Mùa mưa, chuột từ các cống rãnh tại TP.HCM mất chỗ chú ẩn tràn vào nhà dân, chợ búa, bến xe cắn phá, nguy hại hơn chúng đang phát tán mầm bệnh Hantavirus cho dân toàn thành phố.
Chuột đại náo nhà dân
Nỗi ám ảnh mang tên "ông Tý"
Cô Phạm Thị Oanh, chủ nhà trọ trên đường Trần Quang Khải (Q.1), cho biết, mới đầu mùa mưa mà chuột từ cống, rãnh thi nhau chui vào nhà dân trong xóm vì nước mưa ngập, chuột không còn chỗ ở. Chính vì vậy mà người trọ trong nhà cô Oanh chuyển đi hết vì nhà nhiều chuột, tối ngủ chuột rúc vào người, cắn chân.
“Cứ 1-2 giờ khuya người ở trọ lại hét lên vì chuột, dậy bật đèn thì chuột chạy tán loạn. Người tới thuê phòng buộc phải trả phòng, nhà có 4 phòng trọ thì giờ 3 phòng trọ đành bỏ trống vì không có ai dám thuê”, cô Oanh kể.
Phạm Văn Cường, sinh viên trường ĐH Giao Thông Vận Tải TP.HCM, trọ tại hẻm 168 đường Ung Văn Khiêm, Q. Bình Thạnh cho biết:
"Người ngủ thì chuột hoạt động bên cạnh. Mùa nóng thì đỡ chứ mùa mưa thì nhiều lắm. Nấu cơm xong mới dọn ra chưa kịp ăn, chạy đi xin quả ớt phòng bên cạnh về đã thấy chuột bủa vây ăn đồ ăn. Mua bẫy về bắt những không con nào dính bẫy mà chuột vẫn lúc nhúc khắp nhà", Cường nói.
Dù đặt bẫy ngay trên đường chuột chạy nhưng Cường vẫn không bắt được con nào.
Hộ gia đình ông Nguyễn Thanh Bình sống trong khu lụp xụp xóm Chiếu, P.14, Q.4 vô cùng ngao ngán khi nhắc tới chuột. “Xóm này giờ thành xóm “ông tý”, những con chuột to và ghẻ đầy mình, thấy người chúng không thèm chạy. Đêm nào chuột cũng vào nhà, chúng phá đồ đạc, bài tiết ngay chỗ mình ăn ngủ nhưng không tài nào diệt được chúng”, ông Bình bức xúc.
Để hạn chế chuột, người dân quanh khu vực thường xuyên tổng vệ sinh, không vứt đồ ăn thừa để chuột đói mà bỏ đi. Thế nhưng, lúc chuột đói lại tìm vào nhà dân nhiều hơn, chúng cắn phá đồ đạc, thậm chí cắn cả chân tủ, chui vào tủ quần áo để làm tổ đẻ con.
Mới mua được căn nhà tại chung cư Bình An, phường Bình An, Q.2 được 1 tháng, anh Trần Công Minh đã ngao ngán thông báo với quản lý chung cư vì bị các “ông Tý” vào nhà. “Chung cư mới xây mà chuột có khắp nơi, rác mỗi tối đều để trước cửa, sáng có nhân viên tới thu nhưng chưa kịp dọn thì trong đêm chuột đã cắn phá bầy khắp ban công”, anh Minh kể.
Tại khu dân cư qua khu vực chợ Tân Sơn Nhất đường Nguyễn Thái Sơn P.2, Q.Tân Bình cứ mỗi khi tan chợ chuột lại quần tụ nhau lại ăn đồ thừa ở chợ, khi trời mưa cống ngập chuột lại chạy tán loạn vào nhà dân.
“Mùa khô thì không sao, cứ mùa mưa là chuột lại vào nhà làm tổ. Nhà có kho đựng đồ cũ trên tầng 2 lâu lâu mới động tới, hôm bữa mở ra lấy ít đồ cũ mang cho. Khi mở ra cả đàn chuột lúc nhúc bên trong có cả chuột mới đẻ”, chị Ngô Thanh Vân nhà tại chợ Tân Sơn Nhất vẫn rùng mình mỗi khi kể về chuột nhà mình.
Chị Nguyễn Minh Thư, công nhân quét rác trên đường Nguyễn Văn Trỗi quận Phú Nhuận ngao ngán vì đêm nào cũng phải hốt xác chuột bị xe cán bầy nhầy trên đường.
Mỗi năm, một cặp chuột đẻ 2.000 con
“Trên thế giới hiện nay có khoảng 500 loài chuột, tại Việt Nam có 5 loại gây hại lớn cho con người. Bao gồm chuột cống, chuột đồng, chuột nhắt và chuột lợn. Chuột thường sinh sản theo cấp số nhân, mỗi năm một cặp chuột có thể đẻ ra 2.000 con”, kỹ sư Phan Văn Dũng, Phó Giám đốc công ty diệt chuột Phương Thanh (Q.Phú Nhuận), người nhiều năm nghiên cứu về loài chuột cho biết.
Theo kỹ sư Dũng thì tại TP.HCM hiện tại có khoảng 5 triệu con chuột các loại sinh sống, trong đó có 2 triệu con đang sinh sản, như vậy mỗi năm có khoảng 400 triệu con chuột ra đời.
Theo anh Dũng phong trào diệt chuột ở thành phố không thiết thực, có ra quân diệt tại các quận, huyện cũng chỉ là phong trào. Để đối phó với chuột đặt bẫy thôi cũng chưa đủ vì chuột bị bẫy một vài lần thành quen và không mắc bẫy nữa, cách tốt nhất là vệ sinh sạch sẽ nơi mình sinh sống, phải diệt vào mùa khô khi chúng sinh sản.
Chuột bạo tới mức thấy người đứng cạnh nhưng vẫn không bỏ chạy. (ảnh chụp tại chợ Tân Sơn Nhất Q. Tân Bình).
Theo ông Nguyễn Văn Mướng, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Q. Bình Thạnh, từ đầu năm tới giờ quận chưa tổ chức đợt diệt chuột nào, thường thì Trung tâm giao cho y tế dự phòng các phường theo dõi và báo cáo tình hình chuột lên Trung tâm, hoặc đợi thành phố mở chiến dịch thì sẽ thuê công ty diệt chuột bên ngoài hỗ trợ.
Cũng theo nhân viên Trung tâm y tế dự phòng tại đây cho biết, thường xuyên tiếp nhận những ca tới tiêm phòng do bị chuột cắn nhưng vì Trung tâm không có vắc-xin nên đành nói người dân lên Viện Pasteur để tiêm ngừa bệnh Hantavirus.
Trung tâm Kiểm soát côn trùng và động vật gây hại ở TP.HCM cho biết, mỗi tháng trung tâm diệt được 500-700 con chuột, riêng mùa mưa thì cao hơn, diệt theo định kỳ 1-3 tháng các khu công nghiệp hay khu cao ốc văn phòng lại thuê trung tâm diệt một lần.
Bác sĩ Nguyễn Thị Cẩm Hường, Khoa nhiễm D Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM cho biết: “Triệu chứng của những ca do Hantavirus gây ra là sốt tương tự như sốt siêu vi, có thể gây xuất huyết ngoài da như sốt xuất huyết nhưng bệnh nhân có dấu hiệu suy thận”.
Bác sĩ Hường còn cho biết thêm bệnh nhân bị chuột cắn sẽ có triệu chứng đầu tiên là nhức đầu, đau lưng, đau bụng, sốt cao, lạnh run và nôn ói. Cũng có tình trạng mặt ửng đỏ, viêm đỏ kết mạc mắt, phát ban ngoài da.
Sau đó bệnh nhân có thể bị hạ huyết áp, sốt, thoát huyết tương đồng thời xuất hiện suy thận cấp. Bị suy thận cấp có thể tự phục hồi. Bệnh viện sẽ chịu trách nhiệm theo dõi các biến chứng cho bệnh nhân để bệnh nhân có thể phục hồi sau 2 tuần.
Theo thống kê của Phòng Kế hoạch tổng hợp BV Nhiệt đới TP.HCM, trong năm 2013 có tổng cộng 3 ca nhập viện do chuột cắn, trong đó có 2 ca rơi vào tháng 5 và một ca vào tháng 10. Riêng tính từ đầu năm 2014 đến nay, BV đã tiếp nhận 2 ca nhập viện với cùng nguyên nhân trên.
“Trên thực tế thì những ca chuột cắn sau khi khám đều được chúng tôi chuyển qua Viện Pasteur tiêm ngừa và theo dõi, tuy nhiên người dân dễ bị nhiễm Hantavirus khi tiếp xúc với nước tiểu hay phân của chuột, bị nhiễm bệnh khi hít vào đường hô hấp hoặc do tiếp xúc với vùng da bị tổn thương, vào niêm mạc mắt, mũi, miệng hay thường xuyên nhất là bị chuột cắn”, bác sĩ Hường cho biết.
Người dân ở khu vực đường Trần Văn Đang (P.9, Q.3, TP.HCM, gần Ga Sài Gòn) vẫn còn nhớ trường hợp ông N.V.T. (55 tuổi, ngụ tại Trần Văn Đang, P.9, Q.3) phải nhập viện tại BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM vì trước đó bị chuột cống cắn vào ngón chân mà không đi chích ngừa. Tại bệnh viện, sau khi xét nghiệm, các bác sĩ cho biết ông T. dương tính với virus Hanta (virus này có khả năng gây suy gan, suy thận cấp khiến bệnh nhân tử vong). |
Theo Datviet