Ông Philip Goldberg, đại sứ Mỹ tại Philippines. Ảnh: Philstar. |
"Trên bản đồ "đường 10 đoạn", "các yếu tố cơ bản giống như trong 'đường 9 đoạn', không căn cứ theo luật pháp quốc tế để quyết định những vấn đề này. Nó là thứ gì đó mà Trung Quốc tạo ra từ những lý do lịch sử của họ, nhưng chúng tôi không nhìn thấy căn cứ gì trong đó", Inter Aksyon dẫn lời ông Philip Goldberg, đại sứ Mỹ tại Philippines, hôm qua phát biểu trước Hiệp hội Hiến pháp Philippines ở thành phố Makati..
Theo Goldberg, Philippines đúng khi tìm kiếm cách giải quyết thông qua con đường ngoại giao và đưa ra tòa án thích hợp.
"Chúng tôi tin rằng con đường để giải quyết vấn đề này là thông qua tòa trọng tài, Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), tuân thủ Tuyên bố ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), đàm phán trực tiếp giữa các bên, không đe dọa mà nên thảo luận hợp pháp giống như thỏa thuận giữa Philippines và Indonesia về vùng đặc quyền kinh tế", ông Goldberg nói.
Đại sứ Mỹ còn nhận định việc tạo đảo nhân tạo không được quy định trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển và những nỗ lực của một quốc gia xâm phạm vùng biển hợp pháp của nước khác nên được nêu lên như một sự quan ngại.
Philippines những năm gần đây nhiều lần phản đổi việc Trung Quốc tăng cường sự hiện diện quân sự và dân sự ở một số khu vực trên Biển Đông. Manila trong tháng 6 tố cáo và phản đối việc Trung Quốc đang thay đổi hiện trạng các bãi đá ở Trường sa, quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam.
"Mục đích cuối cùng trong trò chơi của Trung Quốc là phải thực tế có được, dù không hợp pháp, quyền kiểm soát các vùng biển lân cận, Tây Thái Bình Dương", ông Richard Javad Heydarian, giảng viên khoa học chính trị tại Đại học Ateneo de Manila, nhận định trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg. "Câu hỏi duy nhất là làm thế nào để đạt được nó. Trung Quốc có thể sẽ xem xét các biện pháp có tính ép buộc hơn để tăng cường đối phó với các quốc gia liên quan".
Biển Đông có những tuyến hàng hải quan trọng và được cho là có trữ lượng dầu khí lớn. Các nhóm đảo thuộc khu vực này được nhiều nước tuyên bố chủ quyền một phần hoặc toàn bộ, trong đó có Việt Nam, Malaysia, Brunei, Philippines và Trung Quốc.
Theo VnExpress