Bẫy biển báo mọc nhan nhản trên đường

Thứ ba, 24/06/2014, 15:48
Đầu đường cắm biển quy định tải trọng cao nhưng giữa đường lại xuất hiện những cây cầu tải trọng hạ đột ngột, cánh tài xế chỉ còn cách de xe hoặc chấp nhận chạy qua và chịu phạt.

Tại cầu Mỹ Phú ở xã An Hiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên có biển tải trọng 25 tấn nhưng hằng ngày, nhiều xe trọng tải gần 100 tấn vẫn chạy ầm ầm qua đây. “Hồi trước, ban đêm chúng tôi hay ra cầu hóng mát nhưng giờ chẳng dám nữa. Mỗi khi xe chở nặng chạy qua, cây cầu rung lên bần bật, không biết sập lúc nào” - ông Lê Văn Sang (47 tuổi), một người dân sống gần cầu, kể.

Cầu - đường lệch pha

Ở các tỉnh ĐBSCL, tình trạng biển báo tải trọng “bẫy” lái xe tồn tại lâu nay. Tại tỉnh Vĩnh Long, nhiều đường liên xã, liên huyện cắm biển báo tải trọng cao ở đầu đường nhưng giữa đường lại xuất hiện những cây cầu với biển báo tải trọng giảm đột ngột. Điều đáng nói, những đường này đều không có chỗ để quay đầu xe. Các bác tài hoặc chịu khó de xe tháo lui từng chút hoặc liều cho xe qua cầu, lỡ bị cảnh sát giao thông phạt thì đành chịu.

Đoạn đường Tân Hạnh ở xã Tân Hạnh, huyện Long Hồ, dài khoảng 1km, là đường tắt để rẽ từ Quốc lộ (QL) 53 qua QL1A. Ở 2 đầu giao nhau với QL53 và QL1A của đoạn đường đều cắm biển báo tải trọng 10 tấn nhưng 2 cây cầu Tân Hạnh và Xẻo Lá nằm trên đường lại báo tải trọng 5 tấn.

Tương tự, đường Phước Ngươn A ở huyện Long Hồ cho phép xe có tải trọng 5 tấn lưu thông nhưng cầu Phước Ngươn A chỉ cho phép xe có tải trọng từ 3,5 tấn. Tài xế nào lỡ cho xe trọng tải trên 3,5 tấn qua đây, đến cầu Phước Ngươn A không thể tháo lui vì không có chỗ quay đầu xe.

Tài xế Lê Hoàng Cường thường chạy xe trọng tải 5 tấn qua đây chia sẻ: “Biết là bẫy nhưng vẫn phải chạy vì người thuê bảo đường cho phép xe có tải trọng 5 tấn nên không đồng ý thuê xe có tải trọng thấp hơn. Làm vậy hàng hóa phải tốn 2 lần chở mới hết”.

Cầu Suối Linh nằm trên Quốc lộ 1 (tỉnh Đồng Nai) ghi tải trọng giới hạn 22 tấn trong khi tải trọng mặt đường theo quy định chịu lực 30 tấn.
Cầu Suối Linh nằm trên Quốc lộ 1 (tỉnh Đồng Nai) ghi tải trọng giới hạn 22 tấn trong khi tải trọng mặt đường theo quy định chịu lực 30 tấn.

Các tuyến đường ở TP Cần Thơ cũng nằm trong tình trạng tương tự. Điển hình, đầu lộ tẻ Ba Se (quận Ô Môn) cắm biển báo tải trọng tối đa 13 tấn nhưng cầu Giáo Dẫn trên đường này lại chỉ cho phép xe có tải trọng 5 tấn. Dù vậy, từ sáng tới chiều, xe chở hàng trên 5 tấn, thậm chí trên 10 tấn, vẫn cứ lưu thông ầm ầm qua cầu.

Trên Tỉnh lộ 767, tỉnh Đồng Nai, đoạn đường từ thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu) đến QL1 (huyện Trảng Bom), dài khoảng 20km với hàng loạt cây cầu có tải trọng khác nhau. Ngay tại thị trấn Vĩnh An, cầu Vĩnh An được ghi tải trọng 12 tấn, đi tiếp 3km sẽ gặp cầu Bản và 3 cây cầu khác có tải trọng 30 tấn.

Từ điểm giao nhau giữa Tỉnh lộ 767 với QL1 (huyện Trảng Bom) hướng về TP.HCM và TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đến cầu Đồng Nai (tải trọng trên 30 tấn) dài chỉ khoảng 15km. Đoạn đường này có cầu Suối Linh với tải trọng 25 tấn và cầu Hang nằm gần đó lại có tải trọng 22 tấn.

Chủ một doanh nghiệp vận tải ở Đồng Nai cho biết nếu doanh nghiệp có nhu cầu và đủ khả năng sử dụng các loại xe tải trọng từ 40-60 tấn để vận chuyển hàng cũng không được đáp ứng. Vì vậy, doanh nghiệp phải tính toán kỹ và chấp nhận chịu thiệt khi chỉ hoạt động trên những tuyến cố định và phụ thuộc hoàn toàn vào tình trạng “trồi sụt” của các con đường, cây cầu.

“Có nơi, cả tuyến đường đáp ứng được đối với xe có tải trọng lớn nhưng chỉ vì một cây cầu lại khiến tất cả tắc nghẽn. Gặp trường hợp đó, chúng tôi phải hạ tải và dùng nhiều loại phương tiện để chuyên chở hàng cho từng đoạn. Khó khăn vô cùng!” - vị này lắc đầu ngao ngán.

Khó xử lý!

Tỉnh Bình Định có 3 tuyến QL gồm QL1A, QL19 và QL1D với tổng chiều dài 200km. Trong đó, QL1A nối liền 2 miền Bắc - Nam; QL19 nối các tỉnh Tây Nguyên và cảng Quy Nhơn trên hành lang vận tải Đông - Tây nối liền với các nước Lào, Campuchia và Thái Lan. Vì vậy, mỗi ngày có hàng chục ngàn lượt xe đi qua địa bàn. Rất nhiều xe tải chở hàng nặng với tổng trọng lượng cả xe và hàng lên đến 40-50 tấn nối đuối nhau trên đường, nhất là tuyến đi về cảng biển Quy Nhơn.

Trong khi đó, phần lớn cây cầu trên các tuyến QL đều cắm biển tải trọng cho phép 30 tấn. “Theo tiêu chuẩn chung của quốc tế, một container được chứa tối đa 33 tấn hàng. Nếu cộng với xác xe và vỏ container (từ 15-18 tấn), mỗi xe container chở hàng có tổng trọng tải khoảng 40-50 tấn. Với hệ thống biển báo về tải trọng cầu ở Bình Định, phần lớn các xe container chở hàng đều phạm luật” - ông Nguyễn Văn Tân, chủ một doanh nghiệp vận tải ở TP Quy Nhơn, nói.

Theo một thanh tra giao thông tỉnh Bình Định, với hệ thống biển báo tải trọng cầu đường trên các tuyến QL thì tất cả xe tải có từ 4 trục (tải trọng được phép lưu thông trên đường bộ là 34 tấn) trở lên đều vi phạm tải trọng cầu dù phương tiện vận tải hàng hóa đúng trọng lượng thiết kế cho phép. “Hệ thống biển báo tải trọng cầu trên các tuyến QL bất cập khiến nhiều phương tiện vi phạm. Bởi vậy, khi phát hiện phương tiện mắc lỗi vi phạm, các cơ quan chức năng rất ít khi xử lý” - vị này phân tích.

Ông Lê Quang Bình, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Đồng Nai, nhìn nhận thực tế trên do sự chênh lệch giữa các cầu đường cũ và mới. “Tỉnh đang rà soát để điều chỉnh lại hợp lý. Trước mắt, với những bất cập trong tình hình chung thì doanh nghiệp buộc phải chấp nhận và chấp hành theo quy định…” - ông Bình nói.

Tại Khánh Hòa, Sở GTVT tỉnh này cho biết: Nhiều tỉnh lộ chưa có sự đồng bộ giữa đường và cầu. Cụ thể, trên Tỉnh lộ 3, đường có tải trọng 30 tấn nhưng nhiều cầu yếu chỉ đạt 10-15 tấn. Sở đã cắm biển hạn chế trọng tải để đề phòng sự cố đồng thời tổ chức kiểm tra, rà soát lại tình trạng kỹ thuật hệ thống cầu yếu đang cắm biển hạn chế tải trọng, chỉ đạo thanh tra giao thông các cấp tăng cường kiểm tra, xử lý các xe cố tình vượt cầu.

Kiểm định thực tải các cây cầu

Theo ông Nguyễn Đức Hùng, Giám đốc Công ty CP Quản lý và Xây dựng đường bộ Phú Yên, đối với những cây cầu mới xây dựng theo tiêu chuẩn Việt Nam thì không hạn chế tải trọng, chỉ hạn chế tải trọng đối với những cây cầu xây dựng trước năm 1975. Hiện ở tỉnh Phú Yên còn 7 cây cầu được xây dựng trước năm 1975.

“Tất nhiên xe quá tải sẽ ảnh hưởng đến cây cầu nhưng ảnh hưởng đến mức độ nào, có nguy hiểm hay không rất khó xác định vì thực trạng cây cầu ấy chịu được tải trọng bao nhiêu thì tôi cũng chịu, phải có sự kiểm định của các nhà chuyên môn” - ông Hùng nói.

Ông Hùng cho biết do không có hồ sơ thiết kế, hồ sơ hoàn công những cây cầu xây dựng trước năm 1975 nên rất khó xác định được tải trọng cho phép theo thiết kế, chỉ có thể kiểm định mới xác định sức chịu tải tối đa của các cây cầu.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ kiểm định lại toàn bộ các cây cầu này để xác định thực tải trọng chịu đựng của các cây cầu. Có những cây cầu dù có thiết kế nhưng sau thời gian dài sử dụng và sửa chữa, một số hạng mục không còn bảo đảm đúng như thiết kế; trong khi đó, việc cắm biển hạn chế tải trọng đã được thực hiện hàng chục năm nay, giờ không còn phù hợp.

Theo Zing

Các tin cũ hơn