Tàu Sang Fish 01 (Đà Nẵng) chuẩn bị ra khơi - Ảnh: Nguyễn Tú |
Chỉ tính riêng từ ngày đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, Trung Quốc ngang ngược tấn công 15 tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi làm bị thương 3 người, bắt giữ 1 tàu cá với 6 ngư dân, gây thiệt hại về tài sản hàng chục tỷ đồng. Không chỉ tấn công, Trung Quốc còn gia tăng hoạt động cản trở, uy hiếp, hăm dọa ngư dân khai thác thủy sản trên vùng biển Hoàng Sa của VN.
Tỉnh Quảng Ngãi hiện có 5.459 tàu cá, trong đó tàu cá có công suất từ 90 CV trở lên có khả năng khai thác xa bờ hơn 2.650 chiếc. Ngư trường của ngư dân Quảng Ngãi hoạt động từ vùng biển vịnh Bắc bộ đến vùng biển Tây Nam bộ, Hoàng Sa, Trường Sa và vùng biển tiếp giáp với các nước trong khu vực.
Ông Thọ cho rằng hoạt động khai thác hải sản xa bờ của ngư dân Quảng Ngãi trong những năm qua đã góp phần đáng kể trong việc phát triển kinh tế biển cũng như khẳng định chủ quyền của Tổ quốc trên Biển Đông. Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế biển ở Quảng Ngãi vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, tổ chức khai thác thủy sản chưa có sự liên kết chặt chẽ, tàu cá chủ yếu là tàu vỏ gỗ, khả năng an toàn hạn chế…
Do vậy, tỉnh Quảng Ngãi xác định phải tổ chức lại sản xuất trên biển theo các mô hình liên kết, hợp tác đối với khai thác ở vùng biển khơi, cơ cấu lại tàu thuyền theo hướng giảm dần tàu cá khai thác ở vùng biển ven bờ và vùng lộng, tàu có công suất dưới 90 CV, tăng dần loại tàu có công suất 90 CV trở lên, phát triển đội tàu cá, tàu dịch vụ hậu cần vỏ thép…
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát khẳng định, Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất cho ngư dân vươn khơi bám biển. Trong đó, dành nguồn tiền tín dụng và ngân sách để thực hiện tất cả những chính sách hỗ trợ ngư dân.
Theo ông Phát, chính sách lần này của Chính phủ có 3 đặc điểm: ưu đãi rất cao, hỗ trợ đồng bộ, hỗ trợ trực tiếp cho ngư dân. Ưu đãi cao, đó là đóng tàu cá, tàu dịch vụ vỏ thép được vay 90% giá trị con tàu, với thời hạn vay 11 năm. Trong đó, năm đầu tiên không trả gốc, lãi, 10 năm sau mỗi năm trả lãi 1%. Chính phủ cũng chi 90% tiền hỗ trợ cho ngư dân mua bảo hiểm thân tàu và 100% bảo hiểm cho ngư dân. Ngư dân dùng ngay con tàu để làm thế chấp. Đối với tàu dịch vụ hậu cần, mỗi chuyến ra khơi được hỗ trợ 40 - 60 triệu đồng, mỗi năm được hỗ trợ 10 chuyến và được miễn 9 loại thuế. Ngoài ra, hỗ trợ 100% vốn đào tạo nghề cho ngư dân, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thủy sản.
Sáng cùng ngày, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã thăm hỏi, động viên, trao quà cho ngư dân xã Bình Châu, H.Bình Sơn trong thời gian qua đã kề vai sát cánh cùng với lực lượng Kiểm ngư và Cảnh sát biển kiên cường bám biển Hoàng Sa để mưu sinh, bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.
Đà Nẵng liên tiếp đưa tàu vỏ thép ra khơi
Sáng 6/7, tàu cá vỏ thép đầu tiên của ngư dân Đà Nẵng Sang Fish 01 về đến sông Hàn sau khi nhận bàn giao chạy thử tải từ Công ty TNHH MTV đóng tàu Cam Ranh (Khánh Hòa). Đây là tàu cá lưới vây rút chì công suất gần 800 CV, dài hơn 25m, rộng gần 8m, mạn cao 3,6m, lượng choán nước hơn 180 tấn, có phần mũi, đuôi, mạn tàu được gia cường thép dày chắc chắn. Tàu trị giá gần 11 tỷ đồng do ngư dân Lê Sang (trú Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng) và anh vợ là ngư dân Phan Bé (trú H.Đức Phổ, Quảng Ngãi) góp vốn 4 tỷ đồng, Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC) ứng vốn còn lại và ngư dân trả từ 6 đến 7 năm không lãi suất. Ngư dân Lê Sang cho biết tốc độ tối đa của tàu là 11 hải lý/giờ nhưng qua thử nghiệm tàu vận hành lý tưởng ở 9,2 hải lý/giờ với mức tiêu hao 25 lít dầu/giờ, tiết kiệm 25% nhiên liệu so với tàu cá vỏ gỗ cùng công suất và kích cỡ. Ngoài ra tàu còn đầu tư hệ thống lưới, thiết bị hàng hải hiện đại như máy tầm ngư, hầm lạnh có thể làm tàu dịch vụ hậu cần, thu mua và cung ứng nhiên liệu, nhu yếu phẩm. Đồng thời gia đình ngư dân Sang sắp đóng mới tàu dịch vụ hậu cần vỏ thép dự kiến phục vụ ngư trường Hoàng Sa đầu năm 2015. Trước đó ngày 2/7, Công ty CP ứng phó sự cố tràn dầu và dịch vụ hàng hải Bảo Duy cũng vừa hạ thủy tàu vỏ thép đa năng. Tàu Bảo Duy 09 dài 22m, rộng 6m, công suất 1.100 CV được hoàn thành trong 6 tháng, trị giá hơn 5 tỷ đồng. Đây là tàu dịch vụ hậu cần nghề cá thu mua hải sản và cung ứng dầu, nhu yếu phẩm ngoài khơi, đồng thời tàu còn trang bị phương tiện cứu nạn để lai dắt, lặn trục vớt, chữa cháy, xử lý tràn dầu khi tàu cá gặp nạn trên biển. |
Đề nghị Trung Quốc cung cấp thông tin về 6 ngư dân và tàu cá QNg 94912 TS Hôm qua 6/7, trả lời câu hỏi của chúng tôi về vụ việc tàu cá Quảng Ngãi QNg 94912 TS cùng 6 ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc bắt giữ vừa qua, ông Lương Thanh Quảng, Trợ lý Cục trưởng, Trưởng phòng Bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài (Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao Việt Nam), cho biết ngày 6/7, đại diện Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội đề nghị phía Trung Quốc thông báo chính thức cho phía Việt Nam về vị trí tọa độ, lý do Trung Quốc bắt giữ tàu cá Quảng Ngãi mang số hiệu QNg 94912 TS cùng 6 ngư dân ngày 3/7 vừa qua. Trước đó, ngày 5/7, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh khẩn trương làm việc với các cơ quan chức năng của Trung Quốc xác minh thông tin và có các biện pháp bảo hộ đối với những ngư dân này. Chiều cùng ngày, Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ngãi đã đến thăm hỏi, động viên và tặng 6 suất quà (5 triệu đồng/suất) cho gia đình 6 ngư dân xã Phổ Thạnh, H.Đức Phổ (Quảng Ngãi) bị Trung Quốc bắt giữ vào sáng 3/7 khi đang hành nghề trên vùng biển vịnh Bắc bộ. Hiện gia đình các ngư dân rất lo lắng vì thông tin về 6 ngư dân bị Trung Quốc bắt giữ vẫn bặt âm vô tín. |
Theo Thanh Niên