Đó là khẳng định của ông Đỗ Mạnh Hoàng - Chánh văn phòng, Sở GD-ĐT TP.HCM trước sự việc giáo viên, học sinh đang rất hoang mang trước thông tin giải thể trường THPT Lý Tự Trọng, nằm trong trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng.
Mới chỉ là chủ trương
PV: Vừa qua, dư luận rất quan tâm đến câu chuyện giải thể trường THPT Lý Tự Trọng, đặc biệt là các giáo viên, phụ huynh học sinh có con em đang học tại trường. Ông có thể giải thích lý do vì sao Sở lại đưa ra quyết định dừng tuyển sinh, giải thể trường tại thời điểm này?
Ông Đỗ Mạnh Hoàng: Lý do mà Sở phải đưa ra quyết định giải thể trường THPT Lý Tự Trọng: Thứ nhất, căn cứ theo Nghị định 75 của chính phủ, quy định chi tiết về Luật Giáo dục, Nghị định 115, Thông tư 12 về điều lệ trường THPT, quyết định số 621 của Bộ GD-ĐT thành lập trường, thì trường THPT nằm trong trường Cao đẳng là không đúng các quy định về pháp lý, thành ra phải có lộ trình, tách trường CĐ với trường THPT ra.
Thứ hai, cách đây một thời gian, cũng do trường THPT trên quận Tân Bình chưa được xây dựng nhiều, cho nên phải bắt buộc cho trường CĐ tuyển sinh hệ THPT để giải quyết vấn đề học sinh trên địa bàn.
Thế nhưng, đến năm học 2014 - 2015, theo thống kê của Sở thì trong năm học này, nếu thi đúng số lượng thì chỉ tiêu tuyển sinh của Sở là học sinh lớp 9 tốt nghiệp THCS vào lớp 10, tỷ lệ 81,09%.
Hiện nay, học sinh được phép thi trên toàn thành phố, học sinh Tân Bình có thể thi tại quận Tân Phú, học sinh quận Phú Nhuận có thể thi được ở quận Tân Bình.
Giáo viên Trường THPT Lý Tự Trọng hoang mang trước quyết định giải thể. |
Chính vì thế, cho nên Sở mới có đề nghị UBND TP giải thể trường THPT Lý Tự Trọng để trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng có thể phát triển lên thành trường tiên tiến theo đúng quy định của pháp luật.
Có thể nghĩ đề xuất giải thể là do trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng nêu ra?
Sau khi có đề nghị của CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng thì Sở căn cứ vào đó đưa ra đề xuất lên trên UBND TP xin chủ trương.
Trong quyết định công văn của UBND TP ngày 12/4, đã đồng ý chủ trương giải thể trường THPT Lý Tự Trọng thuộc trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng, lộ trình giải thể sẽ trong giai đoạn 2014 - 2017.
Chính vì lộ trình đó, nên Sở phải tạm thời dừng tuyển sinh lớp 10 trong năm nay, còn trường thì vẫn hoạt động bình thường. Khi có chủ trương, Sở mới làm việc với BGH lên đề án giải thể từ 2014 - 2017, để đảm bảo đến năm 2017 trường này sẽ dừng hoạt động và giải quyết tất cả chế độ cho giáo viên.
Sau khi có chủ trương của UBND TP thì Sở mới tiến hành xuống làm việc với trường, chứ trước đó Sở chưa có thông tin chính thức nào về việc giải thể, khi được đồng ý chủ trương thì Sở mới làm việc với trường.
Ngay sau đó, Sở sẽ căn cứ đề án của trường trình UBND TP để tiến hành giải thể. Bởi vì, việc trường này tồn tại nó không đúng quy định, một trường làm sao có hai dấu, hai Hiệu trưởng.
Thế nhưng, lãnh đạo Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng, cơ quan quản lý trực tiếp Trường THPT Lý Tự Trọng lại cho rằng họ không biết quyết định của Sở, tại sao Sở lại đưa ra quyết định đột ngột như vậy?
Nói không biết là hoàn toàn không đúng. Tôi khẳng định trước khi đồng chí Phó GĐ Sở xuống làm việc thì Hiệu trưởng trường CĐ đã nắm bắt thông tin rồi.
Phải phân biệt rõ việc xin chủ trương, đó không phải nhiệm vụ của nhà trường, khi có chủ trương rồi, Sở bắt đầu làm việc với trường.
Đến thời điểm này, nhà trường vẫn sẽ hoạt động bình thường, sau đó Sở mới thống nhất với trường đề án giải thể, rồi Sở trình UBND TP, chứ Sở chưa có hướng nào trong việc này.
Không thể để cái sai tồn tại
Tại sao trước đây, phải nói 16 năm nay trường vẫn hoạt động mà giờ đây lại quyết định đóng cửa? Ông có thể nói rõ hơn về nguyên nhân này, nếu nói là sai quy định, vậy tại sao những năm qua nó vẫn hoạt động bình thường?
Bởi đơn giản là trong 16 năm qua, nhà trường này phải gánh một lượng học sinh không hề nhỏ.
Chúng ta biết quận Tân Bình là khu nhập cư rất đông, mà vấn đề xây dựng trường lớp thì phải có lộ trình, nên phải có thời gian.
Thế nhưng, cho đến nay, đã xây dựng đủ trường lớp trên địa bàn thành phố rồi, đặc biệt, năm nay, học sinh được thi toàn thành phố. Học sinh ở Tân Bình, thích quận 1, thì có thể ra đó thi, thích quận Phú Nhuận, thích quận Tân Bình... nên học sinh có thể thi tất cả những trường mình muốn.
Cho nên không phải học sinh lớp 9 Tân Bình thì phải thi THPT ở Tân Bình luôn, thành ra tỷ lệ chỗ học rất cao và đủ chỗ học. Vì vậy, Sở mới chuyển và giải thể trường THPT này.
Việc dừng tuyển sinh cũng sẽ thực hiện theo đúng hướng dẫn của UBND TP, tuy nhiên, nếu tâm tư của GV là muốn tuyển sinh thêm một năm nữa, thì cứ đề ra trong đề án rồi Sở sẽ trình lên cấp trên phê duyệt. Quyết định cuối cùng là của UBND TP.
Tất nhiên, giải thể là sẽ làm theo lộ trình cụ thể trong đề án, năm nay sẽ có bao nhiêu GV chuyển đi trường nào, GV ở lại đâu, học sinh thì chuyển đi đâu, cơ sở vật chất bàn giao ra sao thì cũng có tính toán hết, nên không cần lo lắng.
Nếu đưa ra nguyên nhân là do thiếu chỗ học cho sinh viên trường Cao đẳng, thì tại sao không tách trường THPT ra khỏi hẳn trường CĐ, thành một trường tự lập? Khó khăn nằm ở đâu, thưa ông?
Điều đó là không thể. Vì hiện nay trường THPT này tồn tại dựa vào cơ sở vật chất, đất đai của trường CĐ, chứ không phải trường riêng, nó hoàn toàn không tự lập.
|
Học sinh trường THPT Lý Tự Trọng. |
Nên không thể tách ra được, nếu tách có khác nào xây dựng một trường mới, không nhất thiết phải xây dựng một trường mới để gây lãng phí khi đã đủ.
Được biết, nhiều năm nay trường có chất lượng giáo dục tốt, được chính ngành giáo dục từ Bộ đến Sở công nhận qua loạt bằng khen, giấy khen, được UBND TP.HCM tặng thưởng danh hiệu tập thể lao động xuất sắc liên tục từ năm 2006 – 2013. Điều này có tạo ra sự khó hiểu, gây hoang mang cho giáo viên, phụ huynh đến lãnh đạo nhà trường hay không, thưa ông?
Chúng ta phải làm theo cái đúng, không thể nào cứ để cái sai tồn tại.
Dĩ nhiên, chúng ta không thể phủ nhận vai trò của trường trong một giai đoạn cụ thể, nhưng đến khi cơ sở vật chất đã đủ thì phải giải thể theo lộ trình từ từ.
Mặc dù, chúng tôi chưa nhận được đề án của nhà trường nhưng chúng tôi cũng mong có thể giúp cho GV, HS trong trường có điều kiện tốt nhất.
Chắc hẳn Sở đã tính đến bài toán công ăn việc làm của các giáo viên, chỗ học mới cho học sinh?
Chắc chắn Sở sẽ lắng nghe nguyện vọng của GV, HS, sẽ giải quyết công ăn việc làm cho GV nhưng dĩ nhiên phải hợp tình, hợp lý.
Quyền lợi GV, quyền lợi HS phải đặt trên hết tất cả các quyết định đó là mục tiêu của Sở GD-ĐT TP.HCM.
Chúng tôi, cũng đưa ra các giải pháp cụ thể như: Thứ nhất, chuyển GV đến những trường trong vùng lân cận, xung quanh khu vực đó, theo nguyện vọng của GV.
Thứ hai, bản thân trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng cũng đào tạo, tuyển sinh hệ Trung cấp chuyên nghiệp, khóa đào tạo 9+5, 9+3, nên GV có thể giảng dạy tại trường CĐ đó hoặc chuyển đến những trường THPT lân cận, theo nguyện vọng và theo những nhu cầu của trường xung quanh.
Chắc chắn, GV vẫn sẽ được dạy bình thường, đương nhiên chuyện điều chuyển còn chưa kể là Luật mà GV phải chấp nhận. Dĩ nhiên không phải điều chỉnh linh tinh, phải có tâm tư nguyện vọng là điều bình thường.
Nên hiện tại chúng tôi mới phải lắng nghe xin ý kiến, chứ Sở chưa luân chuyển bất kỳ ai tại thời điểm này.
Hơn nữa, lộ trình giải thể là 3 năm liền, nên tất nhiên không để giáo viên phải sốc. Sở sẽ căn cứ đề án của Trường để xem xét, hướng dẫn, thống nhất trình lên UBND TP.
- Xin cảm ơn ông đã chia sẻ!
Theo Đất Việt