Ra đảo Robben
Cuốn sách ngay lập tức trở thành hiện tượng trên thế giới, được in và tái bản tại nhiều nước.
Tôi tỉnh giấc vào đúng nửa đêm, hai mắt nhìn lên sàn xà lim không chớp mắt. Hình ảnh phiên tòa Rivonia (năm 1964, khép Nelson Mandela tội phản quốc - TT) vẫn hiện lên mồn một trong đầu tôi, tôi vẫn như nghe rõ từng tiếng động nhỏ trong buổi tuyên án, rồi bước chân của người “có tội” hòa lẫn trong tiếng thét hân hoan, căm phẫn của hàng nghìn người vây quanh tòa án.
Và trong cơn nửa mê nửa tỉnh ấy, tôi cảm nhận có bước chân người đang tiến gần đến xà lim biệt giam giữa đêm khuya. Đúng thế. Có tiếng gõ cửa. Tôi nhìn qua lưới thép và nhận ra khuôn mặt của đại úy Aucamp. Ông ta hỏi rất khẽ: “Nelson Mandela, ông còn thức chứ?”. Tôi nói phải. Aucamp tiếp: “Ông là người hạnh phúc lắm. Chúng tôi đưa ông đến một nơi và ở đó ông được hưởng nhiều tự do hơn. Ở đó ông có thể hoạt động, đi lại thoải mái. Ở đó ông thả sức ngắm trời xanh và biển xanh chứ không chỉ là những bức tường xám ngoét”.
Nelson Mandela (1918 - 2013) - Ảnh: Nelsonmandela.org |
Đã làm được tất cả, sẽ làm được tất cả
Viên đại úy không có ý xỏ xiên, nhưng tôi biết rất rõ nơi mà ông ta nói đến ấy chẳng bao giờ mang lại sự tự do mà tôi ao ước. Làm như vẻ có điều gì bí mật lắm, viên đại úy vốn đã nói khẽ lại hạ giọng như nói thầm: “Chừng nào ông không gây trở ngại cho chúng tôi thì ông sẽ có tất cả những gì ông muốn”. Tiếp theo, Aucamp đánh thức những người khác bị nhốt trong xà lim biệt giam, ra lệnh cho tất cả thu xếp đồ đạc. Mười lăm phút sau, chúng tôi bị dẫn qua đường hầm lắt léo của nhà tù Pretoria, qua hàng loạt cổng sắt.
Có bảy người tất cả. Chúng xích tay chúng tôi và đẩy lên xe thùng cảnh sát bịt kín. Lúc này đã gần 2g sáng, nhưng không ai trong bảy chúng tôi tỏ ra mệt mỏi, trái lại chúng tôi hát vang những bài ca cách mạng, sống lại những phút hào hùng của giờ tuyên án. Họ chuẩn bị đồ ăn nguội - bánh mì kẹp thịt - và thức uống khá hậu hĩnh. Một viên đội, Van Wyck, cũng ngồi trong thùng xe với chúng tôi.
Anh ta là một người biết điều, nhã nhặn. Khi chúng tôi hát xong bài hùng ca, anh ta bỗng nói rất nghiêm trang: “Các ông biết không? Các ông không phải ở lâu ngoài đảo đâu. Áp lực từ bên ngoài đòi trả tự do cho các ông đã và đang gây ra sức ép mạnh lên chính phủ. Chỉ một hoặc nhiều lắm thì hai năm sau các ông sẽ ra khỏi nhà tù. Hàng nghìn, hàng vạn người hoan hô các ông, tất cả đều là bạn của các ông, phụ nữ yêu quý các ông. Các ông đã làm được tất cả, sẽ làm được tất cả!”.
Chúng tôi im lặng nghe anh ta nói và tôi phải ghi nhận rằng những lời nói của viên đội làm tôi thích thú. Bất hạnh biết bao khi lời báo trước của viên đội tốt bụng dài gấp 10 lần. Phải mất 27 năm dự báo ấy mới trở thành hiện thực.
Lặng lẽ và bí mật, được một đơn vị cảnh sát vũ trang “tháp tùng”, xe tù đưa chúng tôi đến một sân bay quân sự sau hơn một giờ. Chúng tôi bị đẩy lên chiếc Dakota cũ mèm. Trong bụng máy bay không có lò sưởi, chúng tôi rét cóng run cầm cập. Chúng tôi dường như chẳng ai quan tâm nhà cầm quyền sẽ đưa mình đến chân trời nào. Khi lên độ cao 5m ai cũng tái xanh mặt mày. Lúc này mọi sự tệ hại và nguy hiểm hơn là ngồi trong xà lim giữa bốn bức tường xám xịt.
Nelson Mandela vá áo trong sân nhà tù Robben - Ảnh: Express Newspaper |
Sau hơn một giờ bay, cảnh vật dưới đất trong ánh bình minh như mờ như ảo. Tất cả chúng tôi dán mắt qua khung cửa sổ tròn của máy bay nhìn xuống trong tâm trạng ngổn ngang. Máy bay đang tiến theo hướng đông nam. Như các chiến hữu, tôi cũng dán mắt qua cửa kính nhưng không phải để chiêm ngưỡng phong cảnh phong phú của đất nước mình như một khách du lịch, mà là bằng đôi mắt của một vị chỉ huy du kích.
Trong đầu tôi hiện lên những vùng trú quân an toàn cho đội quân vũ trang quyết đương đầu với chế độ apartheid (phân biệt chủng tộc) muôn đời đáng nguyền rủa.
Người tù số 466/64
Vài phút sau, đảo đã ở ngay dưới cánh máy bay của chúng tôi. Máy bay hạ độ cao, rồi hạ cánh xuống sân bay dã chiến ở cuối đảo. Hôm đó là một ngày u ám, lạnh buốt như cứa da thịt, quất vào mặt chúng tôi trong những bộ quần áo tù mỏng tang. Bọn lính gác lăm lăm súng tự động trong tay. Không khí căng thẳng nhưng bình lặng, rất khác với “cuộc đón tiếp” mà đảo Robben dành cho tôi hai năm trước đây.
Chúng tôi bị dẫn về nhà tù cũ. Một ngôi nhà đá trơ trọi giữa biển trời hoang vắng. Chúng tôi phải cởi quần áo ngay giữa sân. Đó là một kiểu hành hạ làm nhục tù nhân khi bị chuyển từ nhà tù này đến nhà tù khác. Người tù “được” thay sắc phục mới. Chúng tôi nhận những bộ kaki vải thô, “đặc trưng” của đảo Robben sau khi ném hết mọi thứ rách rưới trên người xuống đất. Chế độ apartheid phân biệt người tù qua các áo tù theo màu da.
Thật khủng khiếp. Trừ Karthy, tù nhân gốc Ấn, chúng tôi chỉ được nhận quần đùi, áo mỏng và một cái chăn đơn cũ, dép râu. Chỉ duy nhất Karthy được phần tất. Quần đùi là để “nhắc nhở” người Phi da đen rằng họ là “boys”. Hôm nay tôi chịu mặc quần đùi nhưng thề rằng không bao giờ chịu lùi bước và khuất phục cả ngay trong sự phân biệt đối xử thô bạo này.
Vào buổi sáng ngày thứ tư, người ta lại xích tay chúng tôi, đẩy lên xe chở đến một nhà tù khác. Đó là một pháo đài hình chữ nhật bao quanh một sân ximăng rộng 10m dài 30m. Bốn bên pháo đài là xà lim, một tường thành cao bao bọc xung quanh. Tường cao tới 7m. Trên nóc là ba chòi canh có cả chó becgiê Đức túc trực. Có 24 xà lim biệt giam, mỗi xà lim có cửa tò vò lưới sắt. Cửa xà lim hai lớp, lớp trong là gỗ, lớp ngoài là sắt. Ban ngày chỉ đóng cửa sắt để thoáng phần lưới sắt phía trên. Ban đêm cửa gỗ cũng bị khóa lại. Xà lim biệt giam được cất vội vã, hẳn là để đón “khách mới nguy hiểm”.
Xà lim của tôi nằm cuối dãy. Chiều dài xà lim đúng ba bước chân của tôi, chân tôi đụng tường và đầu cũng đụng tường khi nằm thẳng. Trước xà lim là “thẻ bài”. “Thẻ bài” của tôi là “N.Mandela 466/64” có nghĩa tôi là tù nhân số 466 và xà lim biệt giam năm 1964. Năm đó tôi 46 tuổi, bị kết án khổ sai chung thân và xà lim này là nơi tôi thụ án cho những năm còn lại của đời mình. Tôi sẽ ở đây bao nhiêu năm?
Năm 1998, hồi ký Hành trình dài đến tự do của Nelson Mandela được dịch ra tiếng Việt, do Nhà xuất bản Trẻ và Công ty Văn hóa tổng hợp quận 11 (nay là Công ty văn hóa Phương Nam) xuất bản. Người dịch cuốn sách là tiến sĩ Trần Nhu. Tiến sĩ Trần Nhu từng là nghiên cứu sinh tại CHDC Đức. Ông kể thời ông ở CHDC Đức, Nelson Mandela cùng Yasser Arafat là hai nhà lãnh đạo được thế hệ thanh niên của ông xem là thần tượng. Năm 1998 sau khi về nước, một người mang từ Đức về cho ông hai tập cuốn hồi ký Hành trình dài đến tự do. Ông đọc ngấu nghiến và trích dịch thành một cuốn sách 380 trang, lấy tên sách là Nelson Mandela - người tù thế kỷ. Nhớ lại câu chuyện dịch sách 15 năm trước, tiến sĩ Nhu nói với Tuổi Trẻ: “Tôi đã dịch suốt trong 40 ngày, mỗi ngày 15 tiếng. Không chỉ là dịch một cuốn hồi ký, mà tôi đang sống cùng thần tượng của mình”. |
Theo Tuổi Trẻ