Sự cố đáng chú ý nhất xảy ra vào cuối năm 2012. Theo đó, vào lúc 11h51 ngày 14/10/2012, chuyến bay số hiệu VN1511 của Hãng hàng không Quốc gia (VNA) cất cánh từ sân bay quốc tế Nội Bài đi Đà Nẵng, được kiểm soát viên không lưu cấp huấn lệnh bay lên độ cao FL340.
Đến 12h08, đài không lưu nhận được tín hiệu liên lạc của một máy bay hãng hàng không nước ngoài cũng đang bay bằng ở độ cao FL340 trên không phận Việt Nam. Kiểm soát viên không lưu thông báo đã nhận dạng bằng radar, chỉ định giữ nguyên độ cao, lấy hướng bay tới điểm VILAO (gần biên giới Việt Nam – Lào) và báo cáo khi qua điểm này.
Chưa đầy 3 phút sau, phi công lái máy bay của VNA phát hiện phía trước có máy bay ngược chiều ở cùng mực bay, cách nhau khoảng 10km trên hướng 9h so với hướng bay của VN1511.
Những vụ máy bay suýt đâm nhau của hàng không Việt. |
Tổ lái thông báo với đài không lưu và đề nghị xác nhận có nguy cơ xung đột. Khi tổ lái nhắc lại một lần nữa theo yêu cầu, kiểm soát viên không lưu mới phát hiện ra tình huống nguy hiểm và liên tiếp yêu cầu máy bay của VNA giảm độ cao xuống FL320, sau đó tiếp tục giảm xuống độ cao FL240.
Sau khi tổng hợp hồ sơ dữ liệu, nghe băng ghi âm, xem lại bản ghi hình radar và kiểm tra thực tế, Cục Hàng không đã khẳng định, nguyên nhân của vụ việc là do kiểm soát viên không lưu thiếu phân tích, quan sát và đánh giá không đúng về xu thế hội tụ của các máy bay liên quan nên cấp huấn lệnh không chính xác, có biểu hiện thụ động trong khi làm việc.
Thanh tra Hàng không đã tước bằng không thời hạn đối với kiểm soát viên không lưu trực chính, tước bằng 2 tháng đối với nữ nhân viên trực kíp trưởng và phạt hành chính 3 kiểm soát viên không lưu về hành vi thực hiện nhiệm vụ không đúng quy trình, gây uy hiếp an toàn bay.
Ngày 16/4/2012, một sự cố tương tự cũng xảy ra gần mũi Cà Mau, khi kiểm soát viên không lưu của Trung tâm Kiểm soát không lưu Đường dài - Tiếp cận HCM lúng túng trong điều hành bay, khiến 2 máy bay của Singapore Airlines và Hainan Airlines (Trung Quốc) có nguy cơ xung đột.
Tiếp đó vào ngày 17/1/2012, một kiểm soát viên trực chính công tác tại đài kiểm soát tiếp cận đường dài Hồ Chí Minh (ACC HCM, thuộc công ty Quản lý bay miền Nam) cũng bị tước giấy phép hành nghề 3 tháng và phạt hành chính 7 triệu đồng, do ra huấn lệnh sai, gây gổ, đánh nhau với người đang thi hành công vụ (đánh kíp trưởng).
Vụ xô xát này diễn ra ngày 17/1 khiến việc điều hành bay tại phân khu bị gián đoạn ít phút.. Trước khi nhận quyết định tước giấy phép, kiểm soát viên này đã bị tạm đình chỉ vì ra huấn lệnh sai.
Theo thanh tra Cục Hàng không, kiểm soát viên này đã không tập trung khi làm việc, điều hành các chuyến bay của hàng không Singapore và Indonesia trong ca trực ngày 10/6 sai quy trình kiểm soát trong quá trình điều hành các chuyến bay này tránh mây ở điều kiện thời tiết xấu, dẫn đến vi phạm giãn cách tối thiểu giữa các chuyến bay.
Trước đó, trưa 19/12/2011, một kiểm soát viên không lưu do kỹ năng điều hành yếu, chưa phát hiện xu hướng hội tụ của hai máy bay ngược chiều, nên đã đưa ra phương án điều hành bay chưa hợp lý, suýt xảy ra va chạm trên không giữa máy bay của Vietnam Airlines từ Tân Sơn Nhất đi Cát Bi (Hải Phòng) với máy bay của Jetstar Pacific (JP) đang bay về Tân Sơn Nhất.
Một kíp trực kiểm soát không lưu sân bay Tân Sơn Nhất trước đó đã bị kỷ luật vì phát nhầm lệnh hạ cánh đối với một máy bay Đài Loan vào tháng 10/2011, để máy bay này hạ cánh xuống đường băng đang có công nhân và ô tô chuyên dụng cạo vệt cao su (lốp máy bay) trên đường băng.
Mới đây nhất, lúc 20h41 phút 17 giây ngày 27/6/2014, hai máy bay của Vietnam Airlines và Jetstar Pacific suýt va chạm nhau tại sân bay Đà Nẵng.
Theo đó, chuyến bay HVN 130 của VNA bay từ TP.HCM ra được nhân viên không lưu cho phép hạ cánh xuống đường băng 35R (phải) của sân bay Đà Nẵng. Tổ lái đã báo cáo nhận huấn lệnh chuẩn bị hạ cánh.
Cách đó 7 giây, máy bay thực hiện chuyến bay PIC 595 của JP đang dừng chờ tại đường lăn E5 lại được kiểm soát viên không lưu cấp huấn lệnh cho phi công rẽ phải vào đường băng 35 R và lăn bánh đến cuối đường, quay đầu vào đường băng 17L (trái) để chuẩn bị cất cánh. 17 giây sau, máy bay VNA được lệnh lăn chậm trên đường băng và dừng lại trước đường lăn E5 để chờ.
Tiếp đó, không lưu lệnh cho máy bay của JP cất cánh theo đường băng 17L vào lúc 20h46 phút 38 giây. Tuy nhiên, sau yêu cầu này 12 giây, phi công của VNA thông báo với đài không lưu là máy bay của VNA vừa hạ cánh chưa thoát ra khỏi đường băng.
Tối 11/7, sau sự cố máy bay của hai hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) và Jetstar Pacific Airlines (JP) suýt va chạm với nhau trên đường băng, Cục Hàng không Việt Nam đã có kết luận điều tra sự cố kiểm soát viên không lưu cấp huấn lệnh cho máy bay PIC 595 của JP cất cánh khi máy bay HVN 130 của VNA chưa thoát ly khỏi đường băng.
Theo điều tra ban đầu của Cục Hàng không Việt Nam, thì nguyên nhân của sự cố trên là do trước khi cấp huấn lệnh cho máy bay PIC595 cất cánh, kiểm soát viên không quan sát đường băng có máy bay HVN130 chưa thoát ly khỏi đường băng.
Kiểm soát viên không lưu điều hành hai máy bay nêu trên lại đang thực tập và không có giấy phép và năng định nhân viên không lưu.
Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu đình chỉ công việc giám đốc công ty Quản lý bay miền Trung trong vòng 15 ngày, thu hồi giấy phép và chứng chỉ của kíp trưởng kíp trực kiểm soát không lưu.
Theo Zing