Không chút manh mối, ông chỉ biết mang theo nỗi mong nhớ khôn nguôi đi khắp nơi dò hỏi. Biết bao lần hy vọng rồi thất vọng, số phận cuối cùng đã mỉm cười, khi chính Nguyễn Ngọc Như, đứa con gái mất tích ngày ấy, lại bất ngờ liên lạc với ông nhờ một kết quả xét nghiệm ADN được thực hiện từ nơi cách Việt Nam nửa vòng trái đất.
Ông Triết vui sướng khi nhận được thư của con gái từ Mỹ gửi về (ảnh M.P). |
Cuộc chia ly không hẹn ngày tái ngộ
Kể về câu chuyện gia đình với biết bao thăng trầm, ông Triết (ngụ Q.4, TP.HCM) cho biết, chuyện xảy ra vào năm 1973. Thời gian này, ông Triết đang theo học tại một trường danh tiếng Sài Gòn thì bất ngờ gặp một cô gái nông thôn lên thành phố làm thuê kiếm sống. Định mệnh như run rủi.
Sau lần gặp gỡ tình cờ, chàng trai 23 tuổi đem lòng yêu thương cô gái quê chân chất thật thà. Về phía mình, cô gái cũng đáp lại tình cảm của chàng trai bằng một tình yêu chân thành. Hai người đến với nhau bằng cả tấm lòng. Vượt qua bao nhiêu sóng gió của nghịch cảnh "môn đăng hộ đối", tình yêu của họ chín muồi cũng là lúc người con gái Trà Vinh đã mang trong mình giọt máu của chàng trai Sài Gòn (sau này bà đặt tên cho bé gái ấy là Nguyễn Ngọc Như - PV).
Mặc dù luôn đau đáu mong đến ngày được nhìn thấy mặt đứa con đầu lòng ra đời nhưng thời đó chiến tranh tàn khốc, chịu áp lực tổng động viên của chính quyền Sài Gòn, ông Triết phải bỏ dở dang chuyện học hành, lánh đi làm ăn chốn xa chứ nhất quyết không vào lính.
Đến 30/4/1975, đất nước hòa bình, ông trở về nhà, thấp thỏm hy vọng sẽ gặp lại vợ với đứa con yêu dấu. Nhưng thật trớ trêu, nơi chốn cũ hiện lên với cảnh tượng hoang tàn đổ nát, vợ con chẳng còn một ai không rõ đã đi đâu.
Gặng hỏi hàng xóm, ông lượm lặt được thông tin, khi sinh con, người con gái miền Tây ngày ấy do phải sống trong cảnh khốn cùng, thiếu thốn tiền bạc, cuộc sống khổ cực nên đã ẵm con cùng với mấy tờ giấy khai sinh đến Hội Dục Anh, rồi ký tên cho hẳn con vào đó. Kể đến đây, đôi mắt ông cụ 64 tuổi đỏ hoe: "Nghe người ta kể mà tim tôi như bị dao cứa đau nhói".
Dò hỏi từng láng giềng, ông biết được một số chi tiết là đứa con gái đầu lòng có khuôn mặt rất giống mẹ, được sinh tại bệnh viện Từ Dũ, có giấy tờ khai sinh hẳn hoi. Khi ẵm đứa con cho Hội Dục Anh, bà gửi toàn bộ giấy tờ khai sinh cho họ. Mang trong mình tình cảm thiêng liêng của người cha khao khát được gặp lại "giọt máu" của mình, ông Triết lặn lội tới trụ sở Hội Dục Anh để xin đưa con mình về nhà.
Nhưng tại đây, phía trung tâm khẳng định, họ đã chuyển các em bé về nuôi tại Cô Nhi Viện Nhà thờ Hàng Xanh. Không đầu hàng, ông Triết tiếp tục lần mò tìm đến địa chỉ ấy. Khi tới nơi, cảnh tượng trước mặt ông là một đống đổ nát, hoang tàn của Viện mồ côi vắng ngắt bóng người, những giấy tờ vung vãi đầy nền nhà.
Tình cờ hỏi thăm một nhân viên nữ đi ngược trở ra, người này bảo ông: "Đúng, có tên cháu Nguyễn Ngọc Như ở đây. Nhưng thời gian qua cháu bị bệnh đường ruột quá nặng nên đã chết rồi". Nuốt từng lời như "sét đánh ngang tai", ông đứng lặng người một lúc lâu mới lững thững bước ra về.
Trở về nhà, ông như người mất hồn, cứ nhìn xa xăm mong ngóng người vợ và đứa con thân yêu chưa một lần gặp mặt. Sau đó dò hỏi khắp nơi, ông mới biết, thời đó có chiến dịch di tản trẻ con qua Mỹ (Babylift) làm con nuôi nên các tổ chức kia mới tung tin là những đứa trẻ, trong đó có cả Ngọc Như đã chết để cha mẹ chúng khỏi đòi lại con.
Sau nhiều năm tháng ròng rã đi tìm kiếm vô vọng, ông Triết lập gia đình mới. Nhưng suốt gần 40 năm qua, ông chưa bao giờ nguôi nỗi nhớ về đứa con đầu lòng Nguyễn Ngọc Như. Gặp ai, ông cũng than thở chuyện này và bảo: "Linh cảm của người cha mách bảo cháu vẫn còn sống. Ước gì điều đó thành sự thật thì hạnh phúc và sung sướng biết mấy".
Tìm con qua nửa vòng trái đất
Hy vọng không ngừng tắt, ông cố mường tượng hình dáng Ngọc Như qua lời kể "giống mẹ như đúc" và lặng lẽ ngồi phác thảo chân dung. Khổ nỗi, ông không có tài hội họa nên bản vẽ nguệch ngoạc, chỉ hao hao giống người thật ở từng chi tiết: Khuôn mặt tròn đầy, tóc dài và buộc đuôi gà...
Ông mang tấm chân dung vẽ bằng bút chì ấy đi khắp nơi dò hỏi với hy vọng có ai từng gặp đứa trẻ nào giống người trong tranh thì chỉ giúp nhưng vô vọng. Dù thế, suốt chừng ấy năm, người cha tội nghiệp vẫn không ngừng tìm kiếm.
Một số hình ảnh hiện tại của Nguyễn Ngọc Như, con gái thất lạc của ông Triết (ảnh M.P). |
Cho đến ngày 02/4/2005, sau bao năm chờ đợi tin tức, ông Triết được biết có một chuyến bay từ Mỹ đến Việt Nam mang theo gần 20 đứa trẻ trong chiến dịch Babylift ngày trước.
Linh cảm mách bảo khiến người cha vội vã lặn lội ra sân bay Tân Sơn Nhất tìm. Nghe tin tụi nhỏ đang đi thăm Viện mồ côi, lập tức ông bám gót chúng để tìm xem có khuôn mặt nào là con của mình không, nhưng chẳng thấy khiến ông quá thất vọng. 6 năm sau (2011), có khoảng mấy chục người rầm rộ đến Sài Gòn lấy mẫu thử trong một chương trình thử ADN để tìm người thân.
Việc làm nhân đạo này do bà Trisita Goldberg, Giám đốc tổ chức Operation Reunite phối hợp với Công ty Bionet Việt Nam tổ chức. Nhân dịp đó, ông Triết lại lặn lội đến xin được lấy mẫu ADN thì tổ chức kia đã về Mỹ rồi. Buồn đến phát khóc, ông đánh liều nhờ ban tổ chức gửi dùm văn bản nội dung tìm con của ông sang Mỹ, đến các tổ chức làm về xét nghiệm ADN để mong họ về Việt Nam lấy mẫu thử một lần nữa.
Đến tháng 12/2012, tức tròn một năm rưỡi sau, tổ chức này mới cử cô Leigh Ann Chow về Việt Nam lấy mẫu thử ADN của ông Triết. Niềm vui dâng trào trong lòng người cha một lần nữa.
Rồi hạnh phúc vỡ òa khi 6 tháng sau, vào ngày 17/5/2013, người cha nhận được bức thư của con gái Nguyễn Ngọc Như (tên nước ngoài là Tricia Houston - PV) từ nửa vòng trái đất gửi về nói rằng cô chính là đứa con thất lạc mà ông bấy lâu đi tìm kiếm.
Những thông tin về ngày tháng năm sinh, nơi sinh, nơi nuôi dưỡng hoàn toàn giống với câu chuyện ông Triết kể. Và quan trọng nhất, hai mẫu ADN của cha con ông hoàn toàn trùng khớp. Đọc thư của cô con gái tưởng chừng như đã chết, người cha không kìm nén được xúc động, ông khóc òa như một đứa trẻ.
Qua thư con gái, ông vui mừng khi hay tin, giờ Ngọc Như đã 39 tuổi, đang là giáo viên dạy cấp 1 ở Mỹ. Điều may mắn là từ lúc thất lạc tới giờ, cô đã được nuôi dưỡng và sống trong đầy đủ tình thương. Cha mẹ nuôi của cô là nhà giáo sống tại California. Như cũng còn có một người anh trai nuôi nữa.
Như bảo, nhìn vẻ ngoài và khuôn mặt mình hao hao giống Tây nhưng trong một lần tình cờ làm xét nghiệm ADN, bản thân mới biết sắc tộc là người Việt Nam.
Chưa bao giờ Như cố gắng để tìm cha mẹ ruột của mình bởi cô biết đó là chuyện rất khó khăn. Thế nên, khi biết được thông tin về người cha ruột đang lặn lội đi tìm mình, cô rất mừng rỡ, kinh ngạc và hạnh phúc. Theo dự tính, vào kỳ nghỉ hè năm tới hoặc năm 2015, sau khi sắp xếp công việc ổn định, cô sẽ về Việt Nam đoàn tụ với cha mẹ và các anh chị em.
Trong niềm vui tìm được con gái sau bao năm lưu lạc, ông Triết cho biết sẽ về quê vợ cũ ở Trà Vinh, quyết tâm tìm lại và báo tin mừng cho bà biết.
Giờ nghĩ lại, ông thấy việc mình tìm được con, dù không có bất kỳ thông tin gì là một "câu chuyện tuyệt vời nhưng lạ kỳ đến hoang đường". "Chỉ với một tờ tường trình báo nội dung con gái tôi bị thất lạc, không hề kèm theo một chứng minh gì khác, thế mà bằng phương pháp thử ADN đã, đưa đến thành công như ý. Tôi rất mang ơn cơ quan Operation Reunite - Giám đốc là bà Trista Goldberg, đã giúp tôi toại nguyện", ông Triết nói.
Vợ mới ủng hộ chồng tìm con của "người xưa"
Người vợ hiện tại của ông Triết là bà Ngọc Bích cho biết, bà luôn ủng hộ và động viên chồng trong việc tìm lại người con gái thất lạc. "Trước khi lấy nhau, ông ấy cũng kể cho tôi nghe chuyện đó nên tôi rất thông cảm. Thấy chồng của mình là một người cha có trách nhiệm như thế nên tôi luôn ủng hộ, động viên và giúp đỡ ông ấy. Khi biết được thông tin của người con gái gần 40 năm trời xa cách, nhìn chồng hạnh phúc mà tôi cũng vui lây. Mong cho ngày Ngọc Như về Việt Nam đến sớm để cha con, anh em được đoàn tụ". |
Theo Giadinh