Ông Boonsongphaisan. Ảnh: Hurriyetdailynews |
"Hy vọng chúng tôi sẽ sớm có một cuộc bầu cử. Tôi không đảm bảo cuộc bầu cử sẽ thành công nhưng tôi rất hy vọng", Reuters dẫn lời ông Niwatthamrong Boonsongphaisan nói. Ông nhấn mạnh những người biểu tình chống chính phủ sẽ không đạt được mục đích là đòi hỏi Thượng viện áp đặt một Thủ tướng khác thay thế.
Trước khi bị buộc tội và phải từ nhiệm, Thủ tướng Yingluck Shinawatra nhất trí với Ủy ban bầu cử sẽ tiến hành cuộc bầu cử vào ngày 20/7, dù chưa được Quốc vương phê chuẩn.
Ông Boonsongphaisan cho hay không thể dừng cuộc bầu cử, vì như thế là trái luật. Trước tiên phải có bầu cử và sau đó là cải cách.
Trong khi đó, lãnh đạo phe biểu tình, Suthep Thaugsuban, một cựu phó thủ tướng trong chính quyền của đảng Dân chủ, kêu gọi Thượng viện, Tòa án và Ủy ban bầu cử can thiệp và chọn ra Thủ tướng mới. Ông Boonsongphaisan nói điều này sẽ không xảy ra.
Thượng viện Thái Lan họp hôm nay nhằm cố gắng tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài, khi cả hai phe gây áp lực lên quốc hội, vẫn hoạt động cho một đất nước bị phân cực. Sự bế tắc, là kết quả của cuộc biểu tình chống chính phủ từ tháng 11 năm ngoái, làm tê liệt phần lớn hoạt động của chính phủ, đe dọa đẩy Thái Lan vào suy thoái và nguy cơ nội chiến.
Tuần trước Tòa án Hiến pháp phế truất Thủ tướng Yingluck Shinawatra và 9 bộ trưởng trong nội các của bà vì lạm dụng quyền lực, nhưng chính phủ còn lại vẫn nắm quyền, hy vọng một cuộc bầu cử mới vào ngày 20/7 tới sẽ giúp đưa bà Yingluck trở lại.
Cuộc khủng hoảng này là giai đoạn mới nhất trong 10 năm sự kình địch giữa những người ủng hộ chế độ quân chủ và anh trai của bà, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, người bị lật đổ năm 2006.
Làn sóng biểu tình vẫn tiếp diễn ở Thái Lan với nhiều người biểu tình chống chính phủ tuần hành tại các đường phố Bangkok. Ảnh: Reuters |
Lần này, khi quân đội từ chối tham gia, phe chống chính phủ kêu gọi Thượng viện can thiệp và yêu cầu nội các còn lại của chính quyền của bà Yingluck rút lui.
"Chúng tôi sẽ giám sát chặt chẽ nỗ lực của Thượng viện", Suthep nói với phóng viên tại khu liên hợp của Thủ tướng, chính phủ bỏ trống nhiều tuần trước. Suthep cũng đưa những người ủng hộ từ công viên thành phố vào đại lộ bên ngoài Quốc hội để thúc ép Thượng viện cần hành động.
Chủ tịch Thượng viện mới được bầu Surachai Liengboonlertchai kêu gọi mọi người giúp chấm dứt khủng hoảng. "Chúng tôi hoan nghênh tất cả các bên đến và thảo luận nhằm tìm ra một lối thoát. Chúng tôi không đứng về bên nào", ông nói với các phóng viên trước phiên họp.
Chính phủ tạm quyền Thái Lan sẽ họp với Ủy ban bầu cử vào ngày mai để quyết định hạn định tốt nhất cho một cuộc bầu cử. Những người biểu tình chống chính phủ duy trì cuộc biểu tình trong tuần này và mặc dù các địa điểm chính của họ ở xa nhưng vẫn có lo ngại bạo lực gia tăng. Khoảng 25 người bị thiệt mạng từ khi có biểu tình mới.
Quân đội, thường can thiệp vào chính trị trước đây, giờ vẫn tránh xa bất chấp kêu gọi của các lực lượng chống chính phủ, nhằm lật đổ chính phủ ủng hộ Thaksin. Quân đội cho biết việc giải quyết bất đồng chính trị phụ thuộc vào các chính trị gia nước này.
Theo VNE