TS Đoàn Ngọc Khôi, Phó giám đốc Bảo tàng Quảng Ngãi, cho biết chiều 27/6, đoàn công tác của Bảo tàng về thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu (huyện Bình Sơn) đã kiểm tra, tạm giữ 15 mẫu cổ vật do ngư dân vừa trục vớt trái phép.
Cổ vật này gồm vò, dĩa, tô men ngọc, men nâu... nằm cách con tàu chìm chứa "kho cổ vật" 700 tuổi (từng được khai quật năm 2013) vài chục mét về phía Nam.
TS Đoàn Ngọc Khôi, Phó giám đốc Bảo tàng Quảng Ngãi giám định niên đại các mẫu cổ vật do ngư dân xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, vừa phát hiện. Ảnh:Trí Tín.
"Điều đáng mừng là số cổ vật này có niên đại 800 tuổi (từ thế kỷ 12), sớm hơn cả con tàu chứa cổ vật được khai quật năm ngoái. Nhiều mẫu cổ vật có trang trí hình cúc dây vẽ chìm, hoa văn kỷ hà, sóng nước, kỹ thuật tráng men dày, dưới đáy dĩa tô son nâu... tập hợp loại hình hoa văn mới lạ mà tàu chứa cổ vật 700 tuổi chưa từng có", TS Khôi nhận định.
Theo ông Khôi, nhiều khả năng có thêm tàu chở cổ vật chìm bên cạnh "kho cổ vật 700 tuổi" nên tỉnh cần có phương án thăm dò, khảo sát, bảo vệ hiện trạng tàu chứa cổ vật tránh gây thất thoát.
Hoa văn cúc dây ám họa lạ mắt trong lòng dĩa men ngọc vừa tìm thấy. Ảnh: Trí Tín.
Hiện Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi đang trình phương án thăm dò, khảo sát cổ vật trên diện rộng vùng biển Bình Châu nhằm phục vụ nghiên cứu, bảo tồn kết hợp với du lịch lặn biển.
Trước đó, tháng 6/2013, Tỉnh Quảng Ngãi đã khai quật, thu thập khoảng 5.000 cổ vật từ con tàu ở vùng biển thôn Châu Thuận Biển. Các chuyên gia khảo cổ xác định số cổ vật trên con tàu này 700 tuổi, có niên đại thế kỷ 13, hiếm hoi trên thế giới.
Theo ngư dân địa phương, họ đã phát hiện ít nhất 7 con tàu chứa cổ vật, khoáng sản chìm ở vùng biển Bình Châu, Bình Trị chứ không dừng lại số 3 con tàu được cơ quan chức năng khảo sát, khai quật công khai từ năm 1999 đến nay.
Hoa văn hình nốt nhạc, sóng nước chạm khắc tinh xảo trong lòng mảnh vỡ tô men ngọc được cho là cổ vật 800 năm tuổi. Ảnh: Trí Tín.
TS Khôi phân tích, việc ngư dân liên tục phát hiện nhiều con tàu cổ chìm ở Bình Châu có thể xem vùng biển này là "nghĩa địa tàu cổ". Các đoàn tàu của thương gia phương Bắc trên đường hành trình về phương Nam, mỗi khi gặp gió bão thường ghé vào eo biển Vũng Tàu neo đậu, trao đổi mua bán, tiếp tế lương thực, nước ngọt…
Còn TS Nguyễn Đình Chiến, Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam cho rằng, vùng biển này có thể là nơi tập kết giao thương hàng hóa sầm uất thời xa xưa. Lúc đó các thương lái miền xuôi thường mang đến vải vóc tơ lụa, đồ gốm sứ… rồi sau đó bán buôn, trao đổi để lấy những món hàng khác từ vùng núi chuyển xuống.
Theo NDT