Vị sư trụ trì một ngôi chùa hoang tàn, đổ nát, theo giấc mơ lạ tìm thấy hộp vàng ròng thời Trần đã hé lộ câu chuyện về những kho báu thời Trần mà người dân vùng An Sinh (Đông Triều, Quảng Ninh) vẫn kể từ nhiều năm nay.
Câu chuyện bí ẩn về một toán người Tàu đến An Sinh dựng trại, lập làng, đào bới mồ mả ăn cắp kho báu, rồi cất giữ và trấn yểm kho báu ở vùng Trại Lốc lại thêm một lần nữa được xới lại.
PV đã về vùng đất An Sinh, nơi có lăng mộ 8 vị vua Trần, đều đã bị đào bới, phá nát nghiêm trọng, do những kẻ săn lùng kho báu, để đi tìm dấu tích và những lời đồn bí ẩn về kho báu ở vùng đất các lăng mộ Trần.
Nhóm người Tàu bí ẩn
Mặc dù câu chuyện vị sư trụ trì một ngôi chùa ở vùng An Sinh nhặt được chiếc hộp bằng vàng ròng diễn ra từ năm kia, song câu chuyện ấy vẫn rất thời sự ở vùng đất các vua Trần.
Ngôi chùa có tên Trung Tiết, hay còn gọi là chùa Tuyết theo tiếng địa phương, vốn là một di tích đổ nát, bị lãng quên, nay bỗng nổi tiếng. Khắp vùng Đông Triều (Quảng Ninh), nhắc đến ngôi chùa này, ai cũng biết, là bởi vị sư trụ trì của ngôi chùa, sư thầy Thích Quảng Hiển, là người nhặt được báu vật, đó là chiếc hộp vàng ròng có niên đại thời Trần.
Đền Trần |
Đền Trần, nơi thờ các vị vua Trần nổi tiếng nước Việt, được xây dựng khang trang, lúc nào cũng nườm nượp du khách. Trong đền trưng bày vô số cổ vật quý giá. Những đống di vật thời Trần, có thể nói xếp như đống rơm, đống rạ sau căn phòng trưng bày.
Cả một khoảnh sân rộng, như sân bóng mini xếp các cột trụ, rùa đá cõng bia mà các nhà khảo cổ đào bới được trong quá trình khai quật các di tích, đền chùa miếu mạo, mồ mả ở vùng đất An Sinh.
Trong nhà trưng bày, những đầu rồng, đầu phượng, đầu sấu nằm ngổn ngang. Trong những chiếc tủ kính kiên cố là những thứ đồ gốm thời Trần, những thứ vua chúa dùng ngày xưa, mà giá trị của chúng chỉ có thể dùng hai từ, đó là vô giá.
Ấy thế nhưng, ai đến ngôi đền này, cũng đều dò hỏi, xem chiếc hộp vàng ròng được trưng bày ở đâu, cất giữ ở đâu. Hiện ở trong đền, nơi nơi xuất hiện chiếc hộp vàng, nhưng chỉ là những tấm ảnh cỡ lớn.
Ông Ngô Xuân Thiện, 63 tuổi, thủ từ đền Trần nhiệt tình, năng nổ và hay chuyện. Thế nhưng, khi tôi hỏi đến chiếc hộp vàng, ông bỗng chột dạ, nhìn tôi với ánh mắt đầy nghi vấn. Rồi ông soi xét rất kỹ chiếc thẻ nhà báo.
Ông Ngô Xuân Thiện kể về những người Tàu thi thoảng vẫn xuất hiện ở địa phương |
Xem xong thẻ, ông mới bày tỏ: “Thú thật với nhà báo là tôi phải trả lời rất nhiều câu hỏi của những người lạ, về chiếc hộp vàng tìm được ở Trại Lốc. Rất nhiều người đến đây gặp tôi, chả thấy thăm thú, hương khói gì, mà nhăm nhăm hỏi về vàng bạc, kho báu, di tích ở An Sinh. Tính tôi vô tư, có gì nói thế, nhưng vì vô tư, nhiệt tình quá, mà tôi đã chỉ dẫn cho mấy tay săn đồ cổ về đây đào bới gớm lắm.
Mới đầu năm nay thôi, có mấy tay người Tàu tìm sang giới thiệu, bảo rằng ngày xưa sinh sống ở Trại Lốc. Mấy tay này hỏi nhiều về chiếc hộp vàng. Họ hỏi tỉ mỉ tìm được ở đâu, ngoài hộp vàng còn có di vật gì khác không. Tôi biết thế nào thì kể với họ như vậy. Ai dè, có thông tin do tôi cung cấp, toán 5 người này đã mang cuốc, thuổng, la bàn vào Trại Lốc chọc ngoáy, đào bới khắp nơi. Họ còn mang theo cả gia phả, bản đồ.
Thấy nhóm người Tàu đào bới hì hục, đi đi lại lại chỗ bìa rừng nhiều quá, dân làng sinh nghi nên báo công an. Đợt đó, có mấy công an về theo dõi nhóm người Tàu này. Không biết họ có tìm kiếm được gì không, nhưng thấy công an theo sát, nên họ bỏ đi mất. Sau vụ ấy, mấy chú công an có nhắc nhở tôi, phải lưu ý, phải giữ miệng với những người lạ đến hỏi về hộp vàng, về kho báu.
Hình ảnh hộp vàng treo ở đền trần |
Giấc mơ thấy báu vật
Trở lại câu chuyện về chiếc hộp vàng, được coi là bảo vật quốc gia. Người có cơ duyên tìm thấy hộp vàng nguyên chất ở Trại Lốc là nhà sư Thích Quảng Hiển, trụ trì chùa Trung Tiết, còn gọi là chùa Tuyết, nằm ở phía Đông đền Trần.
Chùa Trung Tiết có lẽ chỉ còn lại cái tên, bởi toàn bộ ngôi chùa đã bị tàn phá từ nhiều năm trước. Người dân dựng tạm mấy căn nhà ngói lúp xúp trên nền chùa cũ. Chỉ có thể nhận ra đây là một ngôi chùa qua nội dung văn tự trên tấm bia đá xanh thế kỷ 18, cùng vô số chân tảng ngổn ngang.
Trụ trì Thích Quảng Hiển tất tả chỉ đạo nhóm thợ thi công giếng chùa. Hiện công trình thời Trần đang được nhân dân, chính quyền tôn tạo, tu sửa một số hạng mục.
Theo nhà sư Thích Quảng Hiển, chùa Trung Tiết có từ thời Trần. Đại Việt sử ký toàn thư chép rõ: Sau khi vua Trần Anh Tông qua đời vào năm 1320, hai vị trung thần là Đặng Tảo và Lê Trung đã từ quan về Thái Lăng ở Yên Sinh (tên cũ của An Sinh) để trông nom, thờ phụng, sống cuộc đời thanh bạch.
Nhà Trần đã cho xây dựng ngôi chùa gần đó, để hai ông làm nơi tu tập. Hai ông đã đưa cả gia đình về sinh sống một cuộc đời không vương bụi trần. Sau này, vua Trần Nghệ Tông về An Sinh, để tưởng nhớ công ơn của hai vị trung thần tiền bối, đã cho tu sửa chùa và ban tên chùa là Trung Tiết tự.
Cổ vật quý trưng bày ở đền Trần |
Năm 2006, nhà sư Thích Quảng Hiển về chùa Trung Tiết làm trụ trì. Ông cũng nghe các cụ trong làng kể nhiều về kho báu quanh khu vực.
Vào năm 1984, mấy người Trung Quốc mang theo bản đồ, đã về chùa Trung Tiết và đào bới mấy ngày liền ở gốc sung 400 tuổi sau chùa. Người dân trong làng ra xem họ đào bới và mỗi người được họ cho vài chiếc bát cổ, đĩa cổ.
Một đêm, khi không có ai giám sát, đám người này bỏ đi mất. Người dân đến kiểm tra, thì thấy có nhiều đường hầm lộ ra dưới gốc sung. Ai cũng đồn rằng, họ đã tìm được kho báu và mang đi mất.
Sư thầy Thích Quảng Hiển bảo, từ ngày về chùa, ông có nhiều giấc mơ lạ. Hai thứ hiện diện trong giấc mơ của ông đã thành sự thật, là việc tìm thấy chiếc hộp vàng, và sự kiện xuất hiện hoa ưu đàm ở chùa vào tháng 6/2013.
Cổ vật bày ngoài sân ở đền Trần |
Sự việc hoa ưu đàm, thứ hoa được đồn đại 3.000 năm mới nở một lần xuất hiện ở chùa Trung Tiết vào dịp chuẩn bị tu sửa chùa, đào giếng ngọc, đã khiến cư dân trong vùng xôn xao.
Nhớ lại cơ duyên nhặt được chiếc hộp vàng, sư Thích Quảng Hiển vẫn còn bồi hồi xúc động. Ông kể: “Hồi mới về chùa, tôi thường xuyên gặp giấc mơ lạ. Trong mơ, một ông già râu tóc bạc phơ, một tay cầm gậy, một tay cầm túi vải có dây rút. Ông bảo tôi sẽ có cơ duyên nhặt được vàng để xây dựng, sửa sang chùa. Tôi còn bảo với cụ rằng, chùa nghèo quá, nếu mà nhặt được túi vàng thì tốt. Cụ già nhìn tôi cười, rồi biến mất.
Mấy lần tôi mơ thấy như thế, rồi tỉnh dậy, thấy mình vẫn nằm trong căn phòng cũ nát, thì lấy làm sự lạ. Tôi có kể chuyện này cho mấy người và bảo chắc là có điềm báo gì đây. Không ngờ, tôi đã nhặt được vàng thật, mà còn là cổ vật vô giá, sánh với bảo vật quốc gia. Vậy là giấc mơ đã được hóa giải.
Tôi còn có vài điềm báo nữa, nhưng tôi âm thầm chờ đợi. Lần này, tôi không kể điềm báo với ai, sợ mọi người bàn tán rồi mất thiêng”.
Theo VTC