Bộ trưởng Thăng và chuyện phía sau những tin nhắn bom tấn

Thứ tư, 25/06/2014, 13:49
Sự kiện chị Phạm Thị Mười - một thư ký bán vé ga Nam Định nhắn tin thử Bộ trưởng Thăng, một lần nữa đã cho thấy những điều hết sức thú vị phía sau tin nhắn.

Vì muốn biết vị tư lệnh ngành có giải quyết những thắc mắc của hành khách hay không, chị Mười đã gửi Bộ trưởng Thăng tin nhắn: "Tôi đến ga Nam Định để mua vé tàu từ Nam Định đi Quảng Ngãi, nhưng nhân viên tại đây ép tôi mua vé Nam Định đi Nha Trang. Làm việc với thái độ hách dịch như thế thử hỏi ngành đường sắt đã thay đổi được gì với "4 xin" và "4 luôn" thưa Bộ trưởng"?.

Phép thử dại dột này của chị, đang được tạm đổi bằng việc đình chỉ công tác.

Có vẻ chị đã thử không đúng người.

Chọn cách thử đơn giản nhất – gửi một tin nhắn – nhưng chị Mười lại không biết rằng, từ lâu, Bộ trưởng Thăng đã biết nắm lấy “những cơ hội nhỏ nhất” để chứng minh sự quyết liệt, hiệu quả điều hành và cả hình ảnh của mình.

Chỉ với một dòng tin nhắn ngắn ngủi từ nước Nhật: “Cảm ơn em, anh sẽ cho anh em nghiên cứu để làm sớm một cây cầu treo”, Bộ trưởng Thăng đã hóa giải mọi bức bối của xã hội trước cảnh cô giáo phải chui túi nilon qua suối đi dạy học ở Điện Biên.

Một nhân viên ga Hà Nội cũng đã lĩnh án kỷ luật rất nhanh sau vài dòng ký tự trên điện thoại. Bức xúc vì bị nhân viên này bắt đi đổi tiền lẻ khi mua vé, một hành khách đã gửi tin nhắn đến người đứng đầu ngành Giao thông. Vị “tư lệnh” chỉ cần chuyển tiếp tin nhắn này đến máy ông Chủ tịch đường sắt, thế là mệnh lệnh được thực thi.

Việc nhắn tin và nhận tin nhắn dường như rất quen thuộc với ông Thăng. Trên diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Thăng đã có lần cho biết: "Nhiều người nhắn tin cho tôi rằng, sẵn sàng nộp phí nếu phí bảo trì dành để đầu tư sửa chữa đường minh bạch, hiệu quả".

Không biết có ai nhắn tin cho ông về sự chậm trễ của dự án Quốc lộ 3 mới hay không, nhưng ông Thăng lại vừa có một quyết định “nhanh như một tin nhắn”: Sẽ cách chức ông Lưu Việt Khoa – PGĐ Ban quản lý dự án 2, nếu cuối tháng 7 ông này không đôn đốc hoàn thiện các hạng mục còn lại.

11 năm trước, ông Nguyễn Bá Thanh, khi còn làm Bí thư Đà Nẵng đã tự công khai số điện thoại của mình (0903500205) cùng với lời nhắn: "Ai phát hiện ở đâu có những cán bộ, công chức vô lễ với dân, sách nhiễu dân thì cứ gọi tôi".

11 năm sau, người kế nhiệm ông là Bí thư Thành uỷ Trần Thọ cũng công khai số điện thoại của mình cùng lời nhắn: "Gặp cán bộ nhũng nhiễu, hãy nhắn tin cho tôi. Cứ nhắn trung thực, chính xác, chúng tôi sẽ xử lý... Chúng ta sẽ hợp tác để phục vụ nhân dân tốt hơn".

Thời đại công nghệ thông tin đã giúp các nhà quản lý có “những vành tai khổng lồ” để nghe được cả những tiếng vọng, dù là yếu ớt nhất của mọi tầng lớp nhân dân, một cách nhanh chóng và chân thực.

Nhưng với không ít người, việc nghe tiếng kêu của dân khó vào hơn nhiều nghe tiếng sột soạt của đô la, tiếng mở nắp rượu ngoại, tiếng xưng tụng của thuộc cấp. Chính vì vậy, ai cũng có điện thoại, nhưng không phải ai cũng cho phép chiếc điện thoại ấy được liền mạch với nhân dân.

Có người nói: Thời gian gần đây, Bộ trưởng Thăng làm hình ảnh chuyên nghiệp hơn nhiều, ông biết cách biến mỗi tin nhắn trở thành bom tấn truyền thông. Điều đó đúng, nhưng chưa đủ.

Giống Bộ trưởng Thăng, ông Nguyễn Bá Thanh, ông Trần Thọ… cũng đều là người biết làm hình ảnh. Nhưng có thể nói đó là những hình ảnh đáng tin cậy vì nó được xây trên nền của hành động, của sự quyết liệt đương đầu với tiêu cực và của hiệu quả.

Việt Nam hiện có trên dưới 136 triệu thuê bao điện thoại di dộng. Theo các nghiên cứu, hoạt động ưa thích nhất của chủ thuê bao là nhắn tin.

Có bao nhiêu người trong tổng số 136 triệu thuê bao kia biết được số điện thoại của các nhân vật quan trọng? Bao nhiêu người dám nhắn tin bày tỏ bức xúc đến các VIP? Và quan trọng hơn: Bao nhiêu tin nhắn được hồi âm?

Theo bạn thì là bao nhiêu? 1%, 5%, 10%?

Theo Trí thức trẻ

Các tin cũ hơn