Ở cuối làng Cổ Bản, phường Đồng Mai, Hà Đông, Hà Nội, phía rìa đồng, có một túp lều xiêu vẹo nằm trơ trọi giữa đồng. Đó chính là nơi ăn ngủ, tránh mưa, tránh nắng của đôi vợ chồng nghèo cùng đàn con 13 đứa.
Từ nỗi nhọc nhằn lo ăn, lo mặc
Vợ chồng anh Ngô Doãn Năm và chị Đặng Thị Hải cưới nhau từ năm 1988. Từ người con cả sinh năm 1990 đến người con út năm nay mới học lớp mẫu giáo, cả thảy anh chị có 13 người con. Đến nỗi, anh chị không nghĩ ra tên nào đặt cho con nữa, phải lấy tên là thằng Tám, thằng Chín, thằng Mười…
Đây cũng là gia đình đông con nhất ở Hà Nội. Đàn con của chị, đứa nào cũng lem luốc, đứa nhỏ thì mặt vẫn còn những vết trầy xước do ngã, nước mắt, nước mũi tèm nhem.
Theo chị Hải, cuộc đời chị cơ cực từ lúc bé, đến tận bây giờ vẫn chưa hết. Từ khi chị làm vợ anh đến nay, vợ chồng chị phải lang thang đây đó suốt, từ thuê nhà ngoài rìa phố đến làm tạm túp lều ở triền đê ven sông, cứ một năm hai mùa nước lên thì gia đình phải dỡ lều, tránh đi chỗ khác. Tài sản của gia đình thì chẳng có gì, ngoài đàn con thơ.
Biết được hoàn cảnh của gia đình chị, chính quyền đã cho nhà chị đấu thấu mảnh ao ở cuối làng để thả cá, chăn nuôi. Vợ chồng chị cũng làm tạm túp lều bằng tre lứa để cả nhà có chỗ che nắng che mưa. Nhưng hơn chục người không đủ chỗ ngủ, vợ chồng chị phải ngủ trên tấm phản ở ngoài, để các con được ngủ trong lều.
Đông con, lại không có ruộng, nhiều hôm, nhà hết gạo, vợ chồng chị phải nấu cháo nhường cho các con ăn. Thức ăn thì chẳng mấy khi có gì, chỉ là tí rau dưa thêm nếm.
Lo cái ăn đã cực, lo cái mặc còn vất vả hơn nên trong ngày, khi đi gom đồng nát, có nhà nào có quần áo cũ bỏ đi, mà còn lành lặn thì chị mang về cho các con mặc, gọi là “cũ người mới ta”.
Chồng chị trong người mang nhiều bệnh: tiểu đường, gút, viêm gan… nên mấy năm nay bị ốm đau luôn, không thể lao động được nữa. Mọi gánh nặng gia đình đổ dồn lên đôi vai chị, và những người con lớn đã bỏ học từ hồi cấp II để phụ giúp bố mẹ trông em, làm đầm cá. Chị kể lại rằng, vì lo nghĩ nhiều việc, trong người lại mang bệnh, nên thần kinh của chồng nhiều lúc bị căng thẳng, năm ngoái, bệnh viện phải cho vào trại thần kinh mấy tháng.
Người con lớn của anh chị là Ngô Doãn Tới, bị tràn dịch mảng phổi từ ngày còn đi học, nên đến giờ, sức khỏe rất yếu, không làm được việc gì, mà vẫn phải uống thuốc hằng ngày.
Biết hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ không thể lo đủ tiền cho anh em đi học, nên những người con lớn của chị, chỉ học hết lớp 6, đều xin nghỉ ở nhà, làm đầm cá và dành tiền cho các em nhỏ hơn đi học.
Đầu năm nay, vì không đủ tiền mua sách bút cho các con nên em Tám, em Đức, em Phúc phải nghỉ một nửa học kỳ. Mới đây, thôn đã làm danh sách hộ nghèo và xếp gia đình chị vào diện hộ nghèo đặc biệt, nên các em đi học đều được miễn giảm học phí.
Bữa cơm trưa giữa đồng của gia đình đông con nhất Thủ đô
Đến ước mơ đời con bớt cực của người mẹ
Bây giờ, những người con lớn của chị đã có thể đỡ đần chị việc tắm rửa, cơm nước, chăm lo cho các em nhỏ, nhưng vẫn chưa ai có được công việc gì.
Hàng ngày chúng vẫn xuống đầm bắt cua, bắt cá cùng mẹ. Rồi tương lai của những người con này sẽ đi về đâu, khi họ không được học hết phổ thông, lại không có một nghề nghiệp trong tay? Mảnh đầm kia cũng không phải của gia đình chị, nếu người ta thu hồi, thì hơn cả gia đình khốn khổ ấy biết sống ở đâu?
Khi tôi hỏi, vì sao hoàn cảnh gia đình khó khăn như vậy mà anh chị không kế hoạch hóa, để giờ cả chị, cả con phải khổ như này, thì chị rơm rớm nước mắt: “Nhà chị hoàn cảnh khó khăn, nay đây mai đó, đêm về là chợp mắt chút, rồi sáng sớm hôm sau lại đi luôn, nên không có thời gian, và cũng không đủ hiểu biết để tránh thai.
Khi biết mình có thai thì hai vợ chồng đều không muốn phá bỏ, vì muốn giữ lại cái đức cho các con được chào đời” – chị Hải nói tiếp “Chị sinh con ra thì vợ chồng chị có trách nhiệm nuôi các cháu, chứ không dựa dẫm ai cả. Chỉ thương các con không được học hành cho bằng người, để sau này có nghề nghiệp, thoát cảnh lang thang như chị”.
Nhìn các con đang đùa vui, chưa phải suy nghĩ đến những việc sau này, chị Hải thở dài: “Cả đời chị vất vả thế nào chị cũng chịu được. Chị chẳng có mong ước chị cho mình. Chỉ mong các con sớm có một mảnh đất để dựng tạm cái nhà che mưa che nắng, để bão gió không phải thấp thỏm lo lắng, và đứa nào cũng có một cái nghề để sống. Chứ sau cả hơn chục đứa con lại khổ cực như đời chị thì tội chúng nó quá!”