Theo lời kể của ông Hứa Văn Dự, cùng người dân địa phương, dấu tích kho báu được chôn ở 2 nơi. Ở trong lòng núi thì toàn là vàng bạc, còn ở bãi giữa cánh đồng thôn Vĩnh Chà (Vĩnh Phúc, Bắc Quang, Hà Giang) chôn đồ quân trang quân dụng như nồi niêu, áo giáp, súng, mâm đồng, bát đũa.... toàn đồ đồng có giá trị cao.
Cả hai nơi đều có thần giữ của, bao gồm 3 đồng trinh nữ và 1 đồng trinh nam được quân lính cho ngậm sâm trong một thời gian dài, trước khi chôn sống cùng với kho báu.
Phải là người cực kỳ may mắn, có duyên, mới được thần giữ của chỉ dẫn, bày cho cách tiếp cận, họ mới có thể mang của cải về được.
Điều đó lý giải tại sao mà từ trước đến giờ đã có rất nhiều cuộc tìm kiếm, khi thì bí mật, khi thì công khai rầm rộ, nhưng rốt cục đều thất bại thảm hại.
Ông Dự nhớ lại vào những năm đầu 70 thế kỷ trước, có một chuyện lạ lùng mà cho đến giờ ông vẫn không lý giải nổi.
Hồi đó, vào đầu xuân, giữa cánh đồng mùa nước cạn nổi lên một phiến đá khá rộng, như một chiếc bàn bầu dục. Cứ vào giữa tháng 3 âm lịch hàng năm lại có một đoàn người rất lạ, không hiểu từ đâu kéo đến đây. Người ta mang theo xôi, gà và đầy đủ đồ cúng tế. Không nói không rằng, họ lấy phiến đá kia làm bàn thờ cúng khấn rồi khóc la ai oán.
Khu vực xảy ra câu chuyện phiến đá nổi mấy chục năm về trước.
Ông cũng như nhiều người dân trong Vĩnh Chà thấy lạ đã nhiều lần đến lân la dò hỏi. Nhưng đáp lại, bộ phận người kia như câm như điếc, không trả lời. Hương khói xong, họ lấy đồ cúng bái ăn uống tại chỗ rồi lại mất hút một cách bí mật như lúc họ đến.
Ông Dự cho rằng, toán người kia đến đây tổ chức thờ cúng vì mang họ Thạch, chiếc bàn thờ đá là nơi “phát tích” của tổ tiên họ. Họ đến đây với ý muốn là tìm được kho báu lớn nhất đang nằm ở nơi đây.
Theo lời kể của một số cụ cao niên trong làng thì vào khoảng 13 – 15 tháng 3 âm lịch hằng năm, lúc vào giữa ngọ, mặt trời sẽ chiếu một tia nắng hết sức đặc biệt vào phiến đá và sẽ “chỉ bảo” cho người ta đường tìm đến với kho báu cực khủng kia. Nhưng năm nào sẽ có tia nắng đặc biệt ấy thì lại không thấy ai nói đến. Vậy nên vì ước muốn có được kho báu trong tay, các tiền nhân đã “bắt” những người lạ mặt kia phải đi theo suốt.
Mấy năm trời ròng rã, toán người lạ mặt không thấy xuất hiện nữa, có vẻ họ đã nản lòng bỏ cuộc.
Đến lượt bố ông Dự, ông Hứa Văn Lình cũng theo lời của mẹ mà bỏ công bỏ sức để tìm kiếm. Ngày đó, ông Lình cứ ngậm tăm hì hục đào bới. Chính quyền hay bất kỳ ai hỏi tới cũng chỉ trả lời là đào ao để thả cá. Tuy nhiên, bởi đó là vũng chằm, nước mênh mông, sức người không tát nổi, cuộc tìm kiếm của ông Lình đã thất bại.
Trước kia, đây là cánh đồng nước ngập mênh mông.
Có một đợt vào những năm 1978, 1979, ông thấy cả tổ thủy lợi của một hợp tác xã phăm phăm vác máy móc vào cánh đồng cạnh chân núi Bạc. Bơm nước suốt cả tuần lễ, ai hỏi thì họ bảo là làm kênh mương tưới tiêu cho đồng ruộng, nhưng bơm mãi mà nước vẫn không cạn.
Đến lúc họ chuyển sang nổ mìn phá đá ở núi Bạc thì dân làng đã râm ran bàn tán là đi tìm của cải, kéo nhau ra xem nườm nượp. Không khai thác được gì, họ lặng lẽ rút đi, bỏ lại những đống đất đá ngổn ngang.
Một góc thôn Vĩnh Chà
Từ những lời đồn, hoặc những thông tin không mấy xác thực, rất nhiều người đã không tiếc công tìm mọi cách chinh phục kho báu núi Bạc. Tiêu tốn tiền, vàng và công sức của người tìm kiếm thì thấy rõ, nhưng kho báu khổng lồ vẫn cứ bí ẩn chưa có lời giải đáp.
Trong khi đó, theo lời đồn, có người vô tình gặp được kho báu, nhưng chưa có “duyên” với thần giữ của được trấn yểm, cho nên không những không lấy được gì, họ còn phải gánh chịu tai họa.
Ông Hứa Văn Dự: "Có vài người đã phát điên khi vô tình bắt gặp kho báu".
Đó là câu chuyện xảy ra với một anh thanh niên họ Sằm, nhà ở đầu thôn Vĩnh Chà. Nhiều người kể lại, cách đây 2 năm, vào buổi trưa đầu tháng 11, anh ta đang ngủ thì bỗng dưng ngồi dậy, im lặng đi ra khỏi nhà. Ai hỏi gì cũng không nói. Lúc đầu, mọi người cứ tưởng là đi chăn trâu.
Tuy nhiên, đến tối mịt vẫn không thấy anh ta trở về, vợ con hốt hoảng báo dân làng tổ chức đi tìm kiếm. Gần nửa đêm mới tìm thấy đang thất thểu dưới chân núi Bạc, thì lúc đó anh thanh niên mắt mũi đã lờ đờ, miệng liên tục lẩm bẩm: “sợ lắm, sợ lộ lắm...”.
Mấy hôm sau có lúc tỉnh táo, anh ta kể lại chuyện. Trưa hôm đó, như có ma đưa đường dẫn lối, anh cứ đi loằng ngoằng đến sát chân núi thì thấy có một cửa hang nhỏ, và một người lạ mặt xuất hiện đưa cho một chiếc chìa khóa bằng đồng.
Anh họ Sằm mở cửa theo chỉ dẫn thì bên trong là một đường hầm dài có bậc đi xuống. Ở đó, có một dãy chum vại và hòm rất to, chứa rất nhiều vàng bạc.
Tiện tay, anh lấy một số của cải dắt đầy túi, và sau đó... đi luẩn quẩn, đầu óc u mê, không nhìn thấy cửa hang ở đâu nữa.
Có tiếng người hỏi: “Thế mày họ nào?”. Anh trả lời: “Tôi họ Sằm”.
Người lạ tiếp lời: “Họ Sằm thì không thể lấy ra được, phải họ Nông. Mày trả hết những gì mày đã lấy về chỗ cũ”.
Anh thanh niên hoảng sợ lấy vàng bạc ra trả lại. Cho đến tận tối mịt, anh mới nhìn thấy cửa hang và trốn thoát ra ngoài.
Từ đó về sau anh ta cứ điên điên, khùng khùng. Mãi đến giữa năm 2013, gia đình mời được một ông thầy cao tay ở Yên Bái về cúng bái suốt cả tuần lễ, bệnh mới thuyên giảm. Thầy bảo nguyên nhân là do anh đã động đến của cải của người âm.
Sau lần cúng bái đó, anh thanh niên họ Sằm không bao giờ dám nhắc đến kho báu núi Bạc nữa. Biết chuyện, người dân Vĩnh Chà ai cũng kinh sợ.
Những câu chuyện có liên quan đến kho báu luôn được ông Dự ghi chép lại cẩn thận.
Trò chuyện với phóng viên, ông Hứa Văn Dự xác nhận trước đó đã có 2 trường hợp tương tự như vậy. Họ đã từng bắt gặp của cải của người xưa, nhưng cũng giống như anh thanh niên họ Sằm, không ai có thể mang được của nả về nhà. Về sau, một người đã mất vì rắn độc cắn, người còn lại thì mắc bệnh tâm thần chữa mãi không khỏi, giờ cứ ngẩn ngơ.
Theo VTC