Mỹ cam kết cùng Đức điều tra vụ gián điệp

Thứ ba, 08/07/2014, 10:29
Washington hôm qua thông báo sẽ phối hợp điều tra về nghi án một người Đức làm gián điệp hai mang, sau khi Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo vấn đề này có thể gây tổn hại niềm tin giữa hai nước đồng minh.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest. Ảnh: AFP.

Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest. Ảnh: AFP.

"Chúng tôi đang phối hợp với Đức để giải quyết vấn đề này một cách thích hợp", AFP dẫn lời phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest nói. "Mối quan hệ giữa Mỹ và Đức là vô cùng quan trọng. Mối quan hệ này được xây dựng trên sự tôn trọng, cơ sở hợp tác cũng như chia sẻ các giá trị kéo dài nhiều thập kỷ qua".

Thông báo của Nhà Trắng được đưa ra sau khi Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo việc một người Đức mới đây bị cáo buộc làm gián điệp cho Mỹ là rất nghiêm trọng, và nếu đó là sự thật thì điều này trái với mối quan hệ đối tác giữa hai nước.

Trước đó, một nhân viên 31 tuổi, thuộc cơ quan tình báo nước ngoài BND của Đức, tuần trước bị bắt với cáo buộc làm gián điệp cho Mỹ. Người này được trả khoảng 25.000 euro (34.000 USD) để cung cấp 218 tài liệu cho một đầu mối liên lạc của Washington.

Một số tài liệu được cho là chuyển tới Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA), trong đó có thông tin điều tra của một ủy ban quốc hội Đức về cáo buộc Mỹ nghe lén điện thoại của bà Merkel. CIA hiện chưa đưa ra bình luận nào.

Tổng thống Đức Joachim Gauck trong cuộc phỏng vấn với kênh ZDF cho biết nếu nghi vấn này được xác nhận thì "thực sự đã đến lúc phải nói 'đủ rồi'", đồng thời cảnh báo mối liên hệ chặt chẽ giữa hai nước đang bị đe dọa.

Tiết lộ của cựu nhân viên tình báo Edward Snowden cho thấy tài các liệu rò rỉ của NSA tiết lộ số điện thoại của thủ tướng Đức nằm trong danh sách mục tiêu cần theo dõi

Tiết lộ của cựu nhân viên tình báo Edward Snowden cho thấy số điện thoại của thủ tướng Đức nằm trong danh sách mục tiêu cần theo dõi của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA). Ảnh: Telegraph.

Cáo buộc gián điệp xuất hiện vào thời điểm quan hệ đồng minh Mỹ - Đức có nhiều vấn đề nhạy cảm. Tổng thống Mỹ Barack Obama tăng cường kêu gọi các nhà lãnh đạo châu Âu, dẫn đầu là bà Merkel, tăng cường trừng phạt Nga vì cuộc khủng hoảng Ukraine. Trong khi đó, bà Merkel lại phải đối mặt với áp lực chính trị nội bộ từ các nhóm vận động hành lang, không chấp nhận những biện pháp trừng phạt trực tiếp nhằm vào nền kinh tế Nga.

Sau những tiết lộ của cựu nhân viên tình báo Edward Snowden về chương trình theo dõi toàn cầu của Mỹ hồi năm ngoái, Berlin đã yêu cầu Washington nhất trí một "thỏa thuận không gián điệp". Tuy nhiên, Mỹ vẫn chưa sẵn sàng cho cam kết này.

Trong khi đó, chính quyền Thủ tướng Merkel đang có kế hoạch hủy bỏ "thỏa thuận không gián điệp" với Mỹ và Anh, ký kết từ năm 1945, để đáp trả, tờ Independent cho hay. Thay đổi chưa từng có để chống gián điệp này được Bộ trưởng Nội vụ Đức, ông Thomas de Maiziere, thông báo. Theo đó, Berlin muốn "giám sát 360 độ" toàn bộ hoạt động thu thập thông tin tình báo ở Đức.

Bộ trưởng Nội vụ Đức cũng không loại trừ khả năng Đức sẽ theo dõi hoạt động tình báo của Mỹ, Anh và Pháp. "Chúng ta phải tập trung nhiều hơn vào các quốc gia được gọi là đồng minh", Stephan Mayer, phát ngôn viên an ninh nội địa của đảng cầm quyền Dân chủ Thiên chúa giáo, nói.

Theo VnExpress

Các tin cũ hơn