Đề nghị Thứ trưởng cho biết Nghị định số 73/2012/NĐ-CP của Chính phủ về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục áp dụng cho những đối tượng nào, và họ được đầu tư các loại hình cơ sở giáo dục nào tại Việt Nam?
- Tại Khoản 2 Điều 1 của Nghị định nêu rõ đối tượng áp dụng là các tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức Quốc tế và tổ chức, cá nhân người nước ngoài - gọi là Nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) hoạt động hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề theo các hình thức: Liên kết đào tạo; Thành lập cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài; Thành lập văn phòng đại diện giáo dục nước ngoài tại Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý |
Nghị định cũng nêu rõ các loại hình cơ sở giáo dục mà các nhà đầu tư nước ngoài được phép thành lập và qui định các đối tượng người học, gồm: Cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn; Cơ sở giáo dục nghề nghiệp và Cơ sở giáo dục ĐH, CĐ. Ba loại hình cơ sở giáo dục này dành cho mọi đối tượng là người nước ngoài và người Việt Nam và không hạn chế số lượng người Việt Nam học tập.
Điều 21 của Nghị định cũng quy định, nhà ĐTNN được thành lập các cơ sở giáo dục Mầm non thực hiện chương trình giáo dục theo chương trình của nước ngoài và dành cho trẻ em là người nước ngoài.
Cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện chương trình giáo dục theo chương trình của nước ngoài, cấp bằng của nước ngoài, chủ yếu dành cho học sinh là người nước ngoài và cho phép các cơ sở giáo dục này được tiếp nhận một tỷ lệ học sinh Việt Nam có nhu cầu học tập, cụ thể: Ở các trường Tiểu học và THCS không quá 10% tổng số học sinh của trường; ở các trường THPT không quá 20% tổng số học sinh của trường.
Nghị định còn qui định học sinh Việt Nam không đủ 5 tuổi không được tiếp nhận vào học chương trình của nước ngoài.
Mong trẻ lớn lên thông thạo tiếng Việt....
Tại sao lại quy định trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi không được tiếp nhận vào học chương trình của nước ngoài và hạn chế tỷ lệ học sinh Việt Nam vào học ở các cơ sở giáo dục phổ thông có vốn ĐTNN, thưa Thứ trưởng?
- Tại Nghị định 73 quy định trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi không được tiếp nhận vào học chương trình của nước ngoài. Ở đây chúng ta hiểu chương trình của nước ngoài là toàn bộ chương trình giáo dục được nhập của nước ngoài và được dạy bằng tiếng nước ngoài.
Trong quá trình xây dựng Nghị định chúng tôi quan tâm đến đối tượng các em dưới 5 tuổi, ở độ tuổi này các em cần phải học nói thạo tiếng Việt để giao tiếp với cộng đồng cùng lứa tuổi là người Việt Nam, để xây dựng cái gốc văn hoá Việt và để sau này các em có khả năng học bằng tiếng Việt một số môn học quy định bắt buộc theo chương trình giáo dục của Việt Nam. Các môn học bắt buộc này sẽ được quy định cụ thể tại Thông tư hướng dẫn Nghị định 73.
Nếu các em chưa vững tiếng Việt mà đã phải học toàn bộ chương trình giáo dục của nước ngoài bằng tiếng nước ngoài và lại học trong môi trường đa số các bạn là người nước ngoài sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức và khó khăn hoà nhập với bạn bè và cộng đồng sau này.
Là người Việt Nam chúng ta không mong muốn con em của mình lớn lên tại Việt Nam mà không thông thạo tiếng Việt và không hoà nhập với cộng đồng, với các bạn cùng lứa tuổi ở trên quê hương mình.
"Trong Luật giáo dục 2005 và Luật sửa đổi bổ sung Luật giáo dục 2009 đã nêu rõ: Mục tiêu của giáo dục là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khoẻ, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lí tưởng độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội, hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng nhu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Điều 35 của Hiến pháp 1992 cũng qui định: giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, Nhà nước phát triển giáo dục nhằm nâng cao dân trí. Cho nên trong những năm qua Đảng và Nhà nước đã tập trung đầu tư cho giáo dục và đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học, THCS và miễn học phí cho mọi đối tượng cấp Giáo dục tiểu học." |
Các em học trong các trường có vốn ĐTNN sẽ không được hưởng ưu đãi này và do trường có vốn ĐTNN được thành lập với mục đích giảng dạy cho học sinh là người nước ngoài chứ không phải là học sinh Việt Nam, nên việc giúp cho các em học sinh Việt Nam học tại trường này hình thành kiến thức và hiểu biết được truyền thống văn hoá, lịch sử của dân tộc Việt Nam sẽ khó khăn.
Nhưng thực tế cũng có một số gia đình có điều kiện về kinh tế mong muốn cho con em mình được học tập tại các trường có vốn ĐTNN, dạy bằng chương trình nước ngoài để các em có khả năng đi du học hoặc học tập trình độ cao hơn tại nước ngoài.
Thể theo nguyện vọng chính đáng này, Nghị định 73 cho phép trường có vốn ĐTNN được tiếp nhận một số học sinh Việt Nam có điều kiện được học tập tại trường.
Theo kinh nghiệm Quốc tế, những trường đầu tư nước ngoài hoạt động có chất lượng thì tỉ lệ học sinh bản địa theo học thường từ 10 đến 20% là hợp lý.
Hơn nữa, mục tiêu của các trường được thành lập là dành cho con em của họ được học tập thuận lợi tại Việt Nam và không phải vì mục tiêu kinh doanh giáo dục, nên các nhà ĐTNN cũng như là các phụ huynh mong muốn nếu tiếp nhận học sinh là công dân Việt Nam thì nên theo tỷ lệ như vậy.
Sẽ có hướng dẫn cụ thể
Đối với các cơ sở giáo dục có vốn ĐTNN, dành cho người nước ngoài đã tiếp nhận học sinh Việt Nam cao hơn tỷ lệ quy định thì thực hiện Nghị định 73 như thế nào?
Nghị định số 73 không quy định hồi tố hoặc xem xét lại các trường đã thành lập và hoạt động tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và các cam kết khi thành lập.
Những em học sinh Việt Nam đã được tiếp nhận vẫn tiếp tục học tập bình thường tại trường, nhưng nhà trường cần phải có kế hoạch, lộ trình để tuân thủ các quy định của Nghị định số 73 về tỷ lệ tiếp nhận học sinh Việt Nam.
Bộ GD-ĐT sẽ xây dựng Thông tư hướng dẫn về việc này.
Các trường quốc tế có 100% vốn đầu tư trong nước có thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 73 hay không?
Không. Các trường Quốc tế trước đây được cho phép thí điểm thì cần phải tổng kết, đánh giá thí điểm và đề xuất các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Bộ sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể.
Hiện nay, Bộ đang xây dựng thông tư hướng dẫn Nghị định 73 và sẽ đưa lên mạng lấy ý kiến đóng góp, chúng tôi rất mong các Tổ chức Quốc tế, các nhà đầu tư và các bậc phụ huynh quan tâm góp ý.
Trân trọng cám ơn Thứ trưởng!
Theo Vietnamnet