Tượng lạ?
Nằm ngay gần hồ Hoàn Kiếm, gần Nhà thờ Lớn, nhưng bước vào chùa Bà Đá (còn gọi là Linh Quang tự) những ồn ào, náo nhiệt của phố phường như bay biến, chỉ còn lại cái tĩnh lặng của một ngôi chùa cổ. Trong hương trầm và tiếng tụng kinh niệm Phật, tôi ngỡ ngàng khi biết chùa Bà Đá ngụ ở đây đã một thiên niên kỷ.
Theo những bia bảng, truyền phả và văn tự lưu truyền lại, chùa này khởi đầu gọi là chùa Sùng Khánh, khai dựng từ năm Bính Thân (1056), niên hiệu Long Thụy Thái Bình năm thứ ba, đời vua Lý Thánh Tôn. Sau khi xây dựng chùa xong có đúc một quả chuông đồng rất lớn, sau đó xây Tháp Bảo Thiên cao ngất gần đất chùa (nơi xây tháp này thành chùa Bảo Thiên).
Nhưng số phận của ngôi chùa qua “bãi bể nương dâu” cùng với những biến thiên lịch sử. Trong khoảng thời gian niên hiệu Hồng Đức (1470 - 1498) đời vua Lê Thánh Tông, chùa chỉ còn là một ngôi am tranh. Khi nhân dân khai móng xây tường làm chùa đã đào được một pho tượng bằng đá hình dáng phụ nữ; dân chúng cho là Thánh Giáng, liền đưa lên thiết lập bàn thờ, xây chùa ngói để thờ phụng.
Sau đó, pho tượng này bị mất. Ba thế kỷ sau, đến cuối đời Lê Trịnh (1767 - 1782), khi đào đất xây tường làm lại ngôi chùa, tường xây lên lại đổ, đào sâu xuống nữa thì tìm thấy pho tượng đá. Dân gian cho rằng tượng đá rất linh thiêng.
Toàn cảnh chùa Bà Đá.
Cho nên, khi việc tu tạo ngôi chùa hoàn thành, khách thập phương kéo đến lễ bái ngày càng đông đúc. Từ đó, người ta quen gọi đây là chùa Bà Đá. Năm Bính Ngọ (1786), quân Mãn Thanh tàn phá thành Thăng Long trước khi quân của vua Quang Trung tiến vào, chùa Bà Đá cũng chịu chung số phận.
Đất chùa bỏ hoang một thời gian, bị lấn chiếm chỉ còn lại một khoảnh nhỏ. Khi dân sở tại dọn sạch khu đất còn lại thì tìm thấy pho tượng đá cũ vẫn còn nguyên vẹn dù chìm ngập dưới đống tro tàn. Nhân dân vui mừng, gom góp cất lại ngôi chùa và qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, chùa Bà Đá có dáng vóc như ngày nay.
Nổi tiếng với những pho tượng thiêng, mang đậm bản sắc dân tộc, tại sao bỗng dưng ngôi chùa này lại xuất hiện pho tượng “lạ”? Mà “lạ” như thế nào?
Chú tiểu chỉ cho tôi pho tượng Phật ở ngay cửa vào ngôi chùa. Pho tượng Phật lạ ở chiếc áo xanh, tóc xanh, trông khác biệt với những tượng Phật trong chùa. Cạnh pho tượng này, có dàn bày 49 loại thuốc bắc được dâng lên để thờ cúng. Cạnh đó là chiếc lọ đựng 5 loại đậu 5 màu. Đó là những hình ảnh ít thấy trong các ngôi chùa miền Bắc, liệu có giống với một vài pho tượng dị thường mà tai tiếng gần đây?
Ấy là chuyện một đại gia ở tỉnh Trà Vinh đã bỏ tiền công đức cho một ngôi chùa ở tỉnh nhà tu tạo, tô tượng đúc chuông rất hoành tráng. Thế rồi, dân tình tá hỏa ra khi nhận thấy pho tượng mới trong chùa mà mình cúi lạy giống hình cha con vị đại gia này như tạc.
Mới đây ở Hà Nội cũng ồn ào chuyện sư trụ trì một chùa nọ biến tượng Phật trong chùa giống hệt tượng mình để các Phật tử phải vái lạy. Tượng Phật “lạ” này phải chăng cũng theo “phong cách” ấy? “Phong cách” ấy lại có thể diễn ra ở chùa Bà Đá- trụ sở Giáo hội Phật giáo Hà Nội?
Tượng lạ hóa quen
Đại đức Thích Chiếu Tuệ, Phó Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó thư ký kiêm Trưởng ban Hoằng pháp Thành hội Phật giáo Hà Nội cười hiền, bảo với tôi: “Nhà báo hỏi chuyện về Pho tượng mới ở chùa Bà Đá phải không. Gọi tượng Phật “lạ” là sai vì đây là tượng Phật Dược sư, mà tên đầy đủ là Đức Phật Dược sư lưu ly quang vương.
Đại đức Thích Chiếu Tuệ, Phó Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Theo giáo lý đại thừa của Phật giáo thì Đức Phật Dược sư là một vị Phật chữa bệnh cho chúng sinh, thầy của các loại thầy thuốc, còn gọi là Y vương (vua của các thầy thuốc). Hàng năm, cứ đầu năm, các chùa của Phật giáo thường tổ chức Đàn dược sư, tụng 7 ngày, mỗi một ngày 7 biến kinh.
Theo đó có 7 pho tượng Phật dược sư ở 7 khu. Nhưng mà chùa chật, thầy bày có một khu thôi. Cái này không đưa vào trong chính điện được mà chỉ bày bên ngoài thôi. Mục đích của việc này để cầu nguyện quốc thái dân an, mùa màng bội thu, mọi người tiêu tan bệnh tật. Trong nhà chùa, thầy gọi là tiêu tai diên thọ Dược sư Phật”.
Đại đức Thích Chiếu Tuệ cũng cho hay, pho tượng này do người Việt Nam làm, chứ không phải từ nước ngoài chuyển về, không “lạ” và được bày lễ theo tinh thần của Phật giáo trong kinh Dược sư đã được dịch ra tiếng Việt. Theo kinh này, Đức Phật Dược sư có 12 nguyện để dạy cho chúng sinh, cuối kinh có dạy phương pháp bày đàn để cầu nguyện cho bệnh nhân, cầu nguyện cho mọi người.
Theo Đại đức, người miền Bắc vẫn có thói quen dâng sao giải hạn, nhờ các thầy làm sớ cầu an. Nhưng Phật giáo không có dâng sao giải hạn. Nhưng người dân cứ đến nhờ thầy cúng, chẳng lẽ không cúng?
“Thầy phải theo lời dạy của Đức Phật, căn cứ trong kinh, thiết lập cái đàn này để cầu cho mọi người. Ở đây không có vàng mã, không có hình nhân thế mạng. Làm sao thế được mạng? Một hình người bằng giấy bé tin hin này làm sao thay được một mạng người? Không đúng với chính pháp. Đây là trụ sở của thành hội Phật giáo Hà Nội, thầy với tư cách là trưởng ban Hoằng pháp làm theo tinh thần giáo lý của Đức Phật.
Thiết chí tượng Phật Dược sư không phải mãi mãi ở chùa này, mà chỉ trong 7 ngày. Từ ngày mồng 8, thầy thiết lập đàn tràng đến ngày 14 kết thúc đàn tràng. Cũng không phải thiết chí trong chính điện mà thiết chí ngoài tiền đường. Tiền đường để phục vụ sinh hoạt cho mọi người, còn chính điện để thờ Phật. Nếu pho tượng này đặt trong chính điện là sai”.
Tôi hỏi: “Thưa Đại đức, nhà chùa đặt tượng Phật Dược sư vào đây có phải xin phép không?”.
Đại đức Thích Chiếu Tuệ trả lời: “Việc này không phải xin phép, thầy chỉ báo cáo là thầy tổ chức cầu nguyện. Nếu thầy để pho tượng ở đây thờ vĩnh viễn thì mới phải xin phép. Chỉ bảy ngày bảy đêm rồi lại cất đi”.
“Mọi năm mình có làm thế này không?”; “Mọi năm thì làm chỗ khác, năm nay thầy trực ở đây, chịu trách nhiệm điều hành lễ ở đây thì thầy mới làm. Đây là Phật giáo trên cơ sở hài hòa với tín ngưỡng dân gian, trên đó có dàn bày 49 loại thuốc bắc”. “Thưa Đại đức, tại sao lại thuốc bắc? 49 loại thuốc hàm ý điều gì?” Tại sao lại có 5 loại đậu 5 màu?”
Đại đức Thích Chiếu Tuệ chậm rãi: “49 loại thuốc để cầu cho người tiêu tan bệnh tật, 5 loại đậu 5 màu cầu cho mùa màng bội thu. Việc này không phải chùa nào cũng làm được vì chưa đủ điều kiện. Cái này có nhiều yếu tố, nếu làm không đúng thì không đạt được sự mầu nhiệm.
Cái áo màu xanh của tượng Dược sư chính là cái áo của quan Ngự y nên mọi người thấy lạ, mà đúng là lạ thật. Pho tượng này hoàn toàn nằm trong truyền thống của Phật giáo, đáp ứng nhu cầu tâm linh của bà con Phật tử. Ngày xưa thời phong kiến, các đức vua lập đàn Quảng chiếu cầu quốc thái dân an thì có lập đàn này. Chiều nay, hai giờ nếu nhà báo đến đây thì sân chùa này sẽ chật kín người đến cầu an”.
Tôi nhìn ra khoảng rộng sân chùa Bà Đá, rồi tiếp một câu hỏi: “Thưa Đại đức, người dân đến đây cầu an có phải đóng góp không?”; “À, đóng góp là tùy mỗi người thôi. Có người đem nước, đem trái cây đến cúng rồi xin về. Rồi người ta góp tiền để mua hoa, bày đàn. Bày đàn xong thì người ta xin lộc về, chứ thầy làm gì có tiền, thầy chỉ đứng ra tập hợp thôi”.
Khi tôi ra về, khoảng sân chùa Bà Đá đã bắt đầu có những người dân đến cầu nguyện trước pho tượng Phật Dược sư. Ai đó gọi là pho tượng “lạ”, nhưng qua kiến giải của Đại đức, hóa ra nó đã quá quen trong nếp cầu an của con dân Việt.
Theo Tienphong