Kỳ lạ chủ quán 25 năm thờ chữ “cơm”

Thứ bảy, 28/06/2014, 16:14
Hàng chục năm qua, lữ khách đi qua thị trấn Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ ghé vào quán cơm bình dân Thanh Thanh đều rất ngạc nhiên khi muốn gọi nhiều món mà bà chủ quán cũng không bán. Ngạc nhiên nữa là, mặc dù trong tủ có tới hơn 30 cuốn sổ nợ nhưng bà Thanh chưa một lần tìm đến con nợ để đòi tiền.

Gọi nhiều cũng không bán

Đã hàng chục năm qua, quán cơm bình dân Thanh Thanh của bà Lã Thị Thanh (SN 1949) nằm ở ngã 3, đoạn Quốc lộ 2 từ thị trấn Đoan Hùng đi Tuyên Quang không còn lạ với những người dân nơi đây và những vị khách thường qua đoạn đường này. Nó đặc biệt không phải ở món ngon, giá rẻ mà đặc biệt ở bà chủ quán tuổi lục tuần này.

Giữa trưa hè, cái nắng vùng Tây Bắc chói chang và bỏng rát, đến đầu huyện Đoan Hùng, hỏi người dân về một người phụ nữ tên Thanh, có quán cơm bình dân thì câu trả lời “bà Thanh bán cơm ở huyện này thì nhiều lắm”. Nhưng nếu hỏi “bà Thanh không cho khách ăn nhiều” thì ai cũng nhiệt tình chỉ tận nơi.

Tìm gặp bà chủ quán Lã Thị Thanh, bà ngạc nhiên khi những điều bình thường của mình lại được nhiều người biết đến. Với những vị khách quen, cái tên thật của bà ít khi được xưng danh, thay vào đó là cách gọi “bầm” rất thân mật, còn với những vị khách lạ lại gọi bà là “người đàn bà tử tế”.

quan pho

Bà chỉ mong làm đủ sống và lợi nhuận một ít để giúp đỡ những mảnh đời khó khăn.

Ở tuổi 65, bà Thanh đã nếm đủ những thứ khổ cực của cuộc đời. Từng trắng tay vì buôn bán, từng phải bôn ba khắp nơi để kiếm những đồng bạc lẻ mua mắm, mua gạo sống qua ngày.

Giờ đây, khi cuộc sống đã đủ đầy, tính cách bà vẫn không thay đổi. Bà sống khoan dung, giúp đỡ những cảnh đời cơ nhỡ, kinh doanh thật tâm, không đặt lợi nhuận lên tất cả. Đơn giản, bà mở quán cơm như một cách mưu sinh bình thường, đủ để sống và là cách để bà có thể giúp đỡ những người khác, kể cả những người lạ qua đường mà bà chưa một lần quen biết.

“Làm để sống và sống sao cho thanh thản” là suy nghĩ mà bà Thanh trong 25 năm kinh doanh quán cơm bình dân này.

“Cuộc đời còn nhiều người khổ cực quá. Giá như ai vào quán ăn cũng nghĩ được, gọi ít đi một tí để vừa ăn thôi thì còn dành được sự no đủ cho bao nhiều người đang ngày đêm lang thang ngoài đường tìm miếng ăn, thức uống. Tôi chỉ mong được mọi người ủng hộ bằng những bữa cơm nhỏ, để tôi có thể duy trì được quán này lâu hơn, giúp đỡ được nhiều người hơn nữa”, bà Thanh chia sẻ.

Không giống như những người khác, 25 năm qua, mặc dù quán ngày càng đông khách, có uy tín nhưng tấm biển “Cơm bình dân” vẫn án ngữ trước lối vào. Bà bảo, từ khi quyết định mở quán cơm bình dân, bà đã thờ chữ “cơm” này.

Bà Thanh chia sẻ: “Dù sau này tôi có chết đi, con cái tôi kế thừa quán này thì tôi vẫn không cho đổi. Bởi đó không phải là thương hiệu để kinh doanh, mà chính là những gì tôi suy nghĩ và mong muốn. Đối với tôi, cuộc sống khó khăn như thế nào cũng có thể vượt qua được, nhưng làm gì thì làm, cái ăn, cái mặc vẫn phải có. Đó là điều mà tôi xem chữ “cơm” quan trọng như thế nào và vì sao tôi thờ nó”.

“Nghe chuyện, nhiều người cứ nghĩ tôi thờ cúng chữ cơm nhưng tôi chỉ thờ trong tâm thôi. Tôi thờ nó như người ta thờ chữ Tâm, chữ Nghĩa... vậy. Tuy nhiên, tôi nghĩ, thờ được và làm được hay không là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau. Nói thờ nhưng mình phải làm được thì mọi người mới phục”, bà Thanh nói.

25 năm và hơn 30 sổ nợ không đòi

Ngồi trò chuyện với bà Thanh, người viết thực sự khâm phục ý chí vươn lên của người đàn bà tuổi lục tuần này. Quê gốc ở TP Việt Trì, bà Thanh lên thị trấn Đoan Hùng lập nghiệp từ những năm 1986.

Lúc đó, bà chỉ mới mở quán bánh tráng, thấy đông khách mà nhu cầu người qua đường ăn cơm rất nhiều nên bà chuyển sang làm quán cơm bình dân.

Thời mới mở, quán cơm của bà rất ít khách, nhưng ai vào ăn cũng khen rẻ và ngon. Có hôm, bà chứng kiến cảnh khách ăn cơm chửi nhau với chủ quán gần đó, bà tự nhiên thấy bất bình lắm.

“Người ta ăn có tí cơm mà lấy nhiều tiền quá. Họ cũng là dân nghèo nên xót của. Từ đó, tôi tự nhủ, mình phải làm khác đi, đã là quán cơm bình dân thì phải bán rẻ nhưng theo đó là phải ngon, vệ sinh sạch sẽ. Tôi nghĩ, mình kinh doanh để kiếm lãi nhưng ở mức vừa phải thôi, những người vào quán này ăn chắc không phải là dân giàu có gì, vậy thì mình lấy giá ở mức hợp lý, vừa với túi tiền của họ là được. Thời buổi này có phải kiếm tiền là dễ đâu”, bà Thanh tâm niệm.

Bà Thanh bảo, khách vào đây muốn ăn nhiều là bà không bán, tất nhiên phải vừa sức ăn chứ bà không cấm. “Mấy chục năm bán quán ở đây, tôi chưa bao giờ nghe khách phàn nàn một câu bán đắt. Khách đến vui vẻ, ăn xong cũng cảm ơn rồi vui vẻ. Có rất nhiều người ăn một lần, lần sau cũng phải qua đây ăn tiếp rồi mới đi. Tội nghĩ, cuộc sống của một đời người được như vậy là tuyệt vời rồi”, bà Thanh tâm sự.

Trước khi chuyển sang nghề kinh doanh ăn uống, bà Thanh từng bôn ba buôn bán đủ thứ, từ vải vóc đến hàng gia dụng từ khắp nơi về nhưng cuối cùng bị mất hết. Thời đó, bà là một con buôn đánh hàng từ Trung Quốc về nổi tiếng, khi có của ăn, của để thì bà bị bắt vì buôn hàng lậu. Một lần, hai lần rồi nhiều lần khiến bà trắng tay.

Từ một người vốn liếng đầy trong tay, bà Thanh trở thành con nợ khắp nơi. Đi đâu bà cũng bị đòi nợ, cuộc sống vợ chồng, con cái khó khăn vào đường cùng. Cũng may, trước bà hay giúp đỡ người khác nên khi sa cơ, cũng rất nhiều người giúp bà. Khi đã trả được phần nào nợ, bà quyết định mở quán ăn để mưu sinh.

quan pho

Những cuốn sổ nợ chồng chất nhưng chưa bao giờ bà Thanh đi đòi. Ảnh: T.G

Một câu chuyện về bà nghe như tiểu thuyết mà ít người tin nổi. Hiện nay bà có hơn 30 cuốn sổ nợ. Nó được bà ghi chép cẩn thận từ những năm mới bắt đầu mở quán.

Lần dở những trang giấy đã mục và phai màu mực, bà Thanh chỉ cho tôi tên của những người nợ nhiều, người nợ ít, thậm chí là người qua đường cũng... nợ, các cơ quan, ban, ngành, các cán bộ cũng nợ rất nhiều. Nhưng với bà, những thứ đó bây giờ đã gần như chỉ là kỷ niệm.

Nó đã quá lâu, mấy chục năm rồi, giờ có người đã chết, có người vào tù, có người giàu sang phú quý, có người nghèo đi nhưng chưa một ai tôi cầm sổ nợ đi đòi cả. Tôi nghĩ không ai muốn nợ và cũng như tôi, ai kinh doanh chả cần phải có lãi.

Họ nợ, nhớ thì trả mình, nếu không trả có thể do quên hoặc không có tiền. Đến bây giờ, tôi không thích lòng tốt của mình bị lợi dụng và tôi cũng không muốn suy nghĩ đến những người lợi dụng mình”, bà Thanh giải thích.

Đến hết cuộc đời, có thể những cuốn sổ nợ này sẽ dày lên, nhưng bà Thanh không bao giờ oán trách một ai đang được ghi nợ trong cuốn sổ này. Với bà, có thể họ không trả cho mình đồng tiền đó, nhưng họ lại giúp đỡ những cảnh đời khác như bây giờ bà đang làm.

Trong cái quán cơm bình dân này, hiện bà Thanh đang nuôi dưỡng hai em có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt. Trong đó có em Nguyễn Thị Thanh (SN 1989), quê ở xã Hùng Lô, TP Việt Trì mồ côi mẹ từ nhỏ, dưới Thanh còn có một em gái nữa. Sau khi mẹ bị sét đánh chết, bố lại bỏ đi từ lúc hai chị em Thanh còn nhỏ nên mọi sự phải nhờ vào sự cưu mang của họ hàng.

Lúc 6 tuổi, biết được hoàn cảnh của Thanh, bà Thanh đã mang em về nuôi và chăm sóc cho đến tận bây giờ. Một trường hợp khác là em Vũ Thị Mỹ, 16 tuổi, có bố bị chất độc da cam cũng được bà mang về lo ăn ở và học hành.

Ngoài Thanh, Mỹ còn có Hà Văn Vinh không có bố, mẹ đang ung thư giai đoạn cuối cũng được bà Thanh mang về cưu mang, cho tiền để lo thuốc thang cho mẹ.

“Lúc mẹ em bị bệnh, bà còn đưa mẹ em đi lên các bệnh viện ở Hà Nội để khám, xét nghiệm nhưng vì bệnh nặng quá nên không chữa trị được nữa. Nếu không có bà giúp đỡ, chẳng biết mẹ con em bây giờ thế nào”, Vinh chia sẻ.

Bà Thanh tâm sự rằng, nhiều lúc muốn giúp đỡ nhiều nhưng sức mình có hạn, quán cơm này lời lãi không được bao nhiêu.

“Nằm trong khả năng của mình, giúp được đến đâu thì giúp. Tôi vẫn tự nhủ, mình sống được đến đâu sẽ làm việc thiện đến đó. Tôi đã thờ chữ “cơm” được 25 năm rồi thì tôi sẽ thờ cho đến hết cuộc đời này”, bà Thanh nói.

Theo Khampha

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích