Xôn xao “thần xà” nhập đòi cúng... bò ở Hà Nội

Thứ năm, 28/02/2013, 10:24
Bất thình lình một người nằm vật ra, lè lưỡi, trườn dọc sân miếu cạnh gốc đa cổ thụ và đòi cúng cả một con bò khiến ai ai cũng hoảng hồn, chắp tay khấn vái lia lịa.

Sự việc xảy ra vào khoảng 7h tối rằm tháng Giêng tại miếu Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội), khiến người ta tin rằng, thần rắn đã hiển linh! Tuy nhiên, thực hư sự việc thế nào, phóng viên đã vào truy vết.

Không được gọi từ "rắn" (?)

Về Vạn Phúc những ngày này, đi đến đâu cũng nghe người ta bàn tán về chuyện "rắn thần hiển linh". Họ kháo nhau chuyện "ma nhập", "thánh nhập" lâu nay chỉ là lời đồn đại của những kẻ yếu bóng vía, "thần hồn nát thần tính" hay của những ông đồng bà cốt, chưa "thấy tận tay, day tận trán" bao giờ thì làm sao tin được.

Thế nhưng, chuyện ở sân miếu hôm vừa rồi thì không muốn tin cũng không xong. Bởi chuyện rành rành ra đấy, nhân chứng sống cũng rành rành ra đấy, thôi thì đủ cả: già có, trẻ có, nam có, nữ có, ai ở đó cũng tận mắt chứng kiến chứ có phải thần "bịt mắt" ai đâu? Cách lý luận ấy càng khiến cho câu chuyện trở nên ly kỳ, một đồn mười, mười đồn trăm đến nỗi câu chuyện đã vượt qua ranh giới của phường.

Mieu Van Phu

 Miếu Vạn Phúc thờ Thành Hoàng làng - khởi tổ của nghề dệt lụa.

Người ta cũng e dè nhắc đến tên "rắn", như bà bán nước cổng làng mà tôi gặp, khi nghe tôi gặng chuyện thì xua tay lia lịa: "Đừng có mà nói từ đó (từ "con rắn" - PV), thần quở đấy. Phải gọi là Thần Xà. Thần hiển linh dạy thế!"(!?).

Ngã vật ra nền rồi... đòi cúng một con bò

Ngôi miếu Vạn Phúc nằm ở tổ dân phố Độc Lập. Khuôn viên miếu khá rộng, rợp mát cây xanh. Đường vào miếu được rải bê tông sạch sẽ. Dù đã qua rằm song nhiều người vẫn lần lượt vào miếu làm lễ.

Mấy hôm nay, ông Nguyễn Duy Diễm, thủ nhang miếu Vạn Phúc luôn bận rộn vì tiếp chuyện những người khách hiếu kỳ. Ai đến lễ cũng hỏi ông sự việc xảy ra tối hôm rằm và lần nào ông cũng kể rất hào hứng, nhiệt thành.

Ông bảo, sống đến 71 tuổi đời, ông đã từng nghe kể về thần xà trong miếu. Chuyện rằng, có người đã nhìn thấy một đôi rắn rất to, bằng cả bắp chân người lớn, có râu, có mào quẩn quanh trong miếu.

Lại có người nằm mơ thần xà về báo mộng. Thế nhưng, những chuyện đó - ông cũng chỉ nghe cho vui chứ "tôi có hai lần làm thủ nhang ở đây. Lần trước ngót 6 năm, lần này mới được vài tháng nhưng chưa bao giờ tôi thấy ở miếu có chuyện khác thường. Tôi cũng chẳng mơ mộng thần thiếc gì cả", ông Diễm cho biết.

Mieu Van Phu

 Ông Diễm đang tường thuật lại câu chuyện "thần xà hiển linh".

Chẳng biết có phải vì trông nom chốn linh thiêng mà không tin vào chuyện thần thánh nên "ngài" hiển linh để ông Diễm "tâm phục" hay không mà hôm vừa rồi, nhằm đúng rằm tháng Giêng năm Quý Tỵ, giữa lúc có đông người đến làm lễ, "thần xà" đã nhập vào một người cháu họ của ông. "Đó cũng là lần đầu tiên tôi chứng kiến một chuyện kỳ lạ như thế", ông Diễm xác nhận.

Theo lời ông Diễm thì tối đó, chừng 7h, sau khi làm lễ cúng rằm tại miếu và đợi cho hết tuần nhang để xin lộc mang về, chị Triệu Ngọc Ánh ngồi nói chuyện với những người cùng đi lễ. Chị Ánh vẫn thường xuyên đến miếu vào ngày rằm và mùng một. "Đang ngồi thì Ánh giơ hai tay lên, kêu "Ối giời ơi, rét quá!" rồi lăn kềnh ra nền nhà quản cư - nơi nghỉ ngơi của người đến lễ.

Sau đó, cháu từ từ trườn xuống sân, lưỡi lè ra, mắt sáng quắc với một bên đỏ, một bên xanh. Cháu định bò ra phía lối đi thì bị vướng tảng đá rồi lùi lại. Thấy thế, tôi vội vã ra miếu thắp hương khấn xin Thành Hoàng làng là "cháu có tội tình gì thì ngài châm chước, đừng làm thế khổ cháu".

"Khấn xong, tôi quay lại chỗ Ánh thì thấy nó đang há to miệng, lưỡi lè dài hơn, mắt trợn trừng trông rất dữ tợn. Mọi người đoán chắc là khát nước, tôi liền đi lấy 5 chai nước lọc loại 350ml rồi bảo "Nước đây cháu này". Ánh không nói gì mà chỉ tay báo hiệu để nước xuống rồi vồ lấy, dựng cả chai nước đã mở nắp vào miệng làm nước văng ra ngoài ướt cả quần áo. Uống được một nửa thì nó lại vẩy nước lên đầu.

Mieu Van Phu

 Theo ông Diễm, "thần xà" đã trườn ở khoảnh sân này.

Đoạn hỏi: "Chủ tịch đâu? Chủ tịch đâu?". Mọi người đổ đi tìm thì ông Chủ tịch phường đã ra về. Sau, Ánh bảo mình là "thần xà" và dặn ngày 28 tháng Giêng này, làng phải làm lễ cúng một con bò thì thần sẽ ban phúc cho cả làng. Mọi người nghe thấy thế liền khấn lạy và hứa sẽ sắp đúng lễ như ngài yêu cầu. Một lúc sau thì Ánh tỉnh lại", ông Diễm kể.

Tiền sử bị "ma nhập"

Để thêm phần thuyết phục cho câu chuyện, tôi tìm đến gia đình chị Ánh. Tại đây, những người thân của chị cũng chưa hết bàng hoàng về sự việc mới diễn ra cách đây hai ngày.

Bà Minh, mẹ chồng chị Ánh cho hay: Tối đó, Ánh đi ra miếu một mình. Được một lúc thì người ta gọi điện về nhà tôi, bảo là ra đưa Ánh về vì "thần xà" nhập. Thú thực, Ánh từng mấy lần bị "ma nhập" nhưng lần này bảo là "thần xà" thì đúng là chúng tôi cũng rất bất ngờ. Khi ra đến nơi thì Ánh đã bình thường trở lại, không có biểu hiện của sự mệt mỏi gì cả. 12h đêm hôm đó Ánh vẫn cùng làm hàng với chúng tôi vì nhà tôi vốn có nghề buôn bán lòng.

Mieu Van Phu

Chị Ánh - người bị “thần xà” nhập vào.

Hỏi chuyện chị Ánh về buổi bị "thần xà" nhập, thoáng chút ngượng ngùng, chị kể: "Tối đó, mình đang ngồi nói chuyện ở miếu thì tự dưng thấy lạnh toát chân tay rồi chả biết gì nữa. Đến khi thấy mọi người hỏi "mày vừa làm gì đấy?", "mày nói gì đấy?" rồi họ kể lại chuyện mới biết đấy chứ".

Không cấm làm lễ, nhưng...

Ông Đỗ Xuân Thủy, Trưởng Ban Quản lý tôn tạo di tích phường Vạn Phúc xác nhận: "Tôi có nghe người ta bàn tán, kể chuyện "thần xà" nhập vào chị Ánh hôm rằm tháng Giêng, cả chuyện đòi cúng cả một con bò để thần phù hộ cho dân làng Vạn Phúc. Thú thực, tôi không trực tiếp chứng kiến nên cũng không tin vào chuyện này".

Ông Thủy cũng khẳng định: "Hiện tại, theo tôi được biết thì người dân đã tự động đứng ra quyên góp được hơn 10 triệu đồng tiền làm lễ cúng vào ngày 28 âm lịch tới đây. Về phía Ban Quản lý tôn tạo di tích, tôi khẳng định là không cấm đoán việc người dân làm lễ nhưng Ban sẽ không đứng ra làm lễ, vì làm như thế là cổ súy cho mê tín dị đoan, không có cơ sở gì để mà làm".

 "Miếu Vạn Phúc được dựng từ năm 869, thờ vị nữ Thành Hoàng làng là khởi tổ của nghề dệt lụa - Bà A Lã Đê Nương, con cụ Hùng Thụy, hậu duệ vua Hùng. “Đúng là mấy ngày qua, tôi có nghe người ta kể lại chuyện ở miếu hôm rằm. Vì không trực tiếp chứng kiến nên tôi không rõ thực hư thế nào, người ta có thêu dệt thêm không. Cái này thuộc lĩnh vực tâm linh rồi".

Bà Nguyễn Thị Lý (Phó Chủ tịch UBND phường Vạn Phúc)

Theo Vietnamnet

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn