Từ ngày 1/6, tất cả cơ quan hành chính, tổ chức chính trị trên địa bàn tỉnh Bình Dương (trừ các đơn vị trường học, bệnh viện, công an, quân sự) phải thay đổi giờ làm việc. Theo đó, giờ làm việc hành chính từ 8 giờ đến 12 giờ (trước đây là 7 giờ 30 đến 11 giờ 30); chiều làm việc từ 13 giờ đến 17 giờ (trước đây là13 giờ 30 đến 17 giờ 30).
Sau hơn một tháng thực hiện, nhiều cán bộ, viên chức cho rằng việc đổi giờ đã phát sinh nhiều bất hợp lý…
Cơm chưa qua cổ đã đến giờ làm!
“Do nhà xa, tôi lại có hai con nhỏ nhưng phải đến 12 giờ tôi mới ra khỏi cơ quan về lo cho hai đứa ăn uống, đưa đi học… Loay hoay là đến 13 giờ mà tôi vẫn chưa đến được cơ quan. Hơn tháng nay làm việc theo giờ mới, nói thật là tôi rối hết cả lên, không có thời gian nghỉ trưa, làm việc cũng không hiệu quả nữa” - một nữ cán bộ làm việc tại thị xã Dĩ An nói.
Một cán bộ khác công tác tại UBND huyện Dầu Tiếng thì chia sẻ: “Nói thật, trước đây sau 11 giờ, người dân rất ít đến liên hệ công tác. Lúc này anh em trong cơ quan cũng đã chuẩn bị thu xếp tài liệu, đến 11 giờ 30 là đi đón con. Hai vợ chồng tôi đều là người nhà nước, đổi giờ làm thế này rối tung cả lên: Đến 12 giờ thì một người chạy về nhà lo cơm nước, một người đi đón con mà không kịp thời gian. Có hôm cơm trưa chưa qua khỏi cổ đã cắm đầu chạy đến cơ quan và chuyện trễ giờ luôn diễn ra, dù không muốn tí nào!”.
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại một số xã, huyện việc đi trễ về sớm theo giờ hành chính mới xảy ra hà rầm.
Người dân làm thủ tục hành chính tại Bình Dương. (ảnh chỉ có tính minh họa)
“Ăn cắp” thời gian bất đắc dĩ
Bình luận về việc thay đổi giờ làm, một đại biểu HĐND tỉnh Bình Dương nói: “Việc đổi giờ làm chỉ phù hợp đối với các ban, ngành ở tỉnh đang làm việc tại tòa nhà trung tâm hành chính tỉnh, còn áp dụng với các huyện, thị xã, xã ở toàn tỉnh thì nảy sinh ra nhiều bất hợp lý, lãng phí thời gian của Nhà nước. Cụ thể, buổi sáng nhiều cán bộ đưa con đến trường rồi tới cơ quan ngồi cà phê, tán chuyện chờ đến 8 giờ mới vào cơ quan làm việc. Buổi trưa, khi chưa đến giờ nghỉ họ lại tranh thủ đón con, về nhà nấu cơm với một tá lý do…”.
Một đại biểu HĐND thị xã Bến Cát thì cho rằng việc đổi giờ làm dẫn đến việc “ăn cắp” thời gian công vụ bất đắc dĩ. “Tôi thấy những bữa đầu cán bộ đi làm đúng giờ, tuy nhiên sau đó lơi dần. Hơn nữa, khoảng thời gian từ 11 giờ 30 đến 12 giờ người dân ít đến liên hệ công việc. Vì vậy quy định này cần xem lại” - đại biểu này chia sẻ.
Trong cuộc tiếp xúc cử tri với các đại biểu ngày 4/6, ông Nguyễn Phát Lâm (ngụ phường Mỹ Phước, thị xã Bến Cát, Bình Dương) nêu: “Việc thay đổi giờ làm nảy sinh nhiều bất cập với cấp huyện, xã. Đề nghị tỉnh xem lại…”.
Sẽ xem xét lại Trao đổi về những bất cập trong việc đổi giờ làm, ông Phạm Văn Cành - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương cho biết: “Tôi cũng đã nhận được một số phản ánh và sắp tới, HĐND tỉnh sẽ tính toán, xem xét để điều chỉnh cho phù hợp”. |
Theo Pháp Luật Online