Hành khách về Hà Nội bị “chặt chém”

Thứ hai, 18/02/2013, 08:45
 Ngày 16 và sáng 17.2 (tức mùng 8 Tết), người dân, cán bộ công chức, học sinh, sinh viên các tỉnh, thành phố lại theo các chuyến xe đổ về Hà Nội chuẩn bị năm mới.

Từ sáng sớm 17.2, tình hình giao thông tại các cửa ngõ ra vào Thủ đô đã bắt đầu sôi động, người, xe đi lại đông hơn. Nhìn chung, trên hầu hết các tuyến đường, phương tiện di chuyển thuận lợi, giao thông không bị ùn tắc. Tuy nhiên, cảnh hành khách bị nhồi nhét, tăng giá vé vẫn diễn ra.

ve cho den

Ảnh: Vnexpress

Tại các bến xe Mỹ Đình, Lương Yên, phía Nam, Nước Ngầm... nườm nượp ô tô chở khách từ các tỉnh vào bến để trả khách, nên nhiều xe buýt phải đỗ cách trạm khá xa để trả khách.

Lúc 9 giờ sáng quá, tại Bến xe phía Nam Hà Nội (Bến Giáp Bát), xe tuyến cố định các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Thanh Hoá, Nghệ An... xe nào cũng chật kín khách, len qua dòng xe cộ đông đúc trên đường Giải Phóng để vào bến.

Mặc dù trước đó, Ban quản lý bến xe và các nhà xe đều đã ký cam kết trước và sau những ngày nghỉ lễ, Tết sẽ không tự ý nâng giá vé xe. Tuy nhiên, đa số hành khách cho biết, họ vẫn phải trả cao hơn giá vé ngày thường từ 80-120% giá vé. Thậm chí, một số tuyến, nhà xe còn thu cao hơn ngày thường đến 2,5 lần giá vé quy định.

Ông Nguyễn Hữu Vinh đi xe tuyến từ Thạch Thành, Thanh Hóa ra Hà Nội cho biết: “Ngày thường, tôi đi xe mất có 80.000 đồng, nay đắt gấp đôi. Lúc lên xe họ chẳng nói gì cả, đi rồi họ mới thu tiền, bảo mua vé với giá 150.000 đồng. Tết ra, muốn bắt xe để đi làm nên tôi đành chịu. Hôm trước, bạn tôi đi về còn mất 250.000 đồng...”.

Nhồi nhét, bắt chẹt giá vé là hiện tượng phổ biến diễn ra trên các chuyến xe. Mệt mỏi sau chuyến đi dài từ Thanh Hóa ra Hà Nội, sinh viên Trần Phương (Trường Đại học FPT) cho biết, xe quá đông, không có chỗ ngồi mà còn bị thu giá vé quá cao. “Bình thường, tôi đi hết có 70.000 đồng/vé, nay đi xe H.C họ lấy 150.000 đồng. Không có lý do gì cả họ cứ nói là tăng giá thôi. Trên xe họ chở rất đông khách, không thể đếm được, mỗi người đều giá như nhau”.

* Ngày 17.2, tại cửa ngõ đông bắc TP.HCM, hàng ngàn lượt xe từ các tỉnh miền Trung, miền Bắc đổ dồn về trên tuyến xa lộ Hà Nội nên đã gây ra tình trạng ùn ứ tại trước cổng Khu du lịch Suối Tiên (quận 9). Còn trên tuyến QL13, lượng xe từ tỉnh Bình Dương, Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên đổ dồn về rất đông, nên cũng gây ùn ứ tại khu vực đầu cầu Bình Triệu (quận Thủ Đức).

Tuy nhiên rút kinh nghiệm từ những năm trước, năm nay nhiều người dân trở về thành phố đã lựa chọn thời điểm đi thích hợp nên nhìn chung tại khu vực cửa ngõ đông bắc thành phố, cũng như tại khu vực Bến xe Miền Đông không xảy ra ách tắc.

Trên tuyến QL1A - cửa ngõ phía Nam nối TP.HCM với các tỉnh miền Tây, lượng xe đổ về thành phố rất đông. Do cự ly từ thành phố đi các tỉnh ngắn nên nhiều người đi lại bằng xe gắn máy, nhưng do lượng người đổ về thành phố quá đông nên đã gây ra tình trạng ách tắc.

Anh Phan Văn Hùng (quê Bến Tre) cho biết, ngày thường anh đi xe máy từ Bến Tre về Sài Gòn chỉ mất khoảng 2 giờ đồng hồ, nhưng hôm nay đi mất gần 4 giờ. Mặc dù có đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương giúp giải tỏa bớt xe cộ nhưng lượng xe từ các tỉnh miền Tây về thành phố trên tuyến QL1A quá đông nên vẫn xảy ra tình trạng quá tải.

Theo Danviet

Các tin cũ hơn