Cây bàng vuông ấy là món quà ý nghĩa của đồng bào chiến sỹ Trường Sa gửi tặng nhân dân TPHCM. Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM đã đưa về đất liền và được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải (khi ấy là Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND TPHCM) trồng tại góc đường Hoàng Sa – Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1) vào ngày 19-5-2001 nhân dịp “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”.
Hoa Trường Sa luôn nở vào lúc nửa đêm . |
Cây bàng khẳng khiu ngày ấy giờ đã ra dáng cổ thụ. Rễ cuồn cuộn như những con rắn khổng lồ chui vào lòng đất. Trên tán lá sum suê, rậm rạp, những trái bàng vuông xanh mướt đung đưa theo gió. Nhụy hoa trắng tinh khôi, điểm chút sắc tím, vàng, lung linh làm say biết bao người.
Khu quản lý giao thông đô thị số 1 cho biết sắp tới sẽ đưa cây bàng vuông, cây phong ba từ Trường Sa về trồng ở những vị trí trang trọng trên hai tuyến đường Hoàng Sa, Trường Sa.
Hoa bàng vuông rơi xuống thành những đóa hoa rất đẹp.Ảnh: L.T. |
Những người từng gắn bó với Trường Sa nói cây bàng vuông là kỷ vật thiêng liêng. Ông Nguyễn Văn Hải (60 tuổi, ngụ khu phố 2, phường Đa Kao, quận 1) nhớ lại: Tôi đóng quân ở Trường Sa năm 1975.
Cuộc sống trên đảo vô cùng khắc nghiệt. Lúc đó cây xanh đem từ đất liền ra trồng đều héo úa, còi cọc rồi chết. Chỉ có cây bàng vuông, cây phong ba mọc hoang là vẫn xanh tốt, vững chãi trước phong ba bão táp, như ý chí, lòng quyết tâm của cán bộ chiến sỹ Trường Sa ngày đêm chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Ông Trần Hoàng Huy (57 tuổi, ngụ khu phố 2, phường 6, quận 3) tâm sự: Chúng tôi đến đây không chỉ chiêm ngưỡng hoa bàng vuông mà còn muốn nhắc nhở con cháu mình luôn nhớ đến Trường Sa, Hoàng Sa và biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Bé Nguyễn Thị Hà (12 tuổi, quê ở làng chài xã Phước Tĩnh, huyện Long Điền, Bà Rịa - Vũng Tàu) thơ thẩn nhặt từng cánh hoa bàng vuông. Bé khoe sẽ đem về đặt lên bàn thờ bố. Bố của bé thường đánh bắt cá tại ngư trường Trường Sa. Năm 2009, cơn bão số 5 ập đến, tàu đánh cá của bố cô vĩnh viễn không về...
Theo Tienphong