Chiều 11/7, Thiếu tướng Nguyễn Kim Cách, Phó Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân đã khẳng định như trên khi trao đổi với phóng viên báo Đời sống và Pháp luật.
Thiếu tướng Nguyễn Kim Cách giải thích: “Một máy bay thường có 2 động cơ, khi một động cơ bị hỏng, giảm công suất đột ngột thì động cơ còn lại sẽ phải bù công suất, thế nhưng trong trường hợp này, do máy bay vừa cất cánh nên không có đủ độ cao và thời gian cho động cơ còn lại bù công suất, vì theo nguyên tắc, việc bù công suất cũng cần phải có thời gian và độ cao nhất định”.
Máy bay bị nạn là do động cơ bị giảm công suất đột ngột, tổ lái cố điều khiển máy bay
tránh khu dân cư nên không đủ điều kiện hạ cánh an toàn.
“Đáng ra khi ấy máy bay phải hạ cánh để đảm bảo an toàn, thế nhưng đúng lúc ấy, vị trí của máy bay lại đang ở giữa khu chợ và khu đông dân cư, nếu cho hạ cánh xuống đó thì sẽ gây thiệt hại cho nhiều người nên phi công và tổ lái đã cố gắng kéo máy bay lên cao để tránh xa khu vực đó, và khi đến khu đất trống thì máy bay lại không đủ điều kiện để hạ cánh nên máy bay đã rơi dẫn đến tai nạn, cú va chạm mạnh đã làm máy bay phát nổ, khiến nhiều chiến sĩ hy sinh” - Phó Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân phân tích.
Trong một diễn biến khác, sáng 11/7, lễ truy điệu 18 chiến sỹ hy sinh cũng đã được tổ chức trọng thể tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
Trước đó, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng đã ký quyết định truy tặng và tặng thưởng Huân chương Chiến công cho những chiến sỹ hy sinh và bị thương trong vụ rơi máy bay Mi-171.
Theo Khám Phá