Thư tịch Hoàng gia Chăm khẳng định chủ quyền Hoàng Sa

Thứ ba, 19/03/2013, 11:01
Kho tư liệu Hoàng gia Chăm vẫn còn những văn kiện liên quan đến chủ quyền biển đảo của Việt Nam, đặc biệt là vùng biển Trường Sa và Hoàng Sa.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm UNESCO Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Chăm - TS Thông Thanh Khánh, thư tịch Hoàng gia Chăm chứa đựng nhiều chủ đề di sản văn hóa Chăm độc đáo như lịch sử, văn học, ngôn ngữ, chữ viết, tín ngưỡng, tôn giáo…

Trong đó kho tư liệu Hoàng gia Chăm vẫn còn những văn kiện liên quan đến chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Đặc biệt là vùng biểnTrường Sa và Hoàng Sa.

thu tich

Tư liệu Hoàng gia Chăm.

Có thể nhận thấy di sản tư liệu Hoàng gia Chăm là tư liệu cực kỳ quý hiếm. Nó là tài liệu chính thống để hiểu thêm về lịch sử của vương quốc Champa mà hiện nay các nhà khoa học, sử học còn đang tranh cãi.

Các thư tịch này cũng cho chúng ta biết nhiều hơn về mối bang giao cũng như chính sách ngoại giao của triều Nguyễn với những tiểu quốc phía Nam. Đặc biệt, có những văn kiện liên quan đến chủ quyền biển đảo của Việt Nam, trong đó có vùng biển Trường Sa và Hoàng Sa.

TS Thông Thanh Khánh cho hay: trong các công văn gửi đi và đến giữa Triều đình với các địa phương chúng tôi đã phát hiện ra có rất nhiều văn thư liên quan đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa như một văn bản của làng Chăm Plei Koh nay là đảo Phú Quý thuộc Bình Thuận vào năm 1836.

Văn bản ghi: "…Làng Koh trình tấu với quan phủ về việc cử 3 chiếc thuyền đến Trường Sa (Kulao Cuah Atah) và Hoàng Sa (Kulao Cuah Bhong) hỗ trợ việc cắm các mốc giới theo chỉ dụ. Việc này làng Koh đã tập hợp dân đinh và ngư phủ nhưng bây giờ biển động không thể ra khơi nên làng xin quan phủ cho dời đến tháng Mười sẽ khởi hành”.

thu tich

Chuyên viên Trung Tâm Unessco Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa Chăm đang xử lý tư liệu Hoàng gia Chăm.

Hàm chứa nhiều giá trị lớn, hiện giờ các di sản tư liệu quý hiếm này đang được bảo tồn và khai thác. Nói về vấn đề này TS. Thông Thanh Khánh chia sẻ: Là người Chăm, tôi rất buồn khi phải nói rằng, đến nay di sản tư liệu Hoàng gia Chăm vẫn chưa thực sự được quan tâm bảo tồn, nghiên cứu và khai thác đúng với giá trị của nó.

Trên 10 triệu trang ghi chép quý giá của kho tàng thư tịch Hoàng gia này hiện đang được chúng tôi nghiên cứu, phân loại, lưu giữ, bảo quản trong điều kiện khá khó khăn. Đa số tư liệu vì lâu năm nên đã đến giai đoạn phân hủy, trong khi đó các chủ nhân của chúng đã già không có người tiếp nối bảo quản. Thế hệ trẻ thì ít người quan tâm và đọc được các văn bản này.

Tôi mong muốn Nhà nước sớm quan tâm đầu tư kinh phí để phân loại, bảo quản và tổ chức biên dịch, xuất bản để giới thiệu kho tư liệu quý báu này cho các nhà nghiên cứu và đặc biệt bổ sung làm phong phú tư liệu cho ngành lưu trữ và thư viện nước ta.

Theo Kienthuc

Các tin cũ hơn