Cách đây chưa lâu trên YouTube phát đi đoạn clip người thanh niên gương mặt khắc khổ, thất thần van xin giữa đám đông khiến nhiều người xót xa.
Người này đi xe buýt, vừa bước xuống xe thì phát hiện mất ví nên quay lại hoảng hốt van xin liên tục: “Anh ơi, túi em không có tiền đâu... Anh ơi, cho em xin lại cái bằng lái xe thôi. Các bác ơi có biết ai lấy cái ví của em không, chỉ cho em xin lại cái bằng lái xe...”, nhưng chỉ nhận được những cái nhìn thương hại của đám đông.
|
Không dám đi đâu, làm gì...
Cũng tìm kiếm trong vô vọng là trường hợp của anh Nhựt Quang (ngụ Q.3). Sáng 23.11.2012, anh Quang từ Nha Trang vào TP.HCM bằng xe lửa. Tàu vừa đến ga, anh đón xe ôm về nhà ở gần khu vực chợ Vườn Chuối. Đi được một đoạn, người điều khiển xe ôm đề nghị để túi xách ở phía trước xe để “ngồi cho thoải mái”.
Nhưng anh Quang chưa kịp biết mình đã “thoải mái” như thế nào thì đến gần ngã tư đèn đỏ trên đường Nguyễn Phúc Nguyên, một chiếc xe máy khác vọt lên, giật mất túi xách trong đó có laptop, iPad, máy chụp hình, máy ghi âm, ổ cứng và nhiều giấy tờ quan trọng khác.
Bị cướp giật mất tài sản là khổ rồi nhưng không khổ bằng đi làm giấy tờ vì đã chờ gần 3 tháng nay rồi vẫn chưa biết bao giờ mới có". Thùy Ngân Sinh viên Trường ĐH Sư phạm |
Đứt ruột vì mất hết tài sản, tài liệu lưu trữ và cả số giấy tờ, anh Quang tất tả chạy đến Công an P.10 và cả P.9 (Q.3, cùng một con đường nhưng thuộc địa bàn 2 phường khác nhau) trình báo.
Nghĩ đến nỗi khổ đi làm lại gần chục loại giấy tờ đã mất, anh Quang đi đăng báo với hy vọng có ai nhặt được trả lại. Nhưng đến nay cũng không có kết quả.
“Suốt thời gian đó tôi không dám đi đâu, làm gì hết vì không có một thứ giấy tờ tùy thân nào trong người”, anh Quang kể.
Võ Thị Thu Hường (ngụ Q.Gò Vấp) kể đầu tháng 12.2012, chị đi chợ Hạnh Thông Tây thì bị giật túi xách mất bóp, bên trong có CMND, thẻ ngân hàng, bằng lái xe, giấy đăng ký xe và tiền.
Biết là vô phương tìm lại được, nhưng chị cũng nuôi chút hy vọng là kẻ xấu sau khi lấy tiền sẽ vứt bỏ giấy tờ và có ai đó nhặt được rủ lòng thương trả lại nên đăng thông tin rao vặt trên mạng.
“Sau khi đăng tin, cùng ngày em nhận được điện thoại của một người đàn ông giọng trung niên nói có nhặt được giấy tờ, cho địa chỉ hẹn đến lấy. Em tất tả chạy đến nơi không tìm thấy địa chỉ. Em gọi lại số điện thoại vừa liên lạc hỏi thì được yêu cầu mua thẻ điện thoại 200.000 đồng nạp vào số trên sẽ được cho tiếp thông tin. Thấy bất bình thường, em hỏi số CMND của em, người đàn ông ú ớ không cung cấp được nên em biết đó là kẻ xấu lợi dụng để lừa gạt”, Hường nhớ lại.
Nhiêu khê “gõ cửa quan”
Bà Phạm Thị Sâm (83 tuổi, ngụ thị trấn Gia Lộc, Hải Dương) bị mất CMND lúc nào không hay. Chỉ quanh quẩn ở nhà nên bà cũng không để ý đến chuyện giấy tờ. Chỉ đến khi người con trai cần giấy tờ tùy thân của bà khai hồ sơ người phụ thuộc để được giảm thuế thu nhập cá nhân thì bà mới đi làm lại. Tháng 7.2012 mang hồ sơ lên công an nhưng mãi đến 23.11.2012 bà mới có CMND.
“Lần thứ nhất lên tưởng xong hết rồi, về nhà chờ hoài không có. Khiếu nại thì được trả lời tàng thư lưu trữ mất dấu lăn tay. Lần sau lại nghe thông báo hồ sơ thất lạc, được yêu cầu đóng phí làm nhanh. Tiếp tục đến hẹn lên, rồi về. Cuối cùng gia đình phải gọi điện cầu cứu khắp nơi, cả báo chí thì mới có được cái CMND”, người nhà của bà Sâm kể.
Thậm chí phóng viên của một tờ báo bị giật túi xách ở khu công nghiệp Tân Bình cho biết, chị phải mất 6 tháng ròng rã, đi lên đi xuống để có thể làm được hết những thứ giấy tờ tùy thân, hồ sơ cá nhân bị mất.
Theo nạn nhân này thì nguyên nhân “bị hành” là hầu như mẫu làm lại giấy tờ nào cũng đòi “phải có xác nhận của công an phường” nên chạy tới chạy lui và chầu chực rất mất thời gian.
Chị bảo: “Tiền mất thì đi vay mượn đâu đấy được. Giấy tờ mà mất thì... thật khiếp đảm. Cũng tại cái cơ chế hành chính nhiêu khê của mình. Mỗi lần nghĩ đến mất giấy tờ là tôi không ăn ngủ nổi”.
Một ngày giữa tháng 1.2013, chúng tôi đến Trung tâm cấp, đổi giấy phép lái xe trên đường Lý Chính Thắng (Q.3) thì gặp Thùy Ngân (sinh viên Trường ĐH Sư phạm) thất vọng bước ra. Ngân cho biết em bị cướp giật mất hết giấy tờ.
“Sau nhiều lần lên xuống hỏi thăm thủ tục và làm hồ sơ, ngày 5.11.2012 em cũng nộp được hồ sơ xin làm lại giấy phép lái xe (bản chính bị mất do Lâm Đồng cấp). Biên nhận hẹn ngày 15.1 cấp trả cho em giấy phép lái xe. Đúng hẹn, em lên thì được yêu cầu phải có CMND.
Ngày 25.1, em đem CMND đến ngồi chờ đến lượt thì được trả lời rằng vẫn chưa có, phải chờ thêm 2 tuần nữa. Nhân viên ở đây cho em số điện thoại và yêu cầu em đến hẹn gọi vào số điện thoại này để biết có giấy phép lái xe chưa. Nếu chưa thì chờ thêm 1 tuần nữa”, Ngân vừa đưa cho chúng tôi xem tờ biên nhận vừa kể.
Trước khi chia tay, Ngân than thở: “Bị cướp giật mất tài sản là khổ rồi nhưng không khổ bằng đi làm giấy tờ vì đã chờ gần 3 tháng nay rồi vẫn chưa biết bao giờ mới có”.
Trong khi đó anh Dũng (nhân viên của một công ty truyền thông ở Q.3) nói rằng 2 năm nay anh trong tình trạng “hai không”.
Anh Dũng kể năm 2010, trong một lần đi làm về khuya, dựng xe trước cửa nhà anh bị kẻ xấu giật mất ba lô. Ngoài tài sản bị mất, trong đó còn có giấy tờ xe, bằng lái, CMND, hộ chiếu, thẻ ATM… 2 năm qua anh chỉ có thời gian đi làm CMND trong một lần nghỉ phép về quê ở Phú Yên.
“Còn xe tôi đi không có giấy tờ, bằng lái cũng không có vì muốn làm phải mang xe cà tàng về quê kiểm tra số sườn, số máy. Chỉ những dịp lễ, tết mới được nghỉ phép nhiều hoặc xin nghỉ thêm ít ngày tranh thủ làm giấy tờ nhưng xe cũ rồi chạy không nổi.
Còn thuê phương tiện chở xe về những dịp này không dễ vì phương tiện luôn chật cứng người nên tôi cứ phải chạy xe không giấy, không bằng. Mỗi lần gặp công an là tôi lo sốt vó vì không có gì chứng minh xe chính chủ và có bằng lái cả”, anh Dũng nói.
(Còn tiếp)
Ước gì họ liên kết dữ liệu Gần 1 năm nay, chị Tường Nhi (ngụ Q.2, TP.HCM) luôn thấp thỏm mỗi khi ra đường. Chị đã mất giấy phép lái xe nhưng lại tiến thoái lưỡng nan trong việc đi làm mới. Chị học và lấy bằng lái khi còn ở Quảng Ngãi, sau đó chuyển vào TP.HCM sinh sống. Hồ sơ gốc thì vẫn còn nhưng giờ phải về Quảng Ngãi làm thì điều kiện thời gian và công việc lại không cho phép. “Ước gì các cơ quan sát hạch liên kết dữ liệu với nhau, người bị mất giấy tờ dù thay đổi chỗ ở như thế nào đi nữa đều có thể đến liên hệ bất kỳ tỉnh thành nào cũng được cấp lại thì đỡ khổ biết mấy”, chị Nhi nói. |
Theo Thanhnien