Nhắc đến ông Hứa Văn Dự, người dân Bắc Quang (Hà Giang) ai cũng biết. Có lẽ ông đã quá nổi tiếng vì niềm đam mê săn lùng kho báu.
Có người còn ngao ngán: “Ông ta đã đánh đổi một nửa cuộc đời của mình để đi tìm vàng, rốt cuộc vẫn trở về con số không. Bao nhiêu tiền ông kiếm được nhờ vàng, rồi cũng vì vàng mà phá sản, hai bàn tay trắng, sức cùng lực kiệt”.
Bình thường, người đàn ông 60 tuổi, tóc bạc trắng, người quắt queo này khá hiền lành, kín tiếng, ít tiếp xúc với người lạ. Tuy nhiên, nếu như có ai đến tìm hiểu những câu chuyện về báu vật của Giàng Phụng, ánh mắt ông lại trở nên sáng rực, sôi nổi thảo luận, phân tích và đánh giá.
Trước sau không thay đổi, ông Dự luôn cho rằng kho báu núi Bạc là có thật, chỉ là chưa có duyên bắt gặp.
Theo ông Dự, đây là những thông tin chỉ dẫn về kho báu núi Bạc.
Tận mắt chứng kiến những cuộc săn lùng báu vật ngay trên địa bàn thôn Vĩnh Chà, cộng với những câu chuyện truyền miệng cha ông để lại, ước mơ đổi đời từ của cải tiền nhân lại bùng cháy trong con người ông Dự. Ông tự tin rằng vào một thời điểm thích hợp nhất, ông sẽ tìm thấy kho báu.
Năm 1971, ông Dự đi bộ đội. Năm 1984, ông ra quân khi vừa tròn 30 tuổi. Trở về quê hương, ông Dự lên rừng chặt cây, bán gỗ. Một thời gian sau có được ít vốn, ông ra sông Lô đãi vàng.
Ngày đó, vàng cám ở sông còn khá nhiều. Có ngày ông Dự đãi được vài chỉ. Chiều chiều, ông lại đi khắp các máng khác xin thêm đất đá, cặm cụi, cần mẫn sàng lọc như con ong thợ. Đủ vốn, ông mở riêng bưởng vàng cho mình, thuê nhân công làm việc.
Năm 1990, cảm thấy đã đủ chi phí phục vụ mục đích tìm kiếm kho báu núi Bạc, ông Hứa Văn Dự bỏ công việc đãi vàng cám ở bãi sông, mang 5 cân vàng về quê xây nhà, mua máy móc thiết bị, chuẩn bị cho một cuộc đào bới quy mô lớn.
Trước đó, trong một lần gặp gỡ, ông Dự đã sưu tầm được một số tài liệu trong gia phả của dòng họ Lò, do ông Lò Văn Quán, cháu 4 đời của tướng quân Giàng Phụng cung cấp. Qua đó, ông đã xác định vị trí phần lớn kho báu được chôn ngay giữa cánh đồng ngập nước.
Để chắc ăn hơn, ông Dự ra đúng địa điểm có ghi trên gia phả, dùng xẻng găm xuống, múc lên một cục bùn rồi cho vào túi đi tìm thầy giỏi xem đất.
Ông thầy bói có tiếng ở Yên Bái lúc đó đã nhận xét rằng miếng đất đó rất nóng, có kim loại và cả mồ mả của người Mán, có hình ảnh những quân lính thời xưa mặc áo kẻ sọc, mũ chóp nhọn, cầm giáo mác, được chôn cất.
Nhưng thầy bói cũng phán rằng kho báu được trấn yểm theo kiểu của người Hán bên Trung Quốc, có thần giữ của trông coi, không thể lấy được. Điều kiện cần phải là người có duyên số tốt mới không bị ám hại. Điều kiện đủ là phải biết cách mở kho báu theo chỉ dẫn, mới có thể mang được của cải vàng bạc về nhà.
Một trong những đồ vật với những hoa văn kỳ lạ được tìm thấy trên cánh đồng, chỗ anh em ông Dự tiến hành khai quật kho báu |
Mặc kệ những lời can ngăn của thấy bói, ông Dự cảm thấy đã có đủ những thông tin cần thiết, cũng như tin vào vận số của mình, ông rủ thêm người em trai của mình là Hứa Văn An làm phụ tá, truy tìm kho báu. Tháng 11 năm 1992, cuộc tìm kiếm kho báu núi Bạc bắt đầu.
Sau 3 ngày cật lực đào bới thì gặp mạch ngầm, nước tuôn lênh láng. Ngày trước, đào cũng đến chừng ấy, gặp nước, cha ông đã bỏ cuộc.
Hai anh em mua thêm máy bơm công suất lớn hút nước, mua cả ba lăng xích để vận chuyển bùn, đất đá, thuê tới 40 thanh niên lực lưỡng từ khắp nơi về hùng hục đào bới tiếp trên một diện tích rộng.
Ngoài lợn, bò, gà, vịt có sẵn trong nhà thì ông Dự còn phải gạn cả ao cá đến cả tấn cá thịt để làm thức ăn cho thợ. Đào thêm chừng 1 tuần thì gặp... chướng ngại vật. Đó là những thân cọ xếp ngay ngắn, chồng lên nhau.
Lật hết đám thân cọ ấy lên thì mọi người lại chùn chân bởi lớp vật cản thứ hai, toàn là đá, đá vỉa, xếp dãy chồng chất lên nhau.
Khẳng định đã thấy dấu tích người xưa tác động vào, hai anh em ông Dự cùng đám thợ phấn khởi nghĩ rằng mình đã đúng hướng, họ lại hì hục khuân vác, đào bới.
Số đá anh em ông Dự nổ mìn bóc gỡ năm xưa, giờ người ta dùng để làm đường.
Đến lớn thứ 3 thì chướng ngại vật là những tấm đá xanh vuông vắn, nằm ken lên nhau như mái ngói. Mấy người lực lưỡng được đưa xuống hố bẩy đá, thế nhưng những phiến đá đó vẫn không hề nhúc nhích.
Những phiến đá xanh vuông vắn hiện ra. Kẽ những phiến đá là những lớp đất đỏ mịn bịt kín.
Ông Dự lấy cây thuổng chọc vào những lớp đất giữa kẽ đá, tức thì luồng nước phun ra ào ào. Cứ thế, ông chọc một loạt kẽ đá, chỗ nào cũng thấy nước phụt lên.
Ông Hứa Văn Dự: "Tôi tán gia bại sản vì kho báu núi Bạc"
Mất công, mất sức, nghĩ bỏ thì tiếc, hai anh em quyết định làm liều: Dùng thuốc nổ.
Sau vài tiếng nổ chát chúa thì mái đá nứt toác. Thế nhưng, cứ bóc được lớp đá này thì lại thấy lớp đá khác. Nước trong kẽ đá chảy ra có gỉ của đồng, màu vàng lóng lánh. Nhìn nước đó, ông Dự biết chắc chắn dưới lớp đá ấy sẽ là “phần bí mật” mà cha ông tìm kiếm không thành.
Ròng rã suốt 2 tháng, hai anh em bóc đến lớp đá thứ 7 mà vẫn chưa nhìn thấy miệng hầm chôn kho báu.
Nơi tìm kiếm kho báu giờ là một ao nhỏ rộng vài chục mét vuông.
Một hôm, đang làm việc bình thường, bỗng người em trai Hứa Văn An thấy đầu óc choáng váng rồi ngã vật ra. Mọi người hốt hoảng xốc nách đưa về nhà. Tỉnh lại, ông An thấy toàn thân đau nhức, đầu nặng như đeo cả tạ chì. Các thầy lang cao tay nhất vùng cũng không biết ông bị bệnh gì.
Theo phong tục lâu đời của đồng bào, gia đình ông đành phải cậy nhờ thầy cúng. Và, lạ lùng thay, tìm gặp hai thầy thì thầy nào cũng phán ông An bị người âm bắt vạ. Những lời ghê rợn ấy khiến ông Dự cùng đám cộng sự khiếp sợ không dám tiếp tục công việc của mình nữa.
Theo VTC