Ngày 14/5, ông Hà Lê, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư Đà Nẵng cho biết, trước việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép, tàu khai thác thủy sản của ngư dân trên các vùng biển sẽ tập trung lại để phản đối, yêu cầu phía Trung Quốc phải rút lui.
Theo ông Lê, để buổi mít-tinh diễn ra ôn hòa, Chi cục Kiểm ngư cũng đã hoàn tất các phương án để bảo vệ ngư dân. Sẽ có hàng chục tàu Kiểm ngư và tàu Cảnh sát biển diễu hành cùng các tàu cá để giữ gìn trật tự.
Ngư dân miền Trung vẫn thẳng tiến Hoàng Sa. |
Trước thông tin này, nhiều ngư dân cho biết sẵn sàng tham gia mít-tinh phản đối hành vi ngang ngược của Trung Quốc. Ngư dân Lê Văn Sáu (trú Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, Đà Nẵng), cho biết tất cả ngư dân trong tổ của mình đã sẵn sàng tham gia đấu tranh, buộc Trung Quốc phải rút giàn khoan khỏi vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam.
“Dù khó khăn đến mấy, chúng tôi cũng quyết bám biển Hoàng Sa - ngư trường truyền thống mà lâu nay ông cha vẫn khai thác. Ngoài việc đánh hải sản, sự hiện diện của chúng tôi trên vùng biển còn để khẳng định chủ quyền”, ông Sáu nói.
Còn ngư dân Lê Văn Thành chia sẻ: “Tôi đi biển gần 30 năm, cũng đã nhiều lần gặp tàu Trung Quốc nhưng tôi đâu sợ. Họ định dùng tàu lớn ép tàu bé, nhưng chúng tôi không dại gì đối đầu trực diện".
Sát cánh giữa trùng khơi
Đến thăm hỏi và động viên các ngư dân phường Thọ Quang (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) ngày 14/5, ông Vũ Xuân Thủy, Chủ tịch Công đoàn Bộ NN-PTNT, chia sẻ: "Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào ngư dân cũng phải bình tĩnh để tránh bị phía Trung Quốc kích động. Đảng, Nhà nước và Bộ luôn sát cánh bảo vệ ngư dân. Ngược lại, ngư dân cũng phải ý thức trách nhiệm của mình để mỗi người trở thành một "chiến sĩ" trên biển, cùng các lực lượng khác bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc". |
Tàu thuyền liên kết làm ăn theo hình thức tổ, nhóm trên ngư trường là cách hoạt động khá phổ biến của ngư dân miền Trung thời gian gần đây. Vừa trở về sau chuyến đi biển dài ngày, tàu cá Đna-90351 của thuyền trưởng Lê Văn Chiến cùng 7 tàu trong tổ tương hỗ số 9 lại tất bật chuẩn bị ra khơi.
Được mệnh danh là biên đội “sói biển” trên vùng biển Hoàng Sa - Trường Sa, các tàu trong tổ của ông Chiến đều có công suất 350-500 CV, trang bị phương tiện khá hiện đại. Mỗi lần ra khơi, các tàu nối đuôi nhau chiếm lĩnh ngư trường.
Ông Chiến tâm sự: "Từ ngày các biên đội ra đời, anh em có điều kiện hỗ trợ nhau nên hạn chế rủi ro và hiệu quả khai thác, đánh bắt nâng cao rõ rệt. Có lúc bị tàu lớn của các nước uy hiếp nhưng nhờ liên kết, biết bên cạnh mình luôn có đồng đội, chúng tôi yên tâm bám biển đánh bắt".
Cũng theo ông Chiến, từ khi Trung Quốc ngang nhiên đặt giàn khoan trái phép vào vùng biển Việt Nam, các ngư dân gặp rất nhiều khó khăn khi đánh bắt bởi sự hung hăng, quấy phá của các tàu dân sự và quân sự của Trung Quốc. Tuy nhiên, với tinh thần đoàn kết theo hình thức tổ đội, các tàu cá vẫn kiên trì bám trụ.
Ngư dân lê Văn Hai (trú Thanh Khê, Đà Nẵng) khẳng định: “Đợt ra khơi vừa rồi, chúng tôi có gặp nhiều tàu Trung Quốc ngăn cản, nhưng công việc mình cứ làm, không sợ ai cả".
Theo Zing