Chết cái tên Dũng khùng
Người đàn ông trung niên với mũ cói, dép lê, áo phông lùi xùi; bàn tay thô ráp, chân lấm lem bùn đất, râu tóc lấm chấm bạc… rời đường hầm lộ thiên đang thi công dang dở, tiến lại chỗ chúng tôi.
“Đây là anh Trịnh Bá Dũng, chủ nhân Đường hầm điêu khắc”, cô nhân viên giới thiệu. “Chẳng còn chút bóng dáng hào hoa nào của du học sinh châu Âu ngày trước hay dáng vẻ sang trọng, lịch lãm của doanh nhân” - tôi thầm nghĩ khi so sánh người đang đứng trước mặt với những gì được biết về anh.
Hầm dài khoảng 1,2km và chúng tôi loanh quanh trong đó nhiều tiếng đồng hồ, đi từ đầu đến cuối đường rồi lộn ngược trở lại, ngắm nghía hàng trăm tác phẩm tinh xảo, sống động mà nhiều nhà điêu khắc đã kỳ công tạo tác hai bên vách.
Trước sự hào hứng, thích thú của khách, Bá Dũng cởi mở: "Sinh ra ở Thanh Hóa, lập nghiệp tại TP.HCM nhưng mình lại có duyên nợ với Đà Lạt. Hai mươi mấy năm trước, khi còn là sinh viên, mình đã chạy xe máy cùng nhóm bạn lên Đà Lạt chơi và rất ấn tượng với cảnh quan, khí hậu cùng những công trình kiến trúc cổ.
Ba năm du học ngành kinh tế ở Đức và hàng chục năm làm việc tại TP.HCM, mình có cơ hội đến nhiều nước, chiêm ngưỡng nhiều công trình kiến trúc tiêu biểu của thế giới.
Năm 2007, mình cùng mấy người bạn từ TP.HCM lên Đà Lạt thuê 15 ha đất tại nhánh phía Đông hồ Tuyền Lâm với dự định xây dựng 100 biệt thự làm dịch vụ nghỉ dưỡng. Mấy năm trôi qua, dự án vẫn chưa thể triển khai vì không có điện, nước, đường vào. Mùa mưa, lái ô tô vào khu đất rất khó khăn, dễ bị mắc lầy, có lần suýt xảy ra tai nạn, phải gọi xe chuyên dụng vào cứu hộ".
Một góc đường hầm điêu khắc lộ thiên. |
Đã thế, qua tìm hiểu, các cổ đông vỡ lẽ có quá nhiều dự án xây biệt thự, khách sạn ở Tuyền Lâm; muốn làm ăn hiệu quả thì phải thay đổi hạng mục đầu tư. Đa số cổ đông nản lòng xin rút; gia đình, bạn bè cũng khuyên bỏ dự án, thế nhưng Dũng không những không nghe mà còn mua lại toàn bộ cổ phần của họ. Chữ khùng gắn với tên anh từ đó.
Thử nghiệm ý tưởng chẳng giống ai
Để tìm ý tưởng mới cho khu du lịch, Dũng khùng lang thang ở các quốc gia có khí hậu và cảnh quan tương đồng với Đà Lạt. Có lúc định mang mô hình vườn hoa từ Hà Lan về nhưng rồi lại thôi vì khao khát làm cái gì đó độc đáo, không trùng lặp.
Đang lúc bế tắc, một người bạn tâm hồn lãng mạn từ TP.HCM lên chơi, khi đi dạo trong Tuyền Lâm, chợt thốt lên: “Làm nhà bằng loại đất bazan tươi rói này chắc là đẹp lắm!”. Câu nói vu vơ ấy khiến Dũng khùng bừng tỉnh.
Ngôi nhà có bản đồ Việt Nam cùng các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trên mái nhà đạt kỷ lục Guinness Việt Nam. |
Anh lập tức tìm kiếm, thu thập thông tin từ các nhà khoa học và qua sách vở, internet về việc cứng hóa đất. Suốt một năm ròng ăn ngủ vạ vật, dồn hết tâm trí mày mò nghiên cứu, Dũng khùng đã có công thức nén vữa đất (cùng một số phụ gia) thành một loại vật liệu không cần nung nhưng có độ rắn chẳng thua gì gạch nung, trong khi chi phí lại thấp hơn 4 - 5 lần. Anh dùng loại vật liệu tự tạo này xây hai ngôi nhà xinh xắn, ngay cả cột, kèo và mái đều làm bằng đất.
Các tác phẩm nghệ thuật trang trí nội thất và vật dụng sinh hoạt trong nhà như giường, tủ, bàn, ghế, lò sưởi, ấm nấu nước, chậu rửa mặt… cũng từ đất mà ra và đang sử dụng tốt.
Trên mái nhà đỏ au màu đất, Dũng khùng cho khắc nổi bản đồ Việt Nam với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. “Sao lại đưa bản đồ lên mái nhà?”, tôi hỏi. “Trong mỗi ngôi nhà, bàn thờ tổ tiên bao giờ cũng đặt ở gian trên cùng và trang trọng nhất. Trong lòng mỗi người dân Việt, Tổ quốc là thiêng liêng hơn cả, vậy phải thờ Tổ quốc trên mái nhà chứ” - Dũng đáp.
Công trình này đã được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác nhận kỷ lục: Ngôi nhà đất đỏ bazan không nung đầu tiên mang phong cách độc đáo nhất với mái đắp nổi hình bản đồ Việt Nam có diện tích lớn nhất.
Đưa thành phố xuống đường hầm lộ thiên
Nhận thấy việc điêu khắc bằng tay mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền của, Dũng khùng chuyển sang nghiên cứu cách làm cứng đất thật nhanh với số lượng lớn để ứng dụng vào công nghiệp điêu khắc - một việc còn quá mới mẻ ở Việt Nam.
Anh Trịnh Bá Dũng. |
Sau hai năm khổ công thử nghiệm, anh tạo ra hợp chất bằng vữa đất, bột đá và hóa chất dùng để khóa cứng các khối đất không nung, vừa đảm bảo độ bền vừa giữ được màu đất đỏ bazan tươi rói trước những tác động, biến đổi khôn lường của thời tiết. Đồng thời, anh đặt hàng thiết kế biến xe múc thành robot với các tay cầm gắn những thiết bị như dao, đục…
Đưa chúng tôi đến trước tác phẩm điêu khắc mô phỏng trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt (một trong 1.000 công trình kiến trúc độc đáo nhất thế kỷ XX do Hội Kiến trúc sư thế giới bình chọn), Dũng khùng kể: "Mình và nghệ nhân trình bày ý tưởng để họa sĩ, lập trình viên thiết kế trên máy tính những hình khối sẽ tạo dưới lòng đất rồi cho robot khoét đồi, khoan cắt khối đất thô thật lớn. Sau đó, dùng xe cần cẩu (chứ không bắc giàn giáo vì tốn kém và mất thời gian) đưa nghệ nhân đến những vị trí thích hợp để dùng sơn đánh dấu những chỗ cần đẽo gọt. Robot cắt, khoét theo những dấu sơn này tạo ra phôi để nghệ nhân trau chuốt hoàn chỉnh tác phẩm".
Kế đến là công đoạn khóa cứng đất: khuấy đều đất, hóa chất và một ít bột đá trong nước rồi đắp lên bề mặt công trình điêu khắc. Sau một đêm, lớp đất này khô cứng và chắc không kém bê tông. Độ hở của loại vật liệu tự tạo này lớn hơn bê tông khiến nước dễ dàng thoát ra ngoài nên việc sạt lở rất khó xảy ra. Nhờ công nghệ mới, Đường hầm điêu khắc lộ thiên được hoàn thành trong vòng 3 năm, trong khi nếu theo phương thức chế tác truyền thống và dùng nguyên liệu đá, đất nung thì phải mất khoảng 20 năm.
Cũng với bột đất và một số dung dịch, Dũng khùng dày công nghiên cứu tạo ra loại sơn mới để làm đẹp và tăng độ bền công trình đồ sộ của mình thay vì dùng sơn nước hoặc sơn dầu đắt tiền. Loại sơn này khiến cho đất không nung có màu tự nhiên (từ vàng sáng, xanh lơ, đỏ tươi đến những gam màu trầm như xanh xậm, đỏ nâu) và rất khó phai. Anh đã thử dùng đèn khò 1.000 độ C dí thẳng vào lớp sơn trên tác phẩm đến đỏ rực, sau đó dùng nước giội vào làm nguội nhưng sơn không hề bong tróc, đổi màu.
Không chỉ đột phá về chất liệu, công trình còn chuyển tải ý tưởng độc đáo: Thu nhỏ TP Đà Lạt 120 năm hình thành và phát triển với những đặc thù về kiến trúc, cảnh quan, văn hóa... trong đường hầm lộ thiên. Mảng khối điêu khắc đầu tiên tái hiện Đà Lạt thuở sơ khai: Cánh rừng nguyên sinh với nhiều cây cổ thụ và những chú voi to lớn sừng sững, những rừng thông thuần chủng xanh ngắt điểm xuyết những đóa lan rừng tuyệt đẹp, từng đàn hươu nai nhởn nhơ gặm cỏ non ven dòng suối trong vắt uốn lượn mềm mại dưới chân núi.
Kế đến là bản làng của người K’Ho - chủ nhân đầu tiên của vùng đất này - với không gian sống dân dã (những ngôi nhà sàn xinh xắn ở lưng chừng đồi bên rẫy bắp, vườn chuối, thác nước hùng vĩ tung bọt trắng xóa) nhưng mỗi dịp lễ hội lại vô cùng tưng bừng, náo nhiệt với nghi thức đâm trâu, thổi tù và, biểu diễn cồng chiêng, thết đãi rượu cần. Một số truyền thuyết, huyền thoại, truyện ngụ ngôn được kể lại bằng những tác phẩm điêu khắc sống động.
Mảng khối thứ hai về phố núi mộng mơ hiện tại với những công trình kiến trúc tiêu biểu, độc đáo nhất Đà Lạt như khu biệt thự cổ kiến trúc Pháp, nhà thờ Đô Men, ga xe lửa Đà Lạt, Trường Cao đẳng Sư phạm... Những phương tiện giao thông cổ làm nên hồn cốt của phố núi và hiện vẫn còn đưa vào phục vụ du lịch như xe hơi cổ, vespa cổ, xe thổ mộ, đầu máy xe lửa hơi nước.
Theo Tiền Phong