Ngư dân Lê Anh ôm đầu đau đớn khi được chuyển từ thuyền lên xe cứu thương đưa đi chữa trị. Anh không ăn được từ khi bị đánh, mỗi lần ho lại ói máu - Ảnh: Trần Mai. |
Từ sáng sớm, cả trăm người dân đã đứng chờ ở Cảng Tịnh Kỳ (TP Quảng Ngãi). Khuôn mặt bơ phờ, ông Quang cứ hướng mắt ra biển, tay cầm chiếc điện thoại. Bà Nguyễn Thị Thơm cũng đến từ sáng sớm, hai ngư dân bị thương là con trai và con rể của bà. Mỗi lần nghe có tiếng tàu vào bà Thơm lại nhìn ra phía cảng.
Từ sáng sớm người dân đã đến Cảng Tịnh Kỳ chờ tàu bị nạn trở về - Ảnh: Trần Mai
11h30 một chiếc tàu xuất hiện phía ghềnh xa, cả trăm người đổ dồn ra bến cảng. Chưa thấy số hiệu con tàu, nhưng mọi người chắc chắn đó là tàu Qng 90205. Một lão ngư nói lớn: “Mấy đứa ở Hoàng Sa về rồi, lần này thì đúng rồi, nhìn ống khói đen ngòm là biết, bọn nó tăng tốc hết cỡ nên máy hỏng rồi”.
Tàu xuất hiện. Hai ngư dân Nguyễn Tấn Hải (24 tuổi, Bình Châu, Bình Sơn) và Nguyễn Hiền Lê Anh (20 tuổi, ngụ thị trấn Sông Vệ, huyện Tư Nghĩa) đang nằm bất động trong cabin. Các ngư dân khác ngồi xung quanh, người đỡ tay, người xoa đầu, người xoa bụng, ai nấy điều mệt mỏi.
Hai ngư dân được điều trị tại Bệnh viên Đa khoa Quảng Ngãi - Ảnh: Trần Mai
Bị đánh trọng thương phần đầu, cả một hành trình dài từ Hoàng Sa về đất liền, Lê Anh không ăn uống gì được. “Chúng tôi cố gắng nấu cháo cho ăn, nhưng ăn vào là nó nôn ra, cứ ôm đầu rên suốt”, ngư dân Nguyễn Văn Vinh đi trên tàu kể.
Chỉ tay vào đầu và sườn Lê Anh, anh Phạm Tấn Sơn cho biết lúc mới lên tàu mọi người thấy vết dùi cui và 5 vết giày đạp vào người anh còn in rõ. Từ lúc cho tàu về bến, mỗi lần ho là ra máu. Còn thuyền trưởng Hải, dù trên người chằng chịt những vết bầm tím nhưng đã ăn được cháo, ít nôn ói.
Các bác sĩ bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi ngay lập tức cố định cánh tay trái bị gãy của anh Hải và chuyển hai ngư dân lên bệnh viện tỉnh điều trị.
Được các bác sĩ truyền dịch, tiêm thuốc, điều trị cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi sức khỏe thuyền trưởng Hải đã khá hơn. Anh kể lại đêm kinh hoàng trên biển. Theo đó, 19h tối 16/5, sau khi ăn chiều, 12 ngư dân xuống hai ghe nhỏ đi lặn cách đảo Phú Lầm chừng 5 hải lý. Chỉ còn anh và Lê Anh ở trên tàu. Khoảng 21h, hai anh em phát hiện một tàu đang truy đuổi.
"Nhận ra tàu Trung Quốc, còn kịp nhìn thấy số hiệu tàu là 306, ngay lập tức tôi nhổ neo, tăng hết công suất để tránh bị áp sát. Đồng thời dùng bộ đàm kết nối với hai ghe nhỏ bảo chạy lên đảo Tây và đảo Cây trước đừng trở về vị trí neo đậu, tôi sẽ đưa tàu lớn lên đón", thuyền trưởng Hải kể.
Sau hơn một giờ truy đuổi, tàu Trung Quốc thả hai xuồng máy, áp sát leo lên tàu. Hơn 20 người trên tàu 306 tràn qua, sau khi đập cửa kính ca bin, họ dùng gậy, dùi cui đánh anh Hải bất tỉnh trên vô lăng.
"Một tên dùng dùi cui đập vào đầu, tên khác dùng gậy đập vào sườn tôi, sau đó tiếp tục đánh Lê Anh trong ca bin. Chịu được khoảng 5 phút thì tôi ngất. Không biết Lê Anh bị đánh thế nào, nhưng khi tỉnh dậy, tôi thấy nó còn ngất xỉu trước mũi tàu. Lúc đó khoảng 1 giờ sáng”, anh Hải cho biết.
Bị đánh thương tích nặng, nhưng anh Hải vẫn cố nổ máy, lái một tay, tăng tốc chạy về phía đảo Cây và đảo Tây, cách đảo Phú Lâm chừng 5 hải lý. Hơn 30 phút sau Lê Anh tỉnh lại, nhưng không cử động được.
Sau khi lên tàu, 12 ngư dân lập tức cho tàu tăng tốc về đất liền, đồng thời điện đàm báo những tàu khác đánh bắt gần đó biết rõ tình hình.
Ông Nguyễn Văn Quang, chủ tàu, cho biết tổng thiệt hại sau khi bị Trung Quốc tấn công, đập phá tài sản ước tính khoảng 700 triệu đồng. Hiện lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ngãi đang tiếp tục điều tra, hoàn tất thủ tục, hồ sơ vụ việc.
Theo TTO