|
Sau vụ hỏa hoạn ngày 19/11, Zone 9 bị TP Hà Nội chỉ đạo đóng cửa. Ảnh: Chí Cường. |
“Lằng nhằng” và “lòng vòng”
“Lằng nhằng” và “lòng vòng” là những cụm từ được Trưởng ban Pháp chế của HĐND TP Hà Nội Nguyễn Hoài Nam dùng để nói về việc khu đất số 9 Lê Thánh Tông (Zone 9) đã qua tay nhiều doanh nghiệp, để đến khi xảy ra vụ cháy ngày 19/11 gây hậu quả nghiêm trọng thì không biết ai phải chịu trách nhiệm.
Trong nội dung chất vấn về PCCC, đại biểu Nguyễn Hoài Nam cho rằng “có vấn đề gì đó” trong sự phối hợp giữa lực lượng PCCC với quận, huyện. Đại biểu Nguyễn Hoài Nam nêu ví dụ: “Vụ hỏa hoạn tại số 9 Trần Nhân Tông cho thấy ở đây đã có các hộ kinh doanh từ lâu, nhưng khi xảy ra cháy thì mới phát hiện chưa đảm bảo các điều kiện an toàn PCCC”.
Trả lời chất vấn trên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Hồng Khanh không nói cụ thể về vụ cháy tại Zone 9 mà trình bày những khó khăn trong PCCC “do lịch sử để lại” và việc thành phố quan tâm đầu tư trang thiết bị cho công tác PCCC. Ông Khanh cho biết, thành phố đang tiến hành đấu thầu mua sắm các trang thiết bị cho công tác PCCC với khoản kinh phí khoảng 1.000 tỷ đồng.
Zone 9 là gì? Zone 9 tại khu đất số 5 Trần Thánh Tông do Công ty CP Dược phẩm Trung ương 2 quản lý và sử dụng. Khi di dời đi nơi khác, Công ty này cùng các đối tác đã lập nên Công ty CP Đầu tư phát triển Bình An, lập và triển khai dự án tổ hợp văn phòng làm việc, trung tâm thương mại. Sau đó Công ty Bình An đã ký hợp đồng với Công ty Tiến Bộ sử dụng có thời hạn từ 1/8/2013 đến 28/2/2014. Công ty Tiến Bộ lại tiếp tục ký kết hợp đồng với Công ty TNHH Tư vấn bất động sản Thành Đạt để quản lý và khai thác khu đất. Chưa dừng lại, Công ty Thành Đạt còn tiếp tục ký hợp đồng với nhiều hộ kinh doanh khác. Các hộ kinh doanh đã tiến hành cải tạo, sửa chữa và trong khi đang sửa chữa bar Fuse thì gây ra vụ hỏa hoạn làm 6 người chết ngày 19/11 vừa qua. |
Với nội dung chất vấn về quản lý đất đai, đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh (Phó ban Kinh tế ngân sách HĐND thành phố) cho rằng, trên thực tế có nhiều dự án “treo” do chủ đầu tư năng lực kém. Để giữ đất, chủ đầu tư quây hàng rào hoặc cho thuê, có cả những dự án bỏ hoang để người dân vào chăn thả bò.
Chất vấn về dự án “treo”, đại biểu Nguyễn Hoài Nam đã đề nghị UBND thành phố công khai “danh sách đen” các chủ đầu tư không đủ năng lực. Vẫn lấy khu đất số 9 Trần Thánh Tông làm ví dụ, đại biểu Nguyễn Hoài Nam cho hay, sau vụ cháy mới “vỡ” ra, khu đất được các doanh nghiệp cho thuê đi thuê lại nên khi xảy ra sự cố gây hậu quả nghiêm trọng, trách nhiệm cứ “lòng vòng”.
Trước đề nghị cung cấp “danh sách đen” của đại biểu, ông Vũ Hồng Khanh cho biết, danh sách các đơn vị vi phạm tới mức phải xử lý, thu hồi dự án đã có và sẽ chuyển đến các đại biểu theo yêu cầu.
Đại biểu hội đồng đã “thị sát” Zone 9
Trao đổi với báo chí bên lề phiên chất vấn, Trưởng ban Pháp chế Nguyễn Hoài Nam cho biết ông “đã tới xem Zone 9”. Theo ông Nam, Zone 9 còn sạch sẽ, còn tốt hơn rất nhiều quán bar khác, nhưng điều kiện đảm bảo an toàn, an ninh PCCC, chất lượng của các công trình không đảm bảo”.
Ông Nam cho rằng, giả sử nếu Zone 9 có một chủ đầu tư đủ năng lực và thành phố tạo điều kiện cho họ làm thật bài bản thì sẽ là chốn sinh hoạt văn hóa lành mạnh, rất đáng khuyến khích. Tuy nhiên chúng ta đã không làm được việc đó. Còn các hộ kinh doanh tại Zone 9 không có lỗi nếu họ làm theo đúng pháp luật.
Dẫn câu trả lời của Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Hồng Khanh về việc “có một số doanh nghiệp không có năng lực, làm ăn theo kiểu chộp giật”, ông Nam cho rằng, đây là thời điểm thành phố cần tổng rà soát lại toàn bộ các dự án để biết được năng lực thực sự của các chủ đầu tư, qua đó sẽ loại bỏ các chủ đầu tư năng lực kém.