, sự liên tục trong công tác điều hành đã bị thiếu lại thêm việc phối hợp không nhịp nhàng giữa bên Đảng và Chính quyền nên dẫn đến việc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cũ không phát huy hết sức mạnh của mình.

Nguyễn Bá Thanh
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng và Trưởng Ban Nội chính TƯ Nguyễn Bá Thanh bên hành lang Quốc hội. Ảnh: Minh Thăng

Bày tỏ sự đồng tình với ý kiến cho rằng, cuộc chiến chống tham nhũng của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng là cuộc chiến cuối cùng đầy cam go mang tính chất quyết định, ông Thảo cho rằng: “Hiện nay, chúng ta đã dùng đến “thuốc đặc trị” rồi mà không chống được tham nhũng thì chắc là sẽ chẳng có cơ quan nào có thể làm được việc này nữa.

Tổng Bí thư đã nói rằng chúng ta phải quyết tâm làm cho bằng được, từng thành viên của Ban Chỉ đạo phải gương mẫu. Sự phối hợp giữa các thành viên phải chặt chẽ hơn và vai trò trách nhiệm của từng thành viên phải được thể hiện rõ.

Tổng Bí thư cũng cho rằng không thể có một tổ chức mà khi ra đời đã xử lý hết ngay được nạn tham nhũng mà cần có thời gian”.

TS. Thảo cũng cho rằng: “Để nạn tham nhũng có thể được đẩy lùi, Ban Chỉ đạo phải làm việc tích cực, thường xuyên, quyết liệt, công khai thông tin. Chúng ta đã có bộ máy và có Ban chỉ đạo như vậy rồi thì bắt đầu chỉ đạo như thế nào, bắt đầu từ đâu, từ trên xuống hay từ dưới lên… Sau khi có kết quả thì công bố công khai kịp thời. Có như vậy thì mới tạo đà và khí thế cho quá trình làm việc tiếp theo".

“Chưa bao giờ chúng ta có lực lượng hùng hậu như thế”

Trước ý kiến cho rằng, khi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng ra đời dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Bí thư thì Ban này nên lật lại vụ án gây thất thoát lớn cho Ngân sách Nhà nước như vụ Vinashin và Vinalines, ông Thảo nói: “Việc xem xét các vụ án phải theo quy trình tố tụng.

Với những vụ án đã xử xong và khép lại rồi thì không lật lại. Về nguyên tắc pháp lý hình sự, một tội không xử hai lần. Trong quá trình xem xét những vụ việc khác, vụ việc phát sinh mà thấy có tình tiết mới, những người lien quan khác mà chưa xử lý thì vẫn xử lý bình thường”.

Ông Thảo nói tiếp: “Với quyết tâm chính trị của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị và với đội ngũ cán bộ gồm nhiều Uỷ viên bộ chính trị, Uỷ viên trung ương Đảng với đủ cơ cấu thành phần như vậy, tôi tin chắc rằng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cùng với cơ quan thường trực là Ban Nội chính Trung ương dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư sẽ góp phần từng bước đẩy lùi được nạn tham nhũng.

Chưa có bao giờ, một cơ quan phòng chống tham nhũng của chúng ta lại có lực lượng hùng hậu đến thế. Hiệu quả ở đây sẽ được thể hiện ở cả hai mặt: phòng và chống trong đó công tác phòng, ngăn ngừa sẽ được chú ý đặc biệt vì xoá bỏ hoàn toàn là rất khó, không nước nào làm được”.

Theo GDVN

Các tin cũ hơn