Đổi mới nền giáo dục là một trong những mục tiêu ưu tiên hàng đầu của Việt Nam và đã được bàn tới rất nhiều trong thời gian gần đây. Viết tiếp bài "Muốn có giảng viên, giáo viên giỏi rất cần cơ chế đặc thù", TS Trịnh Ngọc Thạch – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, “Bất cập nhất hiện nay là chính sách cán bộ, còn xin cho là còn đặc quyền đặc lợi, mà như vậy không cần người giỏi”
Đào tạo tràn lan, kỹ năng yếu kém
Thời gian vừa qua nổi lên vấn đề hàng vạn sinh viên tốt nghiệp ĐH thất nghiệp tràn lan, mà nguyên nhân chính là đào tạo nặng về lý thuyết, yếu kỹ năng. Nhiều người trong số này rơi vào các trường ĐH công lập, thưa ông?
- Nói đúng thì giáo dục nước ta trong giai đoạn vừa qua cũng có nhiều thay đổi, nhưng đào tạo vẫn nặng về lý thuyết mà rất ít kiến thức thực tiễn nên khi sinh viên ra trường, tốt nghiệp loại giỏi xuất sắc thì doanh nghiệp đều phải đào tạo lại, đặc biệt là kỹ năng mềm, kỹ năng sống.
Do vậy, tôi cho rằng đổi mới chương trình giáo dục trong nhà trường hiện nay phải theo hướng dạy học gắn với thực tiễn. Sinh viên phải lăn lộn với cuộc sống, chứ còn cứ đào tạo kiểu gà nòi, cứ học trong sách vở thôi thì không đáp ứng được yêu cầu.
TS Trịnh Ngọc Thạch - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. |
Nói về chuyện sinh viên yếu kỹ năng thì thường rơi vào các trường công lập, thì vướng mấy cái cơ chế kiểm soát của nhà nước, cứ cái nọ dắt dây sang cái kia, cho nên đổi mới chậm, rõ nhất là chậm về mặt cơ chế. Trong khi đó, trường ngoài công lập có sự tự chủ cao hơn nên họ lựa chọn chương trình giáo trình, giáo viên cũng được chủ động hơn. Họ phải làm thế nào để đạt hiệu quả tốt nhất, vì họ tự bỏ tiền ra tổ chức chứ không phải tiền ngân sách.
Vừa rồi để ý các thành tích nghiên cứu của các trường ngoài công lập còn cao hơn của các trường công lập. Thí dụ Trường Đại học FPT phóng vệ tinh nhưng các trường công nghệ của nhà nước ngay như ĐH Bách khoa Hà Nội bao năm nay cũng còn vất vả.
Hay đi thi robocon thì các trường ngoài công lập thắng, còn ĐH Bách Khoa hay ĐH Công nghệ đứng ngoài, vào trong cùng chỉ thấy mấy trường tư thục, vì chương trình đào tạo của họ gắn với thực tiễn nhiều hơn, không bị khống chế bởi một lực lượng nào. Hay như ĐH Nguyễn Trãi còn ra quy định cho phép sinh viên kiến nghị với Ban Giám hiệu đổi giảng viên nếu sinh viên thấy bất kỳ thầy cô nào giảng không hiệu quả, mà điều này thì ít trường công lập áp dụng.
Thưa ông, có phải cơ chế xin cho đã góp phần đẩy nền giáo dục vào tình cảnh khó khăn như hiện nay?
- Bất cập hiện nay nhất là chính sách cán bộ, còn xin cho là còn đặc quyền đặc lợi, mà như vậy không cần người giỏi. Tuyển công chức, viên chức thì xin cho, chạy chọt vào được nên người ta không cần giỏi.
Tôi tin rằng, con số 1% công chức không làm được việc mà các địa phương báo cáo lên Bộ Nội vụ vừa rồi là không đúng. Từ cơ chế xin cho mà ra, người ta chỉ cần xin vào nhà nước là xong, cứ 3 năm lên lương một lần nếu không bị kỷ luật. Học hành thì cứ đều đều, cơ quan cho tiền đi học rồi về ngồi ở vị trí ấy, nhiều người cũng bằng cấp này nọ đầy đủ nhưng trình độ và năng lực thì yếu.
Theo tôi, phải có sự thay đổi rất cụ thể, thí dụ mỗi đơn vị có quyền tuyển dụng, nhưng giao nhiệm vụ và kinh phí cụ thể, vậy thì đơn vị sẽ tự động chọn người có năng lực tốt. Như vậy, tự nhiên người học phải tự định hình lại, phải ý thức về tính tự giác trong học tập, và chính sự nỗ lực của bản thân mỗi người cũng góp phần đưa nền giáo dục tiến lên nhanh hơn.
“Nhiều người chỉ lấy bằng tiến sĩ để giới thiệu cho oai”
Chúng ta đã nói rất nhiều về một xã hội học tập, cũng nói nhiều về chuyện phân luồng học sinh từ PTTH, nhưng vì sao không thành công, thưa ông?
- Ở bậc PTTH có đề án phân luồng học sinh từ 10 năm nay rồi, tức là học xong THCS không nhất thiết phải vào THPT mà có thể chuyển sang cở sở dạy nghề, mục đích là giảm tải cho các cấp học cao hơn, đồng thời cũng đỡ lãng phí nguồn nhân lực nghề nghiệp. Tuy nhiên, 10 năm nay không làm thành công vì dân ta sính bằng cấp, xã hội ta vẫn là xã hội khoa bảng.
Đa số các ông bố, bà mẹ cho con đi học từ vỡ lòng trở lên đều muốn con phải vào Đại học, phải là Thạc sĩ, Tiến sĩ. Có khi bán hết cơ ngơi đi cho con đi học Đại học, Thạc sĩ, Tiến sĩ, để lấy cái danh đã, dù chẳng biết sau đó thì thế nào. Không ai muốn con học hết phổ thông rồi chuyển sang học nghề.
Cơ chế xin cho nảy sinh chuyện sính bằng cấp. |
Bên cạnh đó cũng phải nói là đào tạo nghề không được nhà nước quan tâm đúng mức, các cơ sở dạy nghề èo ọt, không có ai đến học, nhiều nơi học xong nghề cũng không làm được việc.
Do đó, phải phân ra 3 hệ thống, mà cái này các nước làm từ lâu rồi: Luồng thứ nhất là giáo dục tinh hoa, đào tạo những lớp người trình độ cao, giỏi, trở thành những nhà khoa học, hoặc làm việc ở các cơ quan nhà nước, cái hệ này trong 100 em chỉ chọn được vài ba em thôi.
Luồng thứ 2 là giáo dục đại chúng cho tất cả mọi người để nâng cao dân trí, nhằm bắt nhịp được với văn hóa hiện đại, khoa học công nghệ, kinh tế xã hội của những nước đang phát triển, đáp ứng được nguồn nhân lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở trình độ vừa phải.
Luồng thứ 3 là đào tạo nghề. Đào tạo chuyên về nghề nghiệp thì chỉ cần đến Cao đẳng là đủ, không cần phải đến Đại học, Thạc sĩ, Tiến sĩ.
Mình cũng có đề án quy hoạch nguồn nhân lực, Thủ tướng phê duyệt rồi, nhưng cái đấy khó gắn với thực tiển vì ta vẫn đang làm kiểu “thiếu đâu vá đấy”. Quy hoạch, kế hoạch thì cứ đề ra, còn thực tế lại là một chuyện. Tôi thấy tính khả thi của đề án không cao mặc dù làm được điều đó rất tốt.
Thí dụ, cơ sở giáo dục Đại học quy hoạch như thế nào, chỗ nào là các trường đa ngành đa lĩnh vực, chỗ nào là trường nghề, chỗ nào là trường kỹ thuật? Hiện nay, chúng ta đều thấy là tỉnh nào cũng mở trường Đại học, mà đều đào tạo đa ngành, chứ chẳng có trường nào là chuyên ngành. Như vậy có nghĩa là anh nào cũng đào tạo cả tinh hoa, đại chúng và nghề. Vậy là rối bung lên và không hiệu quả.
Gần đây, người ta nói rất nhiều tới chuyện chạy theo bằng cấp để được vào làm việc ở các cơ quan nhà nước, thậm chí so bằng để được bổ nhiệm chức vụ. Ông đánh giá thế nào trước thực trạng này?
- Bằng cấp và trình độ là hai vấn đề khách nhau, anh có trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ khác với anh có bằng thạc sĩ và bằng tiến sĩ.
Lâu nay, ta cứ đồng nhất trình độ và bằng cấp, cho nên tuyển dụng cứ để tiêu chuẩn 1,2,3… trong đó có tiêu chí thạc sĩ, tiến sĩ. Tiêu chuẩn ấy không căn cứ vào một con người cụ thể mà chỉ duyệt hồ sơ, do đó rất nhiều công chức, viên chức lọt vào trong danh sách thi đỗ, trong khi trình độ rất yếu.
Bây giờ, người ta lao vào đi học để lấy bằng, thứ hai là vào vị trí tuyển dụng vì thạc sĩ, tiến sĩ khi tuyển dụng được ưu tiên điểm, khi xếp lương thì thạc sĩ được 2 bậc, tiến sĩ được 3 bậc, thế là người ta đã thấy khác hẳn nhau về từng tầng, từng lớp rồi. Trong đơn vị bổ nhiệm ông trưởng phòng mà cả phòng cử nhân thì có một ông thạc sĩ thì dứt khoát là ông đó được ưu tiên hơn.
Cái cơ chế đó khiến người ta chạy theo bằng cấp, sính bằng cấp và xã hội phải tin dùng người không có bằng cấp, nhưng trình độ cao, trình độ giỏi, và cái này phải qua một khâu sát hạch. Tức là hội đồng tuyển dụng phải là những người thực sự không lệ thuộc vào hồ sơ.
Trong câu chuyện bằng cấp thì có một điểm rất khác biệt là tiến sĩ rởm không thể tồn tại trong trường đại học, vì thầy lên lớp là lộ ra ngay, nhưng có tồn tại ở cơ quan nhà nước. Cái đó nguy hiểm, vì nó có liên quan tới chế độ chính sách của nhà nước.
Trân trọng cảm ơn ông!
Theo GDVN