“San sẻ sự sống là quý giá nhất”
Tối 29/12 tại BV Việt Đức, Bộ Y tế, Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đã tổ chức chương trình “Khi sự sống được sẻ chia” nhằm mục đích tuyên truyền ý nghĩa cao đẹp của việc hiến tạng.
Tại chương trình, nhân vật gây chú ý nhất là một người đàn ông đã tự nguyện hiến một quả thận cho một người không hề quen biết.
Anh là Phạm Văn Thọ, đến từ xã Đức Thắng, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Chia sẻ về việc hiến tạng của mình, anh nói: “Nếu có điều kiện về sức khỏe, hãy san sẻ sự sống của mình cho người khác. Đó là điều quý giá nhất”.
Anh Phạm Văn Thọ |
Theo chia sẻ của anh Thọ, khi hiến tạng anh hoàn toàn tự nguyện, không báo cho ai biết và cũng không cần biết ai sẽ được nhận tạng của mình. “Tôi muốn cái sự cho đi của mình được rốt ráo, hoàn thiện. Nếu mình cho họ mà còn phân biệt, còn tính toán, còn trông đợi sự hàm ơn hay đáp trả điều gì thì việc cho đó chưa hữu ích”, anh nói.
“Tôi hiểu được rằng “người thọ thí là ân nhân của người bố thí”, tức người nhận là ân nhân của người cho. Nếu mình đủ khả năng làm được một việc tốt thì mình hãy làm đi, nếu cứ sợ thế này thế khác thì chắc chắn không thể làm gì được.
Phần thân thể của mình khi chết đi sẽ thối nát, chẳng để làm gì, hãy tận dụng, phát huy khi có thể”, anh nói.
“Tôi muốn là người đầu tiên hiến 2 tạng trong cơ thể để xem sự sống sẽ thế nào” – anh nói. Khi biết chuyện anh hiến tạng, người thân trong gia đình khá sốc, còn người ngoài thì cho rằng anh “có vấn đề”.
Tuy nhiên, người đàn ông này khẳng định kể từ thời điểm “hoàn lương”, đặc biệt là sau khi cho đi một phần trong cơ thể mình, anh cảm thấy “mình như thanh sắt vụn được cho vào lò rèn giữa thành con dao sắc có ích cho đời”.
Nguồn tạng khan hiếm
Nhu cầu ghép tạng ở VN là rất lớn (Ảnh: website BV Việt Đức) |
Hiện nay, nhu cầu ghép tạng đang rất lớn nhưng nguồn cung tạng thì có thể nói là rất ít. Theo thống kê, chỉ tính riêng bệnh nhân bị mù do bệnh lý giác mạc cần ghép giác mạc đã là khoảng 300 ngàn người, mỗi năm lại có thêm 15 ngàn người phát sinh.