Kiều bào ta tại Tokyo, Nhật, mang theo những tấm biểu ngữ phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam (Ảnh: Anh Đào). |
Tác giả bài viết Gordon G. Chang, người chuyên viết về Trung Quốc và châu Á, cho hay, với động thái đưa giàn khoan vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Bắc Kinh đã vượt qua hai giới hạn quan trọng. Thứ nhất, đây là lần đầu tiên Trung Quốc cho khoan ở vùng biển của Việt Nam. Thứ hai, đây cũng là lần đầu tiên Bắc Kinh công khai sử dụng những con “tàu xám”, tức tàu hải quân, nhằm hỗ trợ chặt chẽ cho những “tàu trắng”, tàu chấp pháp dân sự, để thực thi tuyên bố chủ quyền. Khi đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam, Trung Quốc đã phái hơn 80 tàu hộ tống các loại, trong đó có 7 tàu hải quân.
Theo tác giả, động thái của Trung Quốc có thể là “lợi dụng” sự lơ là của Washington khi nước này đang tập trung quan tâm tới cuộc khủng hoảng ở Ukraine, cho thấy “sự coi thường” đối với Tổng thống Obama, hoặc cũng có thể là “cái tát” cảnh báo với nước nhỏ hơn khác. Tác giả kết luận, dù cho Trung Quốc có muốn ngầm ý gì, thì động thái triển khai giàn khoan Hải Dương-981 mới đây là “vô cùng nguy hiểm”.
Tuy nhiên, tác giả chỉ ra, trong suốt chiều dài lịch sử, người Việt Nam không bao giờ chịu khuất phục, thậm chí là khi đối mặt với thái độ khiêu khích của người “khổng lồ” láng giềng. Ông không quên nhắc lại suốt nhiều thập niên qua, hai nước đã vướng vào không ít cuộc tranh chấp và có một thực tế rõ ràng là Việt Nam không sợ nước láng giềng. Tác giả khẳng định: “Việt Nam chắc chắn sẽ không bao giờ để cho Bắc Kinh khoan trong vùng biển gần bờ của mình”.
Theo ông, Trung Quốc muốn vùng lãnh thổ và vùng biển của các nước xung quanh Biển Đông, ám chỉ đến cái bản đồ được gọi là “đường lưỡi bò”. Trung Quốc “sẽ không dừng lại cho đến khi bị ngăn chặn. Và có lẽ chỉ có người Việt Nam mới ngăn chặn được họ”, tác giả khẳng định. Theo tác giả, điều này đã được thấy trong lịch sử, trong cuộc chiến biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 1979.
Theo Dân trí