Không biết dựa trên cơ sở khoa học nào mà mấy năm gần đây, người dạy học chúng tôi phải tuân thủ nhiều quy định khó hiểu từ trên giao xuống. Thứ nhất là duy trì sĩ số học sinh. Chỉ tiêu được phổ biến cho toàn thể giáo viên là không thể để học sinh nghỉ học vượt 1% trên tổng số học sinh của trường. Nếu lớp có học sinh nghỉ học là coi như kết quả thi đua của giáo viên chủ nhiệm lớp năm đó có nguy cơ về số 0.
Chính vì vậy, người thầy bị áp lực rất lớn khi các em thôi học. Một số phụ huynh biết được quy định về bảo đảm sĩ số lớp đã lấy việc cho con em thôi học để uy hiếp, yêu sách thầy cô, nhà trường. Khi học sinh có vi phạm, được nhà trường thông báo mời vào để bàn cách giáo dục các em thì phụ huynh chỉ cần lạnh lùng trả lời: Tui cho nó nghỉ học luôn. Thế là nhà trường và thầy cô phải trở thành người năn nỉ phụ huynh cho con tiếp tục học. Tất nhiên, các lỗi vi phạm kia sẽ nhẹ đi và dần dần biến mất.
Kế đến là chỉ tiêu tất cả học sinh đều lên lớp 100%. Điều đó có nghĩa là đã đến trường, không hề có học sinh nào học lực bị xếp loại yếu. Trên mười môn học có kết quả bằng điểm số và các môn chỉ xếp loại bằng đánh giá đạt hay chưa đạt là thể dục, nhạc, mỹ thuật, nhà trường chỉ chấp nhận mức độ từ trung bình trở lên. Vì vậy, người dạy phải tìm mọi cách để “cứu” các em chưa đạt. Từ tổ chức phụ đạo, cho kiểm tra lại nhiều lần với mức độ thấp hơn đến làm lơ cho các em chép bài lẫn nhau chỉ để đừng vướng quy định.
Giáo viên nào có học sinh không đạt yêu cầu sẽ bị nhắc nhở, tổ bộ môn phê bình. Nếu kiểm tra lại mà không đạt dẫn đến phải kiểm tra lại vào cuối năm, gọi là thi lại, giáo viên đó không thể đạt tiên tiến. Và càng không thể có việc học sinh ở lại lớp vì học yếu nên thầy cô bằng mọi giá phải tạo khoảng cách an toàn thông qua việc cho điểm số hằng tháng ở mức cao để bù đắp khi điểm thi của các em kém.
Trung tâm giáo dục học sinh cá biệt Tôi muốn chia sẻ cách một nước phát triển, cụ thể là Canada, đào tạo con người như thế nào thông qua lời kể của bạn tôi, một giáo viên cấp II người Canada. Ở đâu cũng có những học sinh cá biệt và phụ huynh cá biệt... Họ không thể kiểm soát nổi con em mình. Khi đó phải làm gì? Thứ nhất, họ không có chuyện đánh giá thành tích cho các trường kiểu bao nhiêu em đạt loại giỏi, khá các loại, nên giáo viên không hề bị áp lực kiểu phải cho những em cá biệt này lên lớp. Thứ hai, họ có trung tâm giáo dục cho những em cá biệt. Một khi nhà trường không thể đào tạo và phụ huynh bất lực thì xem như phụ huynh mất quyền nuôi con. Chính trung tâm giáo dục sẽ đảm trách đào tạo các em. Một điều quan trọng hàng đầu trong đào tạo con người là phải từ thuở lọt lòng, từ gia đình và gia đình luôn luôn giữ trách nhiệm chính. Trẻ em phương Tây rất tự lập. Vì sao? Vì chúng được rèn từ nhỏ. Cứ đến giờ buổi tối, các em bé được đặt vào giường, ba mẹ tắt đèn. Các em sẽ tự ngủ. Thói quen này hình thành từ 3-4 tháng. Khoảng 16 tháng, các em tự ăn. Không có chuyện ba mẹ năn nỉ kiểu ăn thêm một miếng nữa đi rồi mẹ mua cho cái này cái nọ. Ăn là phải ngồi một chỗ, không được rời khỏi bàn khi chưa ăn xong. Chứ làm gì có chuyện cả nhà từ ba đến mẹ đến bà bưng cái tô đi khắp làng trên xóm dưới. Tôi muốn kể ra đây để thấy rằng ý thức con người, tính kỷ luật phải được rèn giũa từ thuở nhỏ. Có như vậy mới bớt đi được những học sinh cá biệt. |
Theo Tuổi Trẻ