Dự báo bão năm 2014: Số lượng ít hơn, di chuyển khó lường

Thứ ba, 15/07/2014, 08:45
Theo dự báo, năm 2014 sẽ có ít bão đổ bộ vào nước ta hơn nhưng tiềm ẩn những cơn bão mạnh có hướng di chuyển phức tạp không theo quy luật khí hậu.

Mùa mưa bão ở nước ta đã bắt đầu, để có thể giúp nhân dân ứng phó kịp thời trước những diễn biến bất thường của thời tiết, PV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Trưởng phòng dự báo khí tượng hạn vừa, hạn dài, Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia xung quanh vấn đề này:

Hình ảnh siêu bão Neoguri hoạt động trên Thái Bình Dương rồi đổ bộ vào Nhật Bản vừa qua.

Là một chuyên gia trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, ông có nhận định gì về tình hình thời tiết nước ta trong mấy tháng đầu năm 2014?

Về thời tiết nước ta trong các tháng đầu năm 2014 nhìn chung không có quá nhiều sự thay đổi lớn so với các năm trước. Ở các tỉnh miền Bắc những tháng đầu năm thời tiết vẫn còn rét và ẩm, hiện tượng mưa phùn, mưa nhỏ kéo dài, đặc biệt là từ tháng 2-3/2014.

Ở khu vực phía Nam, các tháng đầu năm ít mưa và khô hạn, mùa mưa đến muộn. Lượng mưa trong hai tháng đầu mùa là tháng 5 và tháng 6/2014 không đồng đều và phổ biến vẫn thiếu hụt so với trung bình nhiều năm.

Vào đầu hè, tình trạng nắng nóng xảy ra sớm hơn và kéo dài làm nền nhiệt độ từ tháng 4 đến nay cao hơn trung bình nhiều năm. Mùa mưa đến muộn hơn bình thường, năm nay trên các sông ở Bắc Bộ không xuất hiện lũ tiểu mãn. Trong hai tháng 5 - 6 vừa qua, lượng mưa phổ biến thấp hơn so với trung bình nhiều năm.

Về tình hình bão năm nay cũng xuất hiện muộn hơn, thông thường vào cuối tháng 5 và đầu tháng 6 đã có bão xuất hiện trên Biển Đông.

Theo ông Nguyễn Đức Hòa, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta sẽ ít hơn so với trung bình nhiều năm, tuy nhiên, sẽ tiềm ẩn những cơn bão mạnh và có hướng di chuyển phức tạp.

Xu thế thời tiết nước ta những tháng cuối năm 2014 như thế nào, thưa ông?

Từ tháng 8 - 12/2014, nền nhiệt độ trung bình trên phạm vi toàn quốc phổ biến xấp xỉ trên so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Nắng nóng có khả năng còn tiếp tục xuất hiện ở các tỉnh Trung Bộ trong tháng 8/2014. Tuy nhiên, không gay gắt và kéo dài như các tháng trước đó.

Ở các tỉnh Bắc Bộ, tổng lượng mưa từ nửa cuối tháng 7 - 8/2014 ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm. Từ tháng 9 - 12/2014, lượng mưa sẽ giảm so với trung bình nhiều năm. Các đợt mưa lớn sẽ còn xảy ra vào nửa cuối tháng 7 và tháng 8/2014. Có khả năng mùa mưa ở Bắc Bộ sẽ kết thúc sớm hơn so với bình thường.

Ở Trung Bộ, lượng mưa từ tháng 8 - 12/2014 phổ biến ở mức xấp xỉ dưới so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Lượng mưa ở Nam Bộ và Tây Nguyên trong các tháng 8 và tháng 9/2014 phổ biến ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm, riêng các tháng từ tháng 10 - 12/2014 lượng mưa sẽ thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Có khả năng mùa mưa ở các tỉnh Nam Bộ và Tây Nguyên sẽ kết thúc sớm hơn bình thường.

Trong nửa cuối năm 2014, hiện tượng El Nino có khả năng phát triển và tiếp diễn đến các tháng đầu năm 2015. Dự tính, sẽ có cường độ trung bình so với các El Nino đã xuất hiện trong khoảng 50 năm gần đây. Do đó, khả năng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động và ảnh hưởng đến Việt Nam ít hơn bình thường. Mùa mưa ở các khu vực kết thúc sớm hơn. Lượng mưa mùa khô năm 2014 – 2015 có khả năng thiếu hụt so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Thưa ông, năm 2014, dự tính sẽ có khoảng bao nhiêu cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta?

Số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông có ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta sẽ ít hơn so với trung bình nhiều năm (trung bình nhiều năm là từ 5 – 6 cơn bão). Tuy nhiên, sẽ tiềm ẩn những cơn bão mạnh và có hướng di chuyển phức tạp không theo quy luật khí hậu. Những cơn bão mạnh này xuất hiện trong thời gian ngắn, đặc biệt là vào thời kỳ cuối năm và ở khu vực Nam Biển Đông.

Về siêu bão năm nay diễn tiến như thế nào?

Theo số liệu thống kê từ năm 1961 đến nay, trên Biển Đông mới chỉ xuất hiện 3 cơn siêu bão (tức là có gió mạnh cấp 15 trở lên). Ở Việt Nam chưa có cơn siêu bão nào đổ bộ vào đất liền. Như vậy số tần suất xuất hiện siêu bão chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Và những cơn siêu bão này cũng chỉ hoạt động trên Biển Đông sau đó suy yếu dần, có thể nó đổ bộ vào Việt Nam nhưng sau đó suy yếu dưới cấp 15 và không còn là siêu bão nữa.

Tuy nhiên, với bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay các hiện tượng thời tiết cực đoan càng ngày càng gia tăng, trong tương lai có thể những siêu bão sẽ xuất hiện nhiều hơn.

Ông có thể dự đoán được bão sắp tới sẽ đổ bộ vào tỉnh nào của nước ta?

Dự báo hạn dài hiện nay, ở nước ta cũng như các nước khác trên thế giới chưa có khả năng dự báo bão một cách chính xác trước một thời gian dài rằng cơn bão sẽ đổ bộ vào đâu.

Cơn bão là một hoàn lưu xoáy thuận quay ngược chiều kim đồng hồ và gió thổi vào vùng trung tâm của nó, qua quá trình hình thành và di chuyển trên biển có thể gặp vật cản như địa hình hay một nhiễu động nào đó tác động có thể làm lệch hướng di chuyển của cơn bão. Do đó, dự bão về bão rất khó, đặc biệt là siêu bão rất hiếm khi xảy ra.

Ông có lời khuyên nào để người dân có thể chủ động ứng phó kịp thời với những diễn biến bất thường của thời tiết?

Để có thể chủ động ứng phó một cách linh hoạt và kịp thời trước những diễn biến phức tạp của thời tiết bà con cần phải thường xuyên theo dõi cũng như cập nhật những bản tin dự báo thời tiết được phát sóng rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Hạn chế và giảm phát thải các loại khí nhà kính – đây là nguyên nhân của sự nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu.

Phá rừng là một trong những nhân tố đóng góp cho sự nóng lên của trái đất và được coi là một trong những nguyên nhân chính làm gia tăng hiệu ứng nhà kính. Do đó, cần giảm thiểu nạn chặt phá rừng đầu nguồn, có ý thức bảo vệ rừng cũng như xây dựng các công trình nhà ở, các công trình sản xuất kiên cố thích ứng với từng điều kiện địa hình và điều kiện khí hậu ở từng địa phương.

Xin cảm ơn ông!

Theo Infonet

Các tin cũ hơn