Lo cảnh sát “tuýt” vì không biết mũ mình đội thật hay dỏm

Thứ bảy, 14/06/2014, 15:38
Từ mai 15/6, người đi xe máy đội mũ bảo hiểm (MBH) dỏm sẽ bị dừng xe để nhắc nhở. Từ ngày 1/7, các trường hợp đội MBH dỏm tham gia giao thông sẽ bị phạt 100-200 nghìn đồng và bị tịch thu mũ đang đội. Quy định này khiến nhiều người phấp phỏng, không biết mũ mình dùng là mũ thật hay mũ dỏm.  

Theo quan điểm của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, qua kinh nghiệm triển khai của năm 2013 cùng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến MBH đã cơ bản hoàn thiện, các cơ quan chức năng sẽ tập trung xử lý các vi phạm từ khâu sản xuất, kinh doanh cho đến sử dụng, tức là sẽ xử lý tổng thể để tránh tình trạng đâu lại vào đó như những đợt ra quân rầm rộ trước.

Lo cảnh sát “tuýt” vì không biết mũ mình đội thật hay rởm

Trong “ma trận” MBH, nhiều người tiêu dùng không thể xác định được mũ mình dùng là thật hay dỏm.

“Người tiêu dùng biết đâu mà lần”

Các khảo sát mới đây của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) cho thấy, hiện còn 60% MBH không đạt chuẩn. Theo ông Đỗ Ngọc Chính - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn về tiêu dùng, điều đáng lo ngại là MBH không đạt chuẩn nhưng được dán tem hợp quy đàng hoàng và được bày bán ở các cửa hàng, đại lý uy tín.

Một thực tế đáng lo ngại cũng từng được ông Nguyễn Thành Hiển - Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường Chất lượng tỉnh Bình Dương chia sẻ với báo chí, đó là ở 28 Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương, đa số công nhân đội MBH không đạt chuẩn được bán dạo với giá rẻ.

Có thể thấy, không phải ai cũng có điều kiện vào đại lý chính hãng của những thương hiệu MBH uy tín và những cửa hàng này “độ phủ” không cao. Trong khi đó, kể cả trường hợp người dân có ý thức đi mua MBH đạt chất lượng thì khi 60% MBH trên thị trường là mũ dỏm, làm sao người dân phân biệt được?

Đại diện Vinastas còn cho biết, thực trạng mẫu MBH thì tốt nhưng sau khi được chứng nhận bảo đảm chất lượng để sản xuất hàng loạt lại có vấn đề. Có thể thấy rõ khâu sản xuất chưa được kiểm soát. Mặt khác, việc in tem số lượng bao nhiêu là do doanh nghiệp tự quyết định, điều này đã tạo ra lỗ hổng quản lý. Doanh nghiệp có thể tự in tem để hợp thức hóa cho những lô hàng kém chất lượng, chưa kể những mẫu tem CR hiện nay rất dễ bị in lậu.

Phải chặn từ gốc

Năm 2013, các cơ quan chức năng cũng đã rầm rộ ra quân xử phạt người không đội MBH và đội MBH không đúng quy cách. Thời điểm đó, công tác tuyên truyền cũng được triển khai sâu rộng. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh MBH tổ chức nhiều điểm đổi mũ, bán hàng có trợ giá cho người dân. Lực lượng Cảnh sát Kinh tế, Quản lý thị trường đã tổ chức nhiều đợt xử lý hàng giả, hàng nhái với hàng vạn MBH dỏm bị tịch thu, tiêu hủy…

Tuy nhiên, sau đợt cao điểm đó, mọi việc đâu lại vào đấy, bởi lẽ xử phạt người tham gia giao thông đội MBH dỏm chỉ là xử phần “ngọn”, trong khi phần “gốc” chính là các cơ sở sản xuất, kinh doanh MBH không đúng quy cách lại chưa được giải quyết triệt để.

Đại diện một thương hiệu MBH ở Hà Nội phàn nàn, một khi các điểm bán MBH dỏm vẫn nhan nhản trên vỉa hè các tuyến phố thì “cuộc chiến” giữa MBH thật với MBH dỏm vẫn là cuộc chiến gay gắt, không cân sức. Còn theo Phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ - đường sắt Công an TP.Hà Nội, để “chiến dịch” thành công, trước tiên các cơ quan, ban, ngành liên quan quản lý chặt MBH không bảo đảm chất lượng, quản lý thị trường nghiêm khắc và xử phạt nặng từ nơi sản xuất đến người buôn bán, sao cho ngay từ đầu đảm bảo còn rất ít MBH không đạt chuẩn được người tiêu dùng đội khi tham gia giao thông.

Ông Nguyễn Trọng Thái – Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia:

Sẽ tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức người dùng

Việt Nam hiện có 38 triệu xe mô tô, xe gắn máy, và việc đội MBH được coi là giải pháp hữu hiệu nhất làm giảm tai nạn giao thông.

Trong đợt tới, cơ quan chức năng sẽ xử phạt nghiêm khắc người tham gia giao thông đội MBH không đạt chuẩn, trước tiên là những người đội MBH không đảm bảo, mang tính đối phó có thể dễ dàng nhận biết bằng mắt thường, mũ cối, mũ thể thao… Còn đối với loại MBH trông giống mũ thật thì cơ quan chức năng tăng cường trách nhiệm kiểm tra xử lý, kiểm soát cửa hàng kinh doanh, cơ sở sản xuất vi phạm. Còn đối với người dùng, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức người dùng đối với mũ đạt chuẩn – mũ không đạt chuẩn.

Thế nào là MBH đạt tiêu chuẩn?

Điều 3, Điều 4 Thông tư liên tịch 06/2013/TTLT-BKHCN-BCT-BCA-BGTVT quy định, MBH phải có đủ các tính năng sau: Có cấu tạo đủ 3 bộ phận: Vỏ mũ, đệm hấp thụ xung động bên trong vỏ mũ (đệm bảo vệ) và quai đeo; có kiểu dáng đáp ứng yêu cầu theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 2: 2008/BKHCN.

Trường hợp MBH có lưỡi trai mềm gắn liền với vỏ mũ hoặc lưỡi trai rời (tháo lắp được) thì độ dài của lưỡi trai tính từ điểm kết nối với vỏ mũ đến điểm xa nhất của lưỡi trai không quá 70mm, góc nghiêng của lưỡi trai không được làm ảnh hưởng đến góc nhìn. Trường hợp MBH có lưỡi trai cứng gắn liền với vỏ mũ thì độ dài của lưỡi trai cứng tính từ điểm kết nối với vỏ mũ đến điểm xa nhất của lưỡi trai không được lớn hơn 50mm và góc nghiêng của lưỡi trai không được làm ảnh hưởng đến góc nhìn. Trường hợp MBH có vành cứng xung quanh thì không được nhô quá 20mm.

Mũ phải được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 2: 2008/BKHCN của Bộ KH-CN; được gắn dấu hợp quy CR, ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật.

Theo Báo Pháp Luật

Các tin cũ hơn