Tìm ra đối tượng để lũ chồng lũ đổ xuống đầu dân?

Thứ bảy, 07/12/2013, 08:24
Trả lời về trách nhiệm với việc xả nước thủy điện dẫn đến lũ chồng lũ, các tỉnh lại nói họ không quản lý hồ thủy điện, không có quyền quyết định xả lũ, nên không có trách nhiệm. Còn phía thủy điện lại cho rằng, xả lũ gây hại là do "ông trời".
Ai quyết định xả lũ?
Quảng Nam là địa phương tập trung của nhiều thủy điện lớn như Đăkmi 4, A Vương, Sông Tranh 2, Sông Bung 4...
Trong trận lũ ngày 15/11, để đảm bảo an toàn cho hồ, đập, Ban quản lý dự án Nhà máy Thủy điện Đăkmi 4 đã xả tràn về vùng hạ lưu xã Phước Hiệp, huyện Phước Sơn có lúc lên đến 714 m3/giây và cộng với lượng mưa trên diện rộng đã gây sạt lở nghiêm trọng vùng hạ lưu.
Ông Nguyễn Văn Sỹ - Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam, cho rằng xả lũ gây hại cho dân là do ban quản lý các dự án thủy điện, các hồ đập chứa.
Việc ai đó đổ lỗi cho địa phương là không đúng vì địa phương không quản lý việc xả lũ, cũng như không có quyền quyết định việc xả lũ.
"Tôi chưa nghe ai nói xả lũ sai địa phương phải chịu trách nhiệm. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đã nhắc nhở xả lũ phải thực hiện đúng quy trình nhưng không thể quy trách nhiệm cho địa phương. Địa phương không quản lý các hồ chứa nên không thể điều hành việc xả lũ được", ông Sỹ bức xúc.
Theo ông Sỹ, tỉnh hoàn toàn bị động. Quyết định xả lũ là do các chủ hồ chứa họ hoàn toàn quyết định rồi thông báo cho địa phương trước 2-3 giờ. Nhiều vùng nhận được thông báo xả lũ còn chạy kịp, có những vùng như Phước Sơn, Đại Lộc với thời gian 2 tiếng là hoàn toàn không thể đối phó được. Lượng nước đổ về quá lớn, trong thời gian quá ngắn khiến người dân không kịp trở tay.
Hơn 40 người thiệt mạng trong trận lũ lịch sử vừa qua.
Trong khi đó, Chánh văn phòng kiêm phát ngôn của tỉnh Gia Lai - Ngô Ngọc Sinh cho hay, Gia Lai đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng điều chỉnh việc xả lũ phải báo trước thời gian là 24 tiếng đồng hồ.
Theo quy định cũ, việc xả lũ chỉ được ban quản lý hồ chứa báo trước cho địa phương có 2 tiếng đồng hồ khiến địa phương trở tay không kịp.
Ông Sinh nói, khi tiếp nhận nguồn tin sẽ xả lũ từ các hồ thủy điện là trước 2 tiếng, lãnh đạo địa phương lại mất thời gian triển khai các biện pháp thông báo tới người dân. Tuy nhiên, do không được quyền quyết định lại rơi vào thế bị động nên việc thông báo đến người dân gặp nhiều khó khăn, người nghe được người không.
Việc quy trách nhiệm xả lũ cho chủ tịch tỉnh ông Sinh cho rằng phải xem xét. Vì thực tế địa phương không được quyết định việc xả lũ nên cũng không thể đẩy trách nhiệm cho địa phương được.
Tuy nhiên, ông Phạm Đình Cử - Chủ tịch tỉnh Phú Yên lại cho biết: Việc ký quyết định xả lũ là do chủ tịch tỉnh.
Ông Cử cho hay, khi có kế hoạch xả lũ, ban quản lý các hồ thủy điện phải thông báo kế hoạch cụ thể tới lãnh đạo tỉnh. Chủ tịch tỉnh là người trực tiếp ký quyết định thông báo xả lũ, vận hành xả lũ thế nào, thời gian, lưu lượng... để thông báo tới người dân.
Thời gian thông báo tới người dân trước khi xả lũ là 2-3 giờ. Còn khi xả lũ gây hại cho người dân thì sẽ xem xét trên hai góc độ. Nếu là do chủ quan không báo cáo trách nhiệm đó thuộc về chủ hồ chứa. Nếu khách quan do lũ lớn kết hợp với triều cường thì phải xem xét từng trường hợp cụ thể.
Tất cả đều đúng, lũ tại "ông trời"
Chỉ trong trung tuần tháng 11, trung tâm Phòng chống lụt bão miền Trung - Tây Nguyên cho biết,  đồng loạt 16 hồ thủy điện miền Trung - Tây Nguyên xả lũ. Các huyện vùng hạ du liên tục hứng nước, nhiều vùng bị chia cắt, cô lập, nhiều nhà dân ngập lụt đến nóc. Người dân lại một phen la trời vì “ông thủy điện”.
Theo thống kê, ít nhất 40 người chết và mất tích. Cụ thể Bình Định 16 người bị chết, Quảng Ngãi có 9 người, Quảng Nam 5 người, Gia Lai 1 người, Kon Tum 1 người. Trong 9 người mất tích: Quảng Nam 1 người, Quảng Ngãi 4 người, các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Gia Lai mỗi tỉnh 1 người.
Tuy nhiên, cuộc tranh cãi thủy điện xả lũ gây hại cho dân ai phải chịu trách nhiệm vẫn chỉ là cuộc tranh cãi không có hồi kết.
Trên địa bàn tỉnh Phú Yên có ba nhà máy thủy điện đang hoạt động là: Thủy điện Sông Hinh, sông Ba Hạ và K'rông Năng, tổng công suất 356 MW. Sáng 4/11, lượng mưa ở Phú Yên và khu vực miền trung tiếp tục tăng cao, Nhà máy Thủy điện sông Ba Hạ (Phú Yên) phải xả lũ khẩn cấp vượt mức cho phép, có thời điểm tổng lượng nước xả lũ khoảng 6.000 m3/giây mà không thông báo với địa phương, gây khó khăn trong việc chủ động điều hành phòng, tránh lũ.
Sau sự việc đó, UBND tỉnh Phú Yên đã có công văn yêu cầu chấn chỉnh và thông báo: Việc xả lũ của Công ty CP thủy điện sông Ba Hạ đã vi phạm Ðiều 12 - Quy trình vận hành liên hồ chứa theo Quyết định số 1757/QÐ-TTg ngày 23-9-2010 của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Nguyễn Bá Lộc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên kiêm Trưởng Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho rằng, Công ty CP thủy điện sông Ba Hạ trước khi xả lũ cường độ lớn đã không báo cáo UBND tỉnh, gây khó khăn cho việc di dân, gây ngập úng ở TP Tuy Hòa và một số địa phương khác trong tỉnh...
Từ phía cơ quan quản lý, Bộ Công thương mới đây đã phủ nhận lũ lụt miền Trung là do thủy điện gây ra. Sau khi rà soát việc vận hành 16 hồ chứa thủy điện, thủy lợi lớn ở miền Trung trong đợt lũ mới đây, Tổng Cục năng lượng, Bộ Công thương khẳng định, thủy điện không có “tội” trong các trận ngập lụt vùng hạ du vừa qua. Không những vậy, các hồ này đã tích cực giúp cắt giảm đỉnh lũ.
Trong khi đó, nhiều ý kiến khác đã nhanh chóng quy trách nhiệm lũ chồng lũ là do các nhà máy thủy điện miền Trung thấy mưa lớn, đồng loạt xả tràn khiến cho nước ngập cao khắp nơi, gây nên thiệt hại lớn cho người dân. Thủy điện phải chịu trách nhiệm về hiện tượng cứ mưa to là ngập lụt tại miền Trung.
GĐ Sở NN&PTNN Quảng Nam, ông Nguyễn Thanh Quang cho rằng: “Thủy điện không gây ra lũ lụt, thiên tai tạo ra nước. Nhưng chính thủy điện tiếp sức gây ra lũ lụt! Quy trình xả lũ do chính thủy điện đề ra! Nói xả lũ đúng quy trình? Nó chỉ đúng với chủ hồ, nhưng nó không đúng với cuộc sống người dân!"
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực thủy lợi, một trong những điều đáng lưu ý là việc các hồ thủy điện không xả lũ trước khi mưa về, đến khi lũ về mạnh mới xả sẽ gây nguy cơ ngập lụt trên diện rộng.
Các chuyên gia cho rằng, trong phòng, chống lụt bão cần nhất là việc chủ động phối hợp của các ban, ngành và chính quyền địa phương trong việc đối phó với thiên tai. Nếu vận hành đúng quy trình sẽ giúp giảm thiệt hại cho hạ du.
Chủ tịch tỉnh phải chịu trách nhiệm
Ngày 2/12, chủ trì cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã thẳng thắn lên tiếng quy trách nhiệm đối với chủ tịch tỉnh trong quy trình vận hành xả lũ không đúng gây thiệt hại cho dân.
Thủ tướng yêu cầu Bộ TN&MT trực tiếp vào cuộc thẩm tra và chủ tịch tỉnh phải chịu trách nhiệm buộc địa phương thực hiện đúng. Phải chịu trách nhiệm theo ngành và theo lãnh thổ.
"Khi thủy điện xả lũ không đúng, chủ tịch tỉnh phải chịu trách nhiệm, chứ Bộ ở xa quản lý sao được”, Thủ tướng nói.

Theo Báo Đất Việt

Các tin cũ hơn