Theo tờ Bangkok Post, ngày 5/2, Tòa án Hình sự Thái Lan đã thông qua đề nghị của cảnh sát bắt giữ 19 thủ lĩnh biểu tình chống chính phủ, với tội danh không tuân thủ lệnh tình trạng khẩn cấp. Khi bắt giữ mỗi thành viên trong số 19 người được phê chuẩn, cảnh sát phải báo cáo lên tòa án Thái Lan trong vòng 48 giờ.
Đáng chú ý, trong số 19 thủ lĩnh phe biểu tình chống chính phủ nêu trên có cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban.
Cũng trong ngày 5/2, đảng Pheu Thai cầm quyền đã đề nghị Ủy ban bầu cử Thái Lan ra lệnh giải tán Đảng Dân chủ và cấm các thành viên của Ban lãnh đạo đảng này hoạt động chính trị trong vòng 5 năm.
Trong khi đó, Đài tiếng nói nước Nga dẫn nguồn ITAR-TASS cho hay, Tòa án Hiến pháp Thái Lan đã từ chối đề nghị của Đảng Dân chủ đối lập đòi giải tán đảng cầm quyền Pheu Thai.
Tòa án Hình sự Thái Lan đã thông qua đề nghị của cảnh sát bắt giữ 19 thủ lĩnh biểu tình chống chính phủ.
Đơn yêu cầu giải thể Pheu Thai đã được đệ trình lên tòa do việc chính phủ đất nước, được hình thành từ các thành viên của đảng cầm quyền “đã tổ chức cuộc bầu cử vào Quốc hội Thái Lan trong những điều kiện khẩn cấp, không bảo đảm tiếp cận bình đẳng cho tất cả các cử tri và quyền tự do lựa chọn”.
Tuy nhiên, tòa án cho rằng những lập luận trên của các nhà dân chủ không đủ để ra một quyết định nghiêm trọng như vậy.
Trước đó, Đảng Dân chủ đối lập có ý định đâm đơn lên tòa yêu cầu bãi bỏ kết quả cuộc bầu cử vào Quốc hội ngày 02 Tháng Hai vừa qua. Bây giờ các luật sư của đảng đang thu thập chứng cứ để đâm đơn lại một lần nữa.
Ngày chủ nhật vừa qua ở Thái Lan đã tiến hành cuộc bầu cử quốc hội. Tuy nhiên, kết quả bỏ phiếu không thể được công bố ngay lập tức. Vì vậy, chưa thể bầu quốc hội và thành lập chính phủ.
Theo pháp luật Thái Lan, để quốc hội bắt đầu làm việc phải bầu không dưới 95% nghị sĩ trong thành phần Hạ viện. Mà điều kiện này không thể thực hiện được, bởi vì phe đối lập đã phá vỡ cuộc bỏ phiếu tại 9 trong tổng số 77 tỉnh và một số trạm bỏ phiếu ở Bangkok.
Chính phủ Yingluck Shinawatra đã dự đoán về điều đó và ấn định ngày bầu cử bổ sung vào 23 tháng 2. Cho đến ngày đó, phe đối lập có ý định tiếp tục các cuộc biểu tình và thu thập bằng chứng về tính chất "bất hợp pháp" của cuộc bầu cử .
Tình trạng bất ổn ở Thái Lan đã bắt đầu vào mùa thu, khi chính phủ đề xuất sáng kiến thông qua đạo luật ân xá, mà theo văn kiện này đối thủ chính của phe đối lập - cựu Thủ tướng và là anh trai của Thủ tướng - ông Thaksin Shinawatra có thể trở về nước.
Nếu diễn biến sự kiện phát triển theo kịch bản này thì có nghĩa là, Đảng Dân chủ và các lực lượng ủng hộ đảng này bị thất bại hoàn toàn.
Theo BizLIVE