Tìm hiểu “ván cờ” của Trung Quốc ở Biển Đông

Thứ bảy, 14/06/2014, 16:04
Một kịch bản Trung Quốc có hành động khiêu khích ở Biển Đông từng được dự báo cách đây 20 năm và lý do dẫn đến các hành động này xuất phát từ mối quan hệ bất cân xứng. Điều này đã được nhiều học giả quốc tế nghiên cứu và công bố trong những năm gần đây...

Trung Quốc sẽ khiêu khích ở Biển Đông: Dự báo từ 20 năm trước

Kịch bản Trung Quốc có hành động khiêu khích ở Biển Đông thực ra đã được giới quân sự và chính trị Mỹ dự tính từ lâu. Nhà văn Tôm Clan-xi (Tom Clancy), người có nhiều cuốn tiểu thuyết nổi tiếng về tàu ngầm và các mối quan hệ với lãnh đạo hải quân Mỹ, từng viết tác phẩm SSN về đụng độ ở Biển Đông từ năm 1996. Cách tiếp cận dễ hiểu nhất vào "ván cờ" mà Trung Quốc đã sắp đặt suốt hàng chục năm qua trên Biển Đông là thử chơi trò đánh tàu ngầm SSN dựa trên tác phẩm của Tom Clancy.

Trong giới học thuật, năm 1996 giáo sư chính trị học trường Harvard, ông Xa-mu-en Hăn-tinh-tơn (Samuel Huntington), đã đưa ra một kịch bản về sự thay đổi của cục diện địa lý chính trị quốc tế sẽ dồn ép tạo ra căng thẳng ở khu vực Biển Đông. Những hành động của Trung Quốc bành trướng xuống Biển Đông thực sự không phải là quyết định nhất thời, hay các đối sách ngắn hạn vì lợi ích kinh tế. Tất cả khi được xâu chuỗi lại sẽ hoàn toàn ăn khớp với những gì mà các nhà quan sát phương Tây từng ghi nhận và dự báo từ 20 năm trước.

Giàn khoan của Trung Quốc hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)

Theo Giáo sư An-tô-ni Rết (Anthony Reid), Đại học quốc gia Xin-ga-po, nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác chính là định chế quan trọng nhất đang gìn giữ trật tự thế giới mà chúng ta đang sống hiện nay, bắt đầu được thiết lập từ sau Hiệp ước Westphalia năm 1648.

Đặc biệt là Hiến chương thành lập Liên hợp quốc sau ngày kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ hai, ngay Điều 2 đã nhắc nhở rằng cơ sở hoạt động chính là “chủ quyền và bình đẳng” của tất cả các nước thành viên. “Chủ quyền” được hiểu và thực thi như là chủ quyền của nhà nước và toàn vẹn lãnh thổ.

Trong Chiến tranh Lạnh, nguyên tắc này lại được tiếp tục nâng lên thành những cam kết của các nước lớn không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước nhỏ. Giáo sư An-tô-ni Rết nhận định, Trung Quốc đã nhanh chóng nắm bắt và vô cùng khôn khéo áp dụng những nguyên tắc đó để làm lợi cho mình.

Chủ trương “phát triển hòa bình” hiện nay của Trung Quốc chính là chiến lược sử dụng “ngoại giao mềm” để giành ngôi vị cường quốc. Trung Quốc đã dày công xây dựng thế cờ bá quyền từ hàng chục năm qua, bắt đầu bằng các cải tổ hệ thống giáo dục nhằm gia tăng tuyên truyền chủ nghĩa dân tộc cực đoan “Đại Hán”.

Mối quan hệ bất cân xứng

Để độc giả có thể nhanh chóng nắm bắt một số nghiên cứu, bài viết này xin trình bày cuốn sách về vị trí của Trung Quốc ở châu Á đạt được nhờ chủ trương ngoại giao bất cân xứng (Negotiating Asymmetry - China’s Place in Asia), do Đại học quốc gia Xin-ga-po xuất bản bằng tiếng Anh năm 2009. Đây là công trình nghiên cứu được tiến hành từ năm 2002 và do các học giả nhiều nước tham gia, trong đó Giáo sư An-tô-ni Rết là người chủ trì.

Tất cả các học giả đều đi đến một kết luận chung là bất kể nhìn từ góc độ của quốc gia nào trong khu vực, hay mối quan hệ song phương giữa Trung Quốc với quốc gia đó, thì điểm nổi bật vẫn là chính sách nước lớn và thái độ ép buộc trong trao đổi qua lại. Tùy theo thời điểm cũng như mức độ phản đối của các nước nhỏ mà Trung Quốc sẽ chấp nhận các vị trí khác nhau, nhưng luôn mang tính chất bất cân xứng.

Theo phân tích của Tiến sĩ Alexander L.Vuving (Vũ Hồng Lâm), hình tượng của mối quan hệ gia đình thường được Trung Quốc đem ra áp đặt để giữ thế bề trên với các nước trong khu vực, nhưng mỗi nước lại có đối sách riêng. Ví dụ như trước đây, các vương quốc Đông Nam Á thường chỉ chấp nhận Trung Quốc làm “bố vợ” của mình, thể hiện qua các đám cưới giữa các triều đình.

Về lịch sử ngoại giao của Trung Quốc với Việt Nam từ những năm 1800 đến nay, Tiến sĩ Alexander L.Vuving cũng chỉ ra mối quan hệ “anh-em”, về cơ bản đã là bất cân xứng.

Tương tự như vậy là quy định triều cống. Có những giai đoạn Việt Nam mặc dù áp dụng hệ thống tổ chức nhà nước giống như Trung Hoa, nhưng khẳng định rõ vai trò khác biệt và tách riêng của mình.

Giáo sư An-tô-ni Rết. (Ảnh:Www.britac.ac.uk)

Khi cố gắng đặt mình vào vị trí ngang hàng với Trung Quốc, Việt Nam sẽ được các nước Đông Nam Á nể phục, giống như xưa kia Hàn Quốc đã từng dứt khoát thoát khỏi cái bóng gia đình của Trung Hoa, mặc dù vẫn duy trì truyền thống Khổng giáo. Khi nỗ lực xây dựng một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, chắc chắn Việt Nam sẽ được châu Á kính nể và công nhận vị trí ngang hàng, đánh giá bằng tư cách của một nền văn minh. Hơn vậy, tích cực đòi quyền bình đẳng trong ngoại giao và quyền lợi biển đảo với Trung Quốc đồng nghĩa với việc ủng hộ cho tiêu chí nền tảng nhất của Liên hợp quốc, mà cũng là nguyên tắc sống cơ bản nhất hiện nay của cộng đồng quốc tế.

Tiến sĩ Lê Thanh Hải (Viện Hàn lâm khoa học Ba Lan)

Theo QĐND

Các tin cũ hơn