Di sản Mandela: Hòa bình không chỉ xây bằng xương máu

Thứ hai, 09/12/2013, 13:43
Di sản đáng quý nhất của Nelson Mandela là bài học về sự khoan dung để thống nhất một dân tộc bị chia rẽ.

Ngày 5/12 vừa qua, Nelson Mandela, vị thánh sống của nhân dân Nam Phi cũng như các dân tộc bị áp bức trên thế giới, qua đời ở tuổi 95. Ông là người lãnh đạo phong trào xóa bỏ chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid ở Nam Phi, giúp cho người da đen được hưởng các quyền bình đẳng như thiểu số da trắng.

Nhưng nếu chỉ vậy thì không đủ để Madiba, cái tên mọi người thường gọi ông, trở thành một trong những vị lãnh đạo vĩ đại nhất của loài người trong thế kỷ 20.

Điều làm nên huyền thoại Mandela chính là sự bao dung với cựu thù khi ông đã nắm trong tay quyền lực, góp phần mang lại nền hòa bình và hòa giải tưởng như không thể có được ở Nam Phi.

Mandela

Hàng nghìn người Nam Phi tham gia vào ngày "cầu nguyện và ngẫm nghĩ" về Tổng thống quá cố Nelson Mandela

Công lý và hòa giải

Bước ra ánh sáng sau 27 năm bị giam cầm vào năm 1990, việc đầu tiên Mandela làm là tìm cách hòa giải một dân tộc bị chia rẽ bởi thù hận và định kiến trong hàng thế kỷ qua.

Ông hiểu rằng hòa giải không thể thiếu sự thật: nếu tội ác của chế độ Apartheid không được làm sáng tỏ và công lý không được thực thi, thì người dân Nam Phi sẽ sống trong một nền hòa bình rất mong manh, chỉ cần một biến cố nhỏ là bạo lực sẽ lại bùng phát.

Nhưng ông cũng biết nếu đi tìm công lý bằng một cuộc tắm máu khác thì chắc chắn đất nước sẽ bị đẩy vào vòng nội chiến, người da trắng sẽ đòi ly khai, và khi đó thì chuyện hàn gắn dân tộc là không thể.

Ông đã dùng tài ngoại giao, trí thông minh, và cả trái tim bao dung của mình để “đi trên dây” giữa hai làn ranh giới đó.

Một mặt ông đi gặp những nhà lãnh đạo của người Afrikaner, chủng tộc da trắng nắm quyền trong chế độ Apartheid, để đàm phán về tương lai đất nước. Mặt khác, ông tích cực thuyết phục quần chúng giận dữ phải giữ bình tĩnh vì lợi ích chung.

“Tôi là lãnh đạo của các bạn. Nếu các bạn không cần tôi nữa, thì tôi sẽ lui về nghỉ. Nhưng chừng nào tôi còn làm lãnh đạo, tôi phải lên tiếng rằng: điều chúng ta đang làm là rất sai.” Ông nói với những thành phần cực đoan muốn trả nợ máu với người da trắng ở Johannesburg vào năm 1993.

Để xử lý vấn đề tội ác của chế độ Apartheid, Mandela đã lựa chọn một giải pháp mà chưa từng một lãnh đạo nào trong hoàn cảnh của ông thực hiện.

Thay vì tạo ra một phiên toàn xét xử tội ác của chế độ như thông thường, ông cho thành lập “Ủy ban Sự thật và Hòa giải” với mục đích đúng như tên gọi của nó: làm lành đi những vết thương quá khứ. Nạn nhân kể về những tội ác mà họ đã chứng kiến hoặc trải qua dưới chế độ Apartheid, và những kẻ cầm quyền cũ sẽ được khoan hồng nếu thừa nhận những tội ác mà họ gây ra.

Với tài năng của một chính trị gia, và hơn tất cả là một trái tim biết khoan dung, Nelson Mandela đã tạo ra sự khởi đầu cho điều kỳ diệu ở Nam Phi: từ một quốc gia bị chia rẽ sâu sắc bởi chủng tộc, Nam Phi trở thành một “đất nước cầu vồng,” nơi tất cả màu da đều được tôn trọng và đối xử bình đẳng. Nam Phi vươn lên thành quốc gia giàu nhất ở lục địa Đen, có mặt trong nhóm các quốc gia “quyền lực mới” BRICS, và xây dựng lên một xã hội tự do và hiện đại.

Nelson Mandela trở thành vị Tổng thống da đen đầu tiên của đất nước vào năm 1994. Cựu Tổng thống của chế độ cũ, ông F. W. de Klerk, trở thành Phó tổng thống, một biểu tượng vô tiền khoáng hậu về hòa giải trong lịch sử loài người.

“Tôi biết nhiều người chờ đợi tôi biểu hiện sự căm thù đối với người da trắng,” Mandela nhớ lại buổi sáng vào năm 1990 khi ông bước chân ra khỏi tù. “Nhưng tôi không cảm thấy thế. Trong tù, nỗi thù hận với người da trắng của tôi giảm đi nhưng sự căm ghét với chế độ tăng lên.”

Nelson Mandela chỉ lãnh đạo Nam Phi đúng một nhiệm kỳ Tổng thống, dù với danh tiếng và sự ủng hộ từ dân chúng, ông có thể “tham quyền cố vị” đến hết đời nếu muốn. Điều này đặt nền móng dân chủ vững chắc cho một Nam Phi mới, giúp quốc gia này tránh trở thành một hệ thống chính trị chuyên quyền như nhiều quốc gia châu Phi khác.

Trị quốc đo bằng gì?

Lịch sử thế giới hàng nghìn năm sản sinh ra không ít nhà lãnh đạo tài năng. Nhưng những nhà lãnh đạo biết dùng trái tim để thu phục quần chúng, biết vượt qua hận thù để hàn gắn đất nước, biết dùng trí tuệ để xây dựng một cuộc đời mới tốt đẹp hơn cho nhân dân, thì không phải lúc nào cũng có.

Chúng ta đã quá quen với điển tích nhà Tần chôn sống 40 vạn hàng binh ở Vạn Lý Trường Thành sau khi thắng nhà Triệu, với câu chuyện Nguyễn Ánh tận diệt nhà Tây Sơn sau khi lên ngôi, hay rất nhiều các chuyện thù - báo thù khác diễn tra triền miên trong các cuộc nội chiến.

Vậy nên di sản hòa bình của Nelson Mandela để lại càng trở nên vô giá. Ông đã cho loài người thấy hòa giải dân tộc chỉ thực sự có được nếu chúng ta biết nhìn lại và đối xử với quá khứ một cách thẳng thắn nhưng bao dung, để từ đó hướng tới một tương lai tươi sáng hơn.

Một phần nào đó, cuộc đời của Mandela có nhiều điểm chung kỳ lạ với Aung San Suu Kyi, lãnh tụ phong trào dân chủ của Myanmar. Bà cũng từng bị giam lỏng tại nhà trong gần 20 năm, trước khi được thả vào năm 2010, và trở thành một trong những nhân tố chính trong quá trình hòa giải dân tộc ở quốc gia này.

Những người như Nelson Mandela và Aung San Suu Kyi cho chúng ta thấy một góc nhìn khác về sự vĩ đại. Chiến thắng kẻ thù, dù bằng cách nào đi nữa, cũng không chứng tỏ được điều gì to tát. Bởi mục tiêu của mọi cuộc đấu tranh không phải là để giành chiến thắng, mà là vì một xã hội tốt đẹp hơn cho tất cả. Như chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, "Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, thì tự do độc lập cũng không có nghĩa lý gì."

Xét theo nghĩa đó, Nelson Mandela xứng đáng là một trong những lãnh tụ vĩ đại nhất vì tự do và tiến bộ của xã hội loài người.

Theo VNN

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích