Thâm nhập "lò" luyện thợ lặn

Thứ sáu, 03/01/2014, 16:45
Theo chân những người thợ lặn tìm kiếm nạn nhân thẩm mỹ viện Cát Tường, chúng tôi tìm đến “lò” đào tạo thợ lặn tại Trường Trung cấp nghề GTVT Thăng Long (Hà Nội), nơi mỗi năm cho ra trường hàng chục thợ lặn chuyên nghiệp, giỏi nghề nhất nước.

Khổ luyện để bớt trả giá

Vừa đến cổng trường nằm ngay dưới chân cầu Thăng Long đã nghe những tiếng thở “phì phò” khiến những ai đến đây không khỏi tò mò. Hóa ra mỗi học viên đang lặn dưới bể đều có một bộ đàm được kết nối lên bờ và qua đó, tiếng thở cũng được phóng to qua bộ loa đặt trên bờ.

 - 1

Đội thợ lặn của trường Trung cấp nghề GTVT Thăng Long chuẩn bị một đợt lặn tìm xác nạn nhân thẩm mỹ viện Cát Tường

Hôm nay, ông Lê Tiến Bổng, Hiệu trưởng nhà trường ra tận bể lặn giám sát việc đào tạo các thợ lặn người Nga đang làm việc tại Công ty dầu khí Vietsovpetro từ Vũng Tàu ra học nghề hàn dưới nước. Nhìn những học viên đang đeo những khối chì hàng chục cân lao ùm xuống nước giữa tiết trời lạnh đến 9 - 10 độ C, ông Bổng bảo: “Lạnh thế thấm gì với những hiểm nguy khi thợ lặn phải xuống độ sâu hàng chục mét với những môi trường nước phức tạp gấp nhiều lần. Vì thế, với nghề thợ lặn, thà vất vả, rét mướt khi luyện tập còn hơn phải trả giá nơi biển sâu, nước độc”.

Nghề lặn thực ra khá phổ biến, nhất là ở các vùng ven biển. Thế nhưng hầu hết những thợ lặn này đều là tự phát và dựa theo những kinh nghiệm dân gian nên không ít người bị mắc bệnh sau những lần lặn sâu. Thậm chí nhiều người sau khi lặn sâu đã chết chìm dưới biển. Có người thì biến thành ngớ ngẩn bởi áp suất nước tác động vào não.

Căn bệnh bí hiểm

Nghề lặn còn có một căn bệnh bí hiểm mà những thợ lặn dân gian thường gọi là bệnh “bọt máu”. Ông Bổng cho biết, đây là căn bệnh mà rất nhiều thợ lặn dân gian mắc phải do không hiểu các yếu tố sinh học của cơ thể. Căn bệnh này thường xảy ra khi lặn ở độ sâu rồi đột ngột trồi lên khỏi mặt nước khiến cho các bọt khí ni tơ trong mạch máu không kịp thoát ra ngoài, bị ứ đọng trong cơ thể. Hậu quả để lại có khi làm cho thợ lặn bị bại liệt hoàn toàn, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng. Căn bệnh này nếu không kịp thời cấp cứu đúng phương pháp thì không có cách nào, thuốc nào cứu chữa nổi.

Là một giáo viên kiêm thợ lặn của trường, anh Nguyễn Văn Mạnh cho biết, nguyên lý và kinh nghiệm xử lý bệnh bọt máu: “Để tránh không bị bệnh này thì phải nổi lên từng chặng từ độ sâu 20m, thì sau 30 phút phải giảm áp, trở về độ sâu 3 - 6m dừng lại 3 - 5 phút để bọt khí ni tơ trong cơ thể thoát ra rồi mới trồi lên tiếp. Nếu trồi lên ngay lập tức, bọt khí ni tơ sẽ nằm trong cơ thể, gây liệt...”.

 - 2

Những “người mù” điêu luyện

Thợ lặn còn luôn phải làm việc trong những môi trường nước độc hại và nhiều lúc đặc quánh khiến họ gần như bị “mù” khi ở dưới nước. Chẳng hạn như khi thi công bịt đáy một trụ cầu, ngoài việc có những con sông nước đục thì những bùn đất sét, bê tông để bịt đáy luôn làm cho môi trường nước trở nên đặc quánh. Lúc ấy những thợ lặn chính thức biến thành những “người mù”.

Anh Lê Tiến Khánh, một thợ lặn của trường nhớ mãi lần làm cầu Non Nước (Ninh Bình). Lần ấy, đơn vị thi công bị rơi mất một quả búa để đóng trụ cầu xuống lòng sông sâu tới 70m. Vì mực nước quá sâu nên thợ lặn ở những đơn vị khác không dám xuống nên họ nhờ đến đội thợ lặn Thăng Long. Lúc ấy, không ai dám nghĩ sẽ tìm và vớt được quả búa đó vì độ sâu quá lớn nhưng nếu không có búa thì sẽ phải dừng thi công.

Anh Khánh được phân công trực tiếp lặn xuống vớt búa lên. Khi lặn xuống thì mặt nước không những bị đục mà còn tối om, không nhìn thấy gì. Phải gần 30 phút mò mẫm dưới đáy sông, bằng giác quan của mình, anh Khánh xác định được quả búa và mắc dây để kéo lên trong sự vui sướng của tất cả mọi người.

“Trong những môi trường nước đục, tối thì thợ lặn đều phải dùng đến giác quan thứ sáu. Khi học tại trường, tất cả các học viên đều phải làm quen với điều này, phải bịt mắt lại trong khi hàn, khi lặn dưới nước. Cũng chính vì thế, một thợ lặn để thực hiện những công việc phức tạp dưới nước phải có kinh nghiệm ít nhất từ 5 - 7 năm thì mới cho làm những công việc phức tạp” - anh Khánh tâm sự.

“Trinh sát” đặc biệt

Ông Lê Tiến Bổng nay là Hiệu trưởng nhưng cũng từng là người chỉ huy các đội thợ lặn tham gia thi công các công trình. Ông bảo: “Có thể ví những thợ lặn là những trinh sát vĩ đại dưới nước bởi với rất nhiều công trình, nếu không có họ thì người ta không thể biết dưới lòng sông, đáy biển có những gì, địa chất ra sao để đưa ra các phương án thi công phù hợp...”.

Thợ lặn còn là “con mắt” để phát hiện những sai phạm dưới lòng biển. Trong quá trình xây dựng một cầu cảng tại Quảng Ninh, theo thiết kế, để xử lý nền cần phải đóng 75 cọc xuống đáy biển. Tuy nhiên, do biết đơn vị thuê đóng cọc không thể giám sát việc làm dưới đáy biển, đơn vị thi công đã bớt cọc.

Do nghi ngờ, đơn vị quản lý dự án đã nhờ đội thợ lặn xuống kiểm tra. Đơn vị thi công khi đó lớn tiếng cho rằng đã đóng đủ. Thế nhưng, khi thợ lặn Trường nghề Thăng Long ngụp xuống kiểm tra đã chứng minh chỉ có 28 cọc được đóng. Cuối cùng những người làm sai đã phải cúi đầu thừa nhận.

Lần khảo sát lòng sông Lam để xây dựng cầu Bến Thủy II đối với ông là một kỷ niệm. Lần ấy, các nhà thầu đã chuẩn bị máy móc sẵn sàng thi công. Tuy nhiên, đến sát ngày thì đội thợ lặn mới được điều xuống để khảo sát lòng sông. Thật bất ngờ, họ đã phát hiện ra rất nhiều hang đá dưới lòng sông.

Nếu không phát hiện kịp thời thì khi thi công, xây trụ trên đó sẽ không thể bảo đảm được độ bền vững, nguy hiểm cho công trình. “Khi chúng tôi báo cáo về tình trạng này, tất cả các đơn vị có trách nhiệm của dự án đã sững người và sau đó có phương án xử lý kịp thời” - ông Bổng kể.

Anh Nguyễn Văn Mạnh, giáo viên kiêm thợ lặn của trường cho biết, khi làm cầu bao giờ thợ lặn cũng phải khảo sát đáy xem có vật cản, địa chất đáy, tàu đắm để thanh thải đi rồi mới tiến hành bịt đáy trụ. Sau đó, thợ lặn lại làm kín nước lại, phun bê tông đợi đến khi đông kết làm thành sân khô thì mình mới rút lên để cho đơn vị thi công cầu đổ trụ.

Sau khi công trình hoàn thành thì thợ lặn lại phải xuống thanh thải, cắt toàn bộ những cọc sắt, giàn giáo bên dưới chân đế để tàu bè đi lại được an toàn. Những người thợ lặn bao giờ cũng đến sớm nhất và cũng rút ra cuối cùng”.

Không chỉ làm cầu, khảo sát đáy, những thợ lặn ngày nay còn được trưng dụng vào nhiều công việc phức tạp khác như: Lặn xuống đáy biển để kiểm tra thiết bị phục vụ công tác đăng kiểm tàu thủy, quay phim hoặc chụp ảnh dưới đáy sông hồ, biển để phục vụ du lịch... Thậm chí, những thợ lặn thi thoảng lại được những yêu cầu lặn tìm vớt xác những nạn nhân bị trôi sông như vụ bác sĩ Cát Tường...

Ông Lê Tiến Bổng cho biết: “Với một đất nước có sông ngòi chằng chịt và bờ biển dài cùng với chiến lược phát triển biển, chúng tôi tin nghề thợ lặn sẽ ngày một quan trọng đối với xã hội”.

Theo Giao thông vận tải

Các tin cũ hơn