Bác sỹ Khoa Nam cấp tính 1, Bệnh viện Tâm thần Trung ương đang thăm hỏi bệnh nhân. Ảnh: Phượng Hoàng |
Tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương (huyện Thường Tín, Hà Nội), gần như toàn bộ bệnh nhân ở đây đều được đưa đến trong trạng thái không tự nguyện điều trị. Họ hoàn toàn không nhận biết được hành vi của bản thân. Trước những bệnh nhân như thế, các y, bác sỹ, điều dưỡng của bệnh viện bỗng trở thành nhân viên bảo vệ, “bảo mẫu” bất đắc dĩ.
Một người tâm thần, cả họ phát điên…
Chúng tôi đến Bệnh viện Tâm thần Trung ương vào những ngày giáp Tết Nguyên đán nên số bệnh nhân đã giảm đi khá nhiều so với những đợt cao điểm. Thế nhưng ở Khoa Nam cấp tính 1- khoa có nhiều bệnh nhân nặng nhất vẫn có đến 60 người đang được điều trị.
BS Nguyễn Tuấn Đại- Trưởng Khoa Nam cấp tính 1 vừa dẫn chúng tôi xuống khu vực điều trị vừa chia sẻ: “Các bệnh nhân vào đây thường la hét, chống đối, không chịu hợp tác, không chấp nhận điều trị. Chúng tôi luôn trong trạng thái có thể bị bệnh nhân tấn công bất kỳ lúc nào”.
Bệnh viện Tâm thần Trung ương có địa chỉ tại xã Hoà Bình, huyện Thường Tín, TP Hà Nội. Bệnh viện có quy mô 530 giường bệnh với số bệnh nhân thường xuyên từ 500 đến 600. Bệnh viện hiện có 1 PGS, 5 tiến sĩ, 10 BSCKII, 18 thạc sĩ, 35 BSCKI và 28 cán bộ đại học khác. |
Trong số các bệnh nhân có cả một số người mắc bệnh truyền nhiễm. Khi ấy các y, bác sỹ lại kiêm nhiệm thêm những công việc khác. BS Đại còn nhớ, có một trường hợp nhiễm HIV-tâm thần được đưa đến bệnh viện nhưng bệnh viện vẫn phải tiếp nhận dù không chuyên sâu về căn bệnh truyền nhiễm này.
Các bác sỹ- điều dưỡng viên đã phải tìm hiểu về phác đồ điều trị ARV và trực tiếp điều trị kết hợp. Sau này người đó còn phát một số bệnh nhiễm trùng cơ hội, các thầy thuốc ở đây vẫn ngày đêm chăm sóc cho đến khi bệnh nhân qua đời.
Về sự phức tạp tại khu điều trị đặc biệt này, BS Nguyễn Quang Ánh- Phó trưởng Khoa Nam cấp tính 1 nói đùa với chúng tôi: “Nhà ai có một bệnh nhân tâm thần thì có khi cả họ “phát điên”.
Họ đưa người nhà vào điều trị trong trạng thái đã rất mệt mỏi rồi, thế mà ở đây lúc nào cũng có mấy chục bệnh nhân như thế. Không ít gia đình gần như phó mặc người thân cho bệnh viện. Có bệnh nhân ở đây cả năm trời nhưng chẳng có ai đến đón về cho dù bệnh viện đã thông báo tình hình điều trị đã ổn định”.
Canh bệnh nhân hơn… con mọn
Các bác sỹ, nhân viên y tế ở đây rất vất vả với các trường hợp bệnh nhân đánh nhau. BS Ánh nói: “Can hai người bình thường đánh nhau đã khó, đằng này hai người tâm thần đánh nhau thì việc can thiệp khó hơn nhiều! Chúng tôi căng thẳng kinh khủng. Không được rời mắt khỏi bệnh nhân vì họ có thể nổi khùng bất cứ lúc nào”.
BS Ánh kể, mấy năm trước có một bà mẹ đến thăm con rồi xin phép cho con ra sân chơi. Nhưng “mắt trước mắt sau”, anh chàng này đã trốn biệt. Vậy là bà mẹ quay lại “bắt đền” bệnh viện. Các bác sỹ, nhân viên y tế lại bươn bả đi tìm cả ngày đêm mà vẫn không tìm thấy. Bốn ngày sau thì nhận được tin bệnh nhân đang ở Cẩm Phả, Quảng Ninh. Viện lại cử người lập tức xuống Cẩm Phả, nhưng đến nơi thì bệnh nhân đã quay về Hà Nội. Gần 1 tháng sau, bệnh viện mới tìm được bệnh nhân này. Cứ mỗi lần như thế, các bác sỹ, nhân viên y tế lại thót tim, phải chia nhau đi, cho đến khi tìm được mới thôi!
Đó là chuyện của những năm trước đây. Hiện nay, tình trạng bệnh nhân trốn viện đã không còn vì hệ thống cửa ra vào cũng như các phương tiện hỗ trợ đã hiện đại hơn rất nhiều. Bên cạnh đó là sự tăng cường của đội ngũ các nhân viên y tế. Tuy nhiên, họ vẫn là những người rất vất vả nhất vì ngày đêm không được rời mắt khỏi bệnh nhân.
Theo Gia Đình