"Nghệ sĩ" Dương Tự Trọng và những bài thơ đầy xúc cảm

Thứ năm, 06/02/2014, 15:14
Dương Tự Trọng, một cán bộ công an với biệt tài phá án, nhưng cũng là người mang đầy chất nghệ sĩ, tài hoa.

Ngoài biệt tài đánh án, Dương Tự Trọng còn có một niềm đam mê sâu sắc với nghệ thuật và đặc biệt rất thích làm thơ. Với những người yêu thơ, yêu nhạc, cái tên Dương Tự Trọng chẳng còn xa lạ. Ông được biết đến với hai thi phẩm gây xúc động lòng người. Đó là bài  Hoa của đảo (nhạc sĩ Quỳnh Hợp đã phổ nhạc từ bài  Hoa Trường Sa do Dương Tự Trọng sáng tác) và bài  Hà Nội mùa xuân.

Bài thơ “Hoa Trường Sa” được cựu PGĐ Công an Hải Phòng viết khi ra thăm đảo Trường Sa lần thứ hai vào tháng 4/2011, khi ông vẫn đang giữ chức PGĐ Công an Hải Phòng, khi nhiệt huyết và tình yêu nghề vẫn cháy bỏng trong ông.

Bằng ngôn từ giản dị, gần gũi, với thể thơ tự do, “Hoa Trường Sa” là tâm tình của những người lính đảo xa vừa chân thực vừa lãng mạn, đã mang đến cho người đọc những rung cảm sâu sắc về đất và người vùng Đảo Trường Sa.

Bài thơ "Hoa Trường Sa" của Dương Tự Trọng đã được nhạc sĩ Quỳnh Hợp phổ nhạc thành ca khúc "Hoa của đảo".

Trong đêm Giao lưu thơ - nhạc "Tổ Quốc nhìn từ biển" giới thiệu chùm ca khúc về biển đảo và bộ đội Hải Quân của hai nhạc sĩ Quỳnh Hợp và Nguyễn Hồng Sơn, kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961- 23/10/2011), với giọng ca Dương Quốc Hưng, khán giả yêu nhạc đã có những cung bậc cảm xúc tuyệt vời khi được đắm chìm trong những giai điệu tha thiết của ca khúc “Hoa của đảo”.

Với bài thơ “Hà Nội mùa xuân”, 17 câu thơ chia làm hai khổ đã mang đến cho người nghe những bồi hồi, xúc động về tình cảm lứa đôi được lồng vào trong tình yêu quê hương đất nước. Được biết đến là người con của đất Cảng Hải Phòng, nhưng khi viết lên những vần thơ về mùa xuân Hà Nội hay và chứa chan tình cảm như vậy, chắc chắn rằng Dương Tự Trọng phải dành một tình cảm rất sâu sắc cho mảnh đất này.

Mai xa rồi Hà Nội quên tôi thôi

Những vàng son ánh sáng chói lòa

Những hẹn ước giờ là cơn gió thoảng

Từng bước chân xa dần nhưng dĩ vãng

Một mùa xuân như thế, Hà Nội ơi!

Không chỉ có biệt tài đánh án, Dương Tự Trọng còn rất nghệ sĩ, tài hoa.

Trong đêm nhạc Duy Thái (12/5/2012), các ca sĩ Thanh Dũng, Lâm Phương, Tùng Dương đã làm nức lòng khán giả với một loạt các ca khúc được nhạc sĩ Duy Thái phổ nhạc từ thơ Dương Tự Trọng gây xúc động cho người nghe, từ “Hà Nội mùa xuân” (Thanh Dũng thể hiện), đến “Đường vân tay” qua giọng hát Lâm Phương, để tới “Đường cong” huyền ảo qua giọng hát như lên đồng của Tùng Dương.

Ngoài một số ca khúc đã được phổ thành nhạc, Dương Tự Trọng còn có một bài thơ viết về mẹ đầy cảm xúc. Những vần thơ ca ngợi tình mẫu tử mà ông đã viết ra, giờ đây sao thấy xót xa, cay đắng. Ở cái tuổi 52, nhận án 18 năm tù, tương lai sự nghiệp của ông dường như đã đặt dấu chấm hết. Và cùng với án tử của anh trai Dương Chí Dũng, còn nỗi đau nào hơn thế cho người mẹ già một đời tảo tần nuôi con, hi sinh cho con.

Chỉ có mẹ thôi!

Không bỏ con, dù thế nào đi nữa

Trái tim nồng nàn, vị tha vời vợi.

Đau đáu thương con, nhẫn nhục trọn đời”.

Những bài thơ của Dương Tự Trọng.

Bản án 18 năm tù dành cho bị cáo không chỉ là nỗi đau xót lớn cho gia đình, mà còn để lại trong lòng những người từng tiếp xúc với ông một niềm tiếc nuối, liệu 18 năm sau, có ai còn nhớ đến một cán bộ công an với biệt tài phá án, từng là khắc tinh của biết bao tên giang hồ đất Cảng, nhưng cũng rất tài hoa và đầy chất nghệ sĩ.

Theo Đời sống Pháp luật

Các tin cũ hơn