Biển Đông 'nóng' trên bàn Quốc hội

Thứ tư, 21/05/2014, 08:17
Sáng qua, kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 13 đã khai mạc trọng thể tại Hà Nội. Vụ việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển VN đã được đề cập một cách trực diện trong báo cáo khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, báo cáo của Chính phủ cũng như của Mặt trận Tổ quốc.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc kỳ họp hôm qua - Ảnh: Bình Minh

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Sinh Hùng bày tỏ: “Việc Trung Quốc (TQ) đặt giàn khoan trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của VN, cùng với sự hộ tống, trong đó có cả tàu chiến và máy bay quân sự bảo vệ là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của VN, Công ước LHQ về luật Biển 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông; bất chấp cả những thỏa thuận cấp cao giữa hai Đảng và hai Nhà nước VN - TQ”.

Hòa bình và an ninh đang bị đe dọa

Chủ tịch Quốc hội  Nguyễn Sinh Hùng

Nhấn mạnh “Hòa bình và an ninh đang bị đe dọa”, Chủ tịch QH cho biết ngay tại kỳ họp này (cụ thể là trong ngày làm việc đầu tiên - PV), QH dành thời gian để nghe và thảo luận báo cáo của Chính phủ về tình hình biển Đông, cho ý kiến về vấn đề này với tinh thần bằng mọi biện pháp kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, đồng thời kiên trì gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, kiên trì bảo vệ, giữ vững quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước VN - TQ.

Chính phủ khẳng định ứng phó kịp thời trong mọi tình huống

Trong báo cáo đánh giá bổ sung kết quả phát triển KT-XH năm 2013, tình hình triển khai thực hiện kế hoạch những tháng đầu năm 2014, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay GPD quý 1/2014 tăng 4,96%, cao hơn cùng kỳ 2 năm trước. Trong 4 tháng đầu năm, doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 8,1% về số và 16,2% về vốn. Đã có hơn 5.800 doanh nghiệp trở lại hoạt động…

Tuy vậy, Chính phủ đánh giá tình hình KT-XH vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, chứa đựng nhiều rủi ro. Kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định vững chắc. Tăng trưởng tín dụng thấp; việc xử lý nợ xấu còn chậm; cơ chế, chính sách xử lý tài sản đảm bảo còn nhiều vướng mắc, bất cập. Nhiều cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh chậm đi vào cuộc sống.

Việc TQ đặt giàn khoan trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của VN, cùng với sự hộ tống, trong đó có cả tàu chiến và máy bay quân sự bảo vệ là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của VN, Công ước LHQ về luật Biển 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông; bất chấp cả những thỏa thuận cấp cao giữa hai Đảng và hai Nhà nước VN - TQ.

Chủ tịch QH  Nguyễn SinhHùng

Về giải pháp những tháng còn lại của năm 2014, Chính phủ xác định thực hiện nhất quán nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, thông qua việc điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khóa và các chính sách khác để ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm tăng trưởng hợp lý. Tiếp tục điều hành mặt bằng lãi suất phù hợp. Phân bổ tín dụng hợp lý, phấn đấu cả năm đạt mức tăng trưởng 12 - 14%, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên gắn với kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng; Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh...

Trong 7 nhóm giải pháp đặt ra, Chính phủ cũng đã tính tới những yếu tố thuận lợi, thách thức đến từ nội tại và khu vực, thế giới, trong đó có ảnh hưởng, tác động tiêu cực từ diễn biến căng thẳng, phức tạp ở biển Đông sau sự việc TQ hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển VN.

"Tiếp tục tăng cường tiềm lực quốc phòng an ninh, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, ứng phó kịp thời trong mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ. Củng cố nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân, nhất là tại các địa bàn trọng điểm. Thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng kết hợp với phát triển kinh tế. Tiếp cận công nghệ quốc phòng tiên tiến, làm chủ trang thiết bị kỹ thuật, vũ khí hiện đại”, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh thêm giải pháp thứ 7 trong báo cáo.

Ngoài ra theo ông Phúc, Chính phủ "sẽ thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả các giải pháp hòa bình để bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia ở biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của LHQ về luật Biển 1982 (UNCLOS) và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC). Thực hiện các biện pháp cần thiết theo đúng pháp luật và các cam kết quốc tế của VN, bảo đảm an ninh và an toàn tuyệt đối cho các cơ quan, doanh nghiệp và người nước ngoài tại VN".

Quy trách nhiệm đến cùng nếu để xảy ra lãng phí

Trong báo cáo thẩm tra trình bày sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết đa số thành viên Ủy ban Kinh tế tán thành với các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm Chính phủ đặt ra.

Theo nghị trình, sáng nay 21/5, QH thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giao thông đường thủy nội địa. Từ 10 giờ 15 đến hết phiên làm việc sáng, QH thảo luận tại các đoàn đại biểu về tình hình biển Đông, việc TQ hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng biển VN; chủ trương và giải pháp của VN.

Chiều cùng ngày, QH thảo luận tổ về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa 13 và năm 2014; về Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Hàng không dân dụng VN.

Theo ông Giàu, nhiều ý kiến trong cơ quan thẩm tra đánh giá cao và cho rằng việc Chính phủ đã điều chỉnh quản lý đầu tư công vừa qua là sự thành công bước đầu, nhất là kiểm soát chặt chẽ từ chủ trương đầu tư đến xem xét phân bổ nguồn vốn từng dự án, công trình, từng địa phương... đã khắc phục cơ bản tình trạng đầu tư dàn trải, giảm lãng phí.

"Tuy nhiên, xét về mặt quản lý và sử dụng tài sản công, của cải của đất nước một cách hiệu quả cao nhất, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ chỉ đạo tập trung rà soát, tăng cường quản lý đầu tư công chặt chẽ hơn nữa, quyết tâm cắt bỏ những bất hợp lý và xử lý, quy trách nhiệm đến cùng đối với người đứng đầu khi vi phạm hoặc để xảy ra lãng phí trong từng dự án, từng công trình", ông Giàu nói.

Kiến nghị khác của cơ quan thẩm tra là Chính phủ cần tiếp tục xử lý hiệu quả hơn vấn đề hàng hóa tồn kho, nợ xấu doanh nghiệp, nợ xấu ngân hàng, nợ xây dựng cơ bản…; Tăng cường hướng dẫn và quản lý chặt chẽ xuất nhập khẩu hàng hóa qua đường tiểu ngạch tại các cửa khẩu biên giới VN với các nước láng giềng bảo đảm thông suốt và an toàn tài sản của doanh nghiệp và người dân.

Trước tình hình phức tạp do việc TQ hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép tại vùng biển nước ta, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị “QH, Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền các cấp triển khai chủ trương của Đảng qua ý kiến phát biểu của Tổng bí thư tại phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 9 của BCH T.Ư, đồng thời chủ động có các giải pháp ứng phó với tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế, từng ngành kinh tế, xuất nhập khẩu, các thị trường, cân đối ngân sách nhà nước, thu hút vốn đầu tư, tạo công ăn việc làm… Bảo đảm an ninh, trật tự và an toàn về tính mạng, tài sản của người dân, bảo đảm sản xuất kinh doanh bình thường của các doanh nghiệp và người dân".

Ngoài các nội dung nêu trên, trong ngày làm việc đầu tiên, QH đã nghe tờ trình của nhiều bộ ngành về các luật sẽ được thảo luận, thông qua tại kỳ họp. Đặc biệt, QH đã có phiên họp riêng để nghe Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trình bày Báo cáo về tình hình biển Đông, việc TQ hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng biển VN; chủ trương và giải pháp của VN.

Giữ ổn định ở khu vực, đảm bảo tự do hàng hải quốc tế...

Trong báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân, khẳng định: “Nhân dân cả nước rất bất bình về việc TQ đã ngang nhiên hạ đặt giàn khoan nước sâu Hải Dương-981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của nước ta, huy động một lượng lớn tàu, thuyền, kể cả tàu quân sự và máy bay để bảo vệ cho việc làm trái luật pháp quốc tế này, đe dọa và làm tổn hại tàu, thuyền của VN hoạt động hợp pháp tại vùng đặc quyền kinh tế của mình”.

Ông Nhân cho biết, nhân dân trong nước, kiều bào ta sinh sống ở nước ngoài cực lực phản đối hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của VN, đồng thời bày tỏ tin tưởng và mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục có biện pháp phát huy truyền thống đoàn kết, anh dũng, kiên cường, nhân nghĩa của dân tộc VN, kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, phù hợp với luật pháp quốc tế; làm cho chính phủ và nhân dân các nước trên thế giới hiểu rõ và ủng hộ chính nghĩa của VN, phản đối việc TQ công khai vi phạm luật pháp quốc tế và vi phạm các thỏa thuận giữa các nước ASEAN và TQ, để yêu cầu TQ đưa giàn khoan ra khỏi vùng biển VN, giữ ổn định ở khu vực, đảm bảo tự do hàng hải quốc tế...

Cộng đồng người Việt tại Áo quyên góp ủng hộ Cảnh sát biển VN

Theo tin từ Đại sứ quán VN tại Áo, ngày 18/5, hàng trăm người VN đang sinh sống làm ăn tại Áo đã tổ chức biểu tình trước trụ sở Đại sứ quán TQ tại thủ đô Viên phản đối hành động xâm phạm chủ quyền VN của TQ, kêu gọi TQ tôn trọng luật pháp quốc tế và rút ngay giàn khoan ra khỏi vùng biển VN.

Hơn 500 người tham dự biểu tình đã giương cao quốc kỳ VN và các khẩu hiệu bằng nhiều thứ tiếng Việt, Đức, Anh, đồng thanh hô vang các khẩu hiệu khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là của VN, lên án hành động của TQ. Trong số những người tham dự biểu tình có nhiều người sống ở Linz, Salzburg... cách xa thủ đô Viên gần 200 km cũng đã tới tham gia và bày tỏ lòng yêu nước của mình.

Cuộc biểu tình đã thu hút cả sự tham dự của nhiều người bạn Áo và kết thúc trong tiếng hát đồng thanh bài quốc ca VN. Đây là lần đầu tiên tại Viên diễn ra cuộc biểu tình quy mô lớn của cộng đồng người Việt ở Áo sau khi đã xin phép chính quyền và diễn ra trật tự, tôn trọng nghiêm túc các quy định của thành phố Viên.

Cùng ngày, nhóm người Việt tại Viên tập hợp trong Tổ chức R-Club đã tổ chức quyên góp được 1.000 euro gửi về nước ủng hộ các chiến sĩ cảnh sát biển và lực lượng kiểm ngư VN đang công tác, trực tiếp đấu tranh bảo vệ biển đảo, ngăn chặn hành động TQ xâm phạm chủ quyền của nước ta. Số tiền sẽ được Đại sứ quán VN tại Áo chuyển cho Báo Thanh Niên để gửi tới Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và lực lượng kiểm ngư VN.

Đại biểu Quốc hội nêu ý kiến

Tại phiên họp riêng, QH đã nghe Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trình bày báo cáo về tình hình biển Đông và các chủ trương, giải pháp của VN. Thanh Niên ghi nhận ý kiến một số ĐBQH trao đổi với báo giới bên lề kỳ họp.

Ông Trần Văn Hằng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại QH: Các nước đều quan ngại

Vừa qua, Ủy ban Đối ngoại đã có nhiều hoạt động tiếp cận, trao đổi với các đại sứ quán, cơ quan đại diện nước ngoài, các tổ chức quốc tế ở VN để phản ánh tình hình liên quan đến hành động của TQ. Chúng ta cũng đã nêu vấn đề này tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 24, tại Đại hội đồng Nghị viện ASEAN (AIPA). Nói chung, các nước đều quan ngại về tình hình này và mong muốn giải quyết bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế trong đó đặc biệt có UNCLOS 1982, DOC và mong muốn thúc đẩy sớm có Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) để xử lý vấn đề cũng như quan hệ trên biển Đông. Tại diễn đàn ASEAN mà VN là một thành viên, khi chúng ta bị xâm phạm như vậy thì chúng ta kêu gọi các thành viên khác phải có trách nhiệm. Chính vì thế mà các ngoại trưởng ASEAN vừa qua đã có tuyên bố về tình hình hiện nay ở biển Đông. Đây là điều chưa từng có trong suốt 20 năm cho nên có thể coi đó là một một thành công lớn.

Cơ quan QH VN và TQ đã có tiếp xúc để trao đổi về vấn đề này chưa, thưa ông?

Hai bên chưa có tiếp xúc gì vì phía TQ luôn từ chối. TQ thông báo do tình hình họ thực hiện Nghị quyết T.Ư 3 về tiết kiệm nên năm nay họ cho biết “đoàn ra cũng tắc mà đoàn vào cũng tắc”. Năm ngoái thì họ chỉ đón một đoàn của VN. Trong các hoạt động đa phương thì chúng tôi đều có tiếp xúc với phía TQ để thúc đẩy. Đối với các vấn đề quốc tế trên các diễn đàn đa phương thì đoàn TQ và VN cũng thường hay trao đổi các vấn đề quan tâm chung, có sự chia sẻ quan điểm.

Còn đối với phía Mỹ thì thế nào?

Với Mỹ thì chúng ta đã tiếp xúc nhiều. Sắp tới sẽ đón đoàn Chủ tịch Tiểu ban châu Á - Thái Bình Dương của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ. Chúng tôi cũng bố trí cho họ các cuộc gặp với các lãnh đạo.

Chúng ta có trao đổi với họ về vấn đề biển Đông?

Chắc chắn. Dù mình không nêu vấn đề họ cũng sẽ chủ động đưa ra. Vì đây là vấn đề thế giới họ cũng đang rất quan tâm.

ĐBQH Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử VN: Cần có nghị quyết riêng về biển Đông

Tôi rất đồng tình nếu QH ban hành Nghị quyết riêng về biển Đông. QH phát biểu ý kiến của mình, vừa với chức năng là tiếng nói, nguyện vọng của nhân dân, vừa với chức năng là cơ quan giám sát tối cao.

Tình hình càng phức tạp bao nhiêu thì sự giám sát phải càng chặt chẽ bấy nhiêu. Hơn nữa, tôi nghĩ là nghị quyết này còn có tác động tới cuộc đấu tranh ngoại giao nữa.

Tiếng nói ngoại giao nhân dân bao giờ cũng có trọng lượng. Kể cả chúng ta nói tiếng nói hữu nghị với TQ. Chuyện đó thì ta đã có kinh nghiệm trong thời kỳ chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trước đây rồi và không bao giờ được quên mặt trận ngoại giao nhân dân. Tiếng nói của QH là một tiếng nói rất quan trọng.

Trong những hành vi vừa qua, chúng ta lại thấy vấn đề nổi lên là chúng ta chưa có luật Biểu tình mặc dù đây là vấn đề đã được chúng ta đặt ra từ lâu. Chúng ta phải chủ động trang bị cho người dân cả ý thức và kỹ năng để thể hiện ý thức. Chúng ta có một bộ máy không nhỏ bảo vệ trị an, một bộ máy đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội mà tại sao không biết tập hợp lực lượng, đội ngũ một cách đúng đắn, bài bản và kỷ luật, tập trung lòng yêu nước của nhân dân về một hướng?

ĐBQH Bùi Thị An (Hà Nội): Cần hỗ trợ đặc biệt cho ngư dân bám biển

Hai nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của chúng ta bây giờ là xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ chủ quyền. Người VN chúng ta vốn rất yêu nước với tinh thần rất là sôi sục. Các đại biểu đều mong muốn cần phải có những giải pháp cụ thể có lộ trình để giải quyết. Giải pháp cụ thể như thế nào để thực hiện được mục tiêu của VN, chúng tôi đang chờ Chính phủ trình QH.

Chúng tôi đánh giá rất cao tinh thần của ngư dân, kiểm ngư, cảnh sát biển cùng tất cả những người đang ngày đêm bám trụ trên biển những ngày qua.

Họ đã thể hiện tấm lòng yêu nước cao độ. Họ đã không quản khó khăn, thậm chí là sự hy sinh tính mạng để bảo vệ chủ quyền đất nước.

Với tư cách ĐBQH tôi sẽ có kiến nghị Chính phủ phải có hỗ trợ đặc biệt trên tất cả các mặt để có thể được giúp ngư dân hoạt động, vừa đảm bảo hiệu quả kinh tế đồng thời bảo vệ chủ quyền.

ĐBQH Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng): Mọi sự chịu đựng đều có giới hạn

Thế giới đã có nhiều tiếng nói lên án hành động phi pháp của TQ. Điều có thể thấy rõ là đến nay chưa có một quốc gia nào ủng hộ hành động của TQ trong vụ việc này cả.

Thế giới đã có nhiều tiếng nói lên án hành động phi pháp của TQ. Điều có thể thấy rõ là đến nay chưa có một quốc gia nào ủng hộ hành động của TQ trong vụ việc này cả.

Tôi hy vọng với dư luận quốc tế TQ sẽ phải xem xét lại thái độ của mình. Nếu chúng ta đã làm mọi cách mà TQ không thay đổi chúng ta sẽ phải có những biện pháp như yêu cầu tòa án quốc tế phân xử.

Tôi cho rằng mỗi quốc gia cũng giống như mỗi con người sự chịu đựng đều có mức độ nhất định. Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã rất tôn trọng TQ. Nhưng nếu TQ làm quá chúng ta sẽ phải có ứng xử tương xứng.

Các tin cũ hơn