Thanh Niên trích nguồn từ hãng Yonhap ngày 13/5 dẫn lời giới chức Seoul cho hay, trong lúc lo giải quyết vụ chìm phà Sewol, khiến 275 người chết và 29 người mất tích, cảnh sát biển không thể theo dõi sát sao những tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép trong lãnh hải Hàn Quốc.
“Thông qua các kênh ngoại giao, chúng tôi đã gửi đơn khiếu nại với chính phủ Trung Quốc hồi tuần rồi và yêu cầu họ giải quyết vấn đề đó ngay lập tức”, một quan chức Hàn Quốc tiết lộ với Yonhap. Vị quan chức này cho biết thêm, phía Trung Quốc hứa rằng họ sẽ ngăn chặn nạn đánh bắt trái phép như trên và các cơ quan chức năng của họ sẽ tăng cường giám sát.
Được biết, hàng năm, Seoul và Bắc Kinh đều xem xét lại thỏa thuận đánh bắt song phương, nhưng Seoul vẫn phải tiếp tục đối phó với tình trạng tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Hàn Quốc hoặc đánh bắt với lượng thủy sản vượt mức cho phép.
Nhóm tàu cá Trung Quốc buộc lại với nhau sau khi bị một tàu tuần tra Hàn Quốc rượt đuổi hồi năm 2011. |
Không chỉ bị tố lợi dụng vụ chìm phà ở Hàn Quốc đánh bắt trái phép, Trung Quốc còn bị tố lợi dụng việc tìm kiếm máy bay MH370 để do thám các nước.
Cuộc tìm kiếm chuyến bay mất tích MH370 của Malaysia Airlines vừa qua đã khiến Trung Quốc trở thành “nhân vật chính”, nhưng các quốc gia khác tham gia vào nỗ lực tìm kiếm nghi ngờ rằng cường quốc châu Á lợi dụng cơ hội này để do thám.
Tờ Wall Street Journal (WSJ) của Mỹ đưa tin, dù có thiện chí trong sứ mệnh tìm kiếm quốc tế nhưng đã xuất hiện những phản đối về sự tham gia của Trung Quốc sau những nghi ngờ liên quan tới các động cơ của Bắc Kinh.
Máy bay Trung Quốc được triển khai tới thành phố Perth (Úc) để phục vụ việc tìm kiếm MH370. |
Một quan chức quân đội cấp cao của Ấn Độ nói với tờ WSJ rằng, một đề nghị của Trung Quốc nhằm cho phép các tàu nước này vào tìm kiếm MH370 trong lãnh hải Ấn Độ gần quần đảo Andaman đã bị từ chối do lo ngại rằng Bắc Kinh sử dụng sứ mệnh tìm kiếm làm cái cớ để thu thập thông tin tình báo về các cơ sở quốc phòng quan trọng.
“Họ có thể lợi dụng tình huống và cố gắng vào khu vực. Chúng tôi có tất cả các phương tiện hiện đại để tự tìm máy bay nếu nó rơi xuống vùng biển Ấn Độ”, quan chức Ấn Độ giấu tên nói.
Chuyên gia Brahma Chellany, từ Trung tâm nghiên cứu chính sách tại New Delhi, cho hay Trung Quốc cũng đang sử dụng chiến dịch tìm kiếm máy bay mất tích của Malaysia “để tạo lợi thế quân sự như một ví dụ mới nhất cho thấy nước này ngày càng trở nên mạnh mẽ, quyết đoán”.
Theo Đất Việt