Trao đổi với báo giới, nhà thám hiểm nổi tiếng Barry Clifford - trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết tất cả các dữ liệu đo đạc địa lý dưới nước và các chứng cứ khảo cổ đều cho thấy xác tàu ngoài khơi Haiti chính là tàu Santa Maria.
Ông Clifford nêu rõ hai bằng chứng thuyết phục nhất để đi đến kết luận này - đó là mẫu đá tảng dùng để giữ thăng bằng cho tàu và khẩu thần công tìm thấy được.
Theo nhà thám hiểm 68 tuổi này, tảng đá được xác định là có nguồn gốc từ Tây Ban Nha, trong khi khẩu thần công có từ thế kỷ 15 - trùng với thời gian và địa điểm Columbus bắt đầu hải trình khám phá vùng đất mới.
Nhà thám hiểm Clifford cho biết nhóm khảo sát của ông đã tìm ra xác tàu ngoài khơi Haiti và trục vớt được khẩu thần công từ năm 2003, song các chứng cứ khi đó chưa đủ thuyết phục để xác thực đây chính là tàu Santa Maria.
Bản sao của con tàu Santa Maria. (Nguồn: bbc)
Cách đây hai năm, nhóm thám hiểm tiếp tục đo đạc, chụp ảnh cũng như sử dụng máy dò kim loại và máy quét sóng siêu âm tân tiến để nghiên cứu con tàu. Sau tổng cộng 11 năm, các nhà thám hiểm đã đi đến kết luận trên.
Giới truyền thông nhận định nếu nghiên cứu này được xác thực thì Santa Maria sẽ là con tàu cổ xưa nhất trở về ngoạn mục trong thế giới hiện đại, đồng thời là một trong những khám phá khảo cổ dưới nước quan trọng nhất trong lịch sử hàng hải.
Hiện nhóm thám hiểm của ông Clifford có kế hoạch quay lại Haiti vào tháng tới để bàn bạc các phương án hợp tác để trục vớt con tàu.
Theo sử sách, tháng 8/1492, nhà hàng hải người Italy Christopher Columbus cùng 3 con tàu đã ra khơi từ bờ biển Tây Ban Nha, trong đó con tàu dài 18m Santa Maria giữ vai trò "anh cả."
Mục đích ban đầu của Columbus là tìm đường tới các hòn đảo và các nước phương Đông như Trung Quốc và Ấn Độ để giao thương.
Trong hải trình này, tàu Santa Maria đã bị mắc cạn và mất tích ngoài khơi xa, buộc Columbus phải lên đường trở về Tây Ban Nha với hai tàu còn lại là Nina và Pinta. Số phận của con tàu này đến nay vẫn là một bí ẩn.
Theo Vietnam+