Tin ở giao thừa

Thứ sáu, 31/01/2014, 08:19
Trước bàn thờ gia tiên, đã bao giờ ai đó tự hỏi, sao ta cúi đầu khấn nguyện ấm cúng cho gia đình riêng mà quên đi Tổ quốc, đồng bào...

Thì cuối cùng giao thừa cũng đã đến. Lặng lẽ nơi này hay rộn ràng nơi khác. Thừa thãi bánh mứt hay chỉ vừa đủ mong ước cơm có thịt. Nhưng ở đâu chắc cũng cố một nén hương trên bàn thờ tổ tiên. Hương cháy chậm lắm. Lửa lẩn vào từng thớ thân hương, để khói lên cay mắt. Lời khấn khứa rì rầm. Không ai không mong gia đình yên ấm, ăn nên làm ra bằng năm bằng mười năm ngoái.

Lời khấn thành tâm bên làn khói của cây hương chẳng biết có bao nhiêu phần trăm hóa chất độc hại nhập ngoại. Những người làm hương ấy, họ hẳn cũng đốt nhang thờ trên bàn thờ gia tộc mình...

Bởi vì chúng ta đã qua một năm sống chung cùng sự thờ ơ với người khác.

Bởi vì chúng ta đã qua nhiều năm để sự thờ ơ ấy lớn dần lên.

Và từ lâu rồi, những trái quất vỏ xốp vàng trên cây cảnh trưng Tết, chúng ta không còn dám ngắt xuống để ngậm ho nữa. Nó chắc chắn đã bị phun lên một hóa chất mà chẳng ai chắc tên gọi là gì.

Bao nhiêu người trong số chúng ta nhớ được, sự nghi ngờ lan tràn đó đã đến từ bao giờ. Nhưng chúng ta chắc, đã 30 năm kể từ khi Lưu Quang Vũ viết vở kịch  Tôi và chúng ta. Trong vở diễn ấy, cái tôi phải lựa chọn thiệt thòi để cho cái chúng ta vẹn toàn.


Cảnh trong vở diễn  Tôi và chúng ta - Ảnh tư liệu

Chuyện kịch kể về những công nhân đã đấu tranh thế nào để tự tháo mình ra khỏi lối tư duy cũ. Nhiều tình tiết đã trở nên quá lạc hậu, chẳng hạn thành kiến với người mẹ đơn thân. Lạc hậu đến mức, liên hoan kịch Lưu Quang Vũ năm qua, mấy chục vở diễn không ai chọn  Tôi và chúng ta  cả. Nhưng lời thoại của vở diễn vẫn còn đó. “Anh đã nói như thế nào nhỉ? Đi từ thế giới của cái tôi sang thế giới của chúng ta”. Nhân vật chính của vở diễn đã nói như thế, khi nằm trên giường lâm chung, ga trắng toát. Chị ra đi với niềm tin người ở lại sẽ làm tốt những điều đáng phải làm. Để xí nghiệp của chị đi lên.

Chiếc giường bệnh viện đã không còn yên ả như trong vở kịch khi quá tải là bệnh kinh niên. Những kỳ thi biết trước đề không còn làm học trò lạ lẫm và day dứt khi trường học đương nhiên phải vậy. Và người ta yên tâm ăn rau sạch trồng riêng, bán rau có thuốc sâu cho người khác. Như quen với nhiều chuyện “nhạy cảm” khác.

Nghĩ đến những điều vô cảm thường nhật như thế vào thời khắc giao thừa, có ai lại mong nó tiếp tục.

Nghĩ đến việc vô cảm đừng tiếp tục, nghĩa là mình cũng phải đổi thay.

Bởi khi thắp hương trên bàn thờ gia tiên, có bao giờ ta tự hỏi, sao ta chỉ xin yên ấm cho gia đình mình mà không nghĩ đến gian lao của Tổ quốc, đồng bào.

Bởi sự thu vén nhiều khi trở thành ích kỷ.

Bởi cái xấu đã thắng ngay từ đầu khi điều tốt không muốn bị rắc rối rồi lựa chọn sự lặng im.

Nhưng giao thừa cũng là tận cùng để mở ra năm mới.

Và khi lòng chúng ta cùng muốn, hãy cùng nói chào một năm mới của Chúng ta. Dù năm mới đó hẳn không thể dễ dàng.

Theo Thanhnien

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn